Cập nhật ngày: 19/09/2013

Được tham quan, tận mắt mục sở thị đào tạo nghề kép tại CHLB Đức, nhóm các thầy hiệu trưởng một số trường Cao đẳng nghề của Việt Nam cho biết “được khám phá thêm nhiều điều thú vị”.
 
Tất cả thay đổi của nền kinh tế Đức đều được đưa vào các cơ sở đào tạo nghề
 
Ở Đức việc học nghề và nghề đào tạo lao động cho những công việc trực tiếp phục vụ đời sống con người dường như đã trở thành văn hóa phát triển của quốc gia. Và đã hình thành được nhiều thế hệ những người lãnh đạo giỏi nhất chăm lo cho công việc đào tạo nghề.
 
640x440.jpg
 
Ông  Theodor Niehaus, Chủ tịch World Skill Leipzig, người sáng lập và phát triển Quỹ World Skills cho biết, ở Đức cũng như nhiều quốc gia châu Âu, đào tạo nghề luôn song hành với nền kinh tế. Nâng cao năng lực phát triển bền vững đang là chủ đề hiện tại và tương lai của nhiều quốc gia và nó liên quan mật thiết đến đào tạo nghề. Ngày càng cần những công nhân để thực hiện những ý tưởng phát triển bền vững. Đại diện khối doanh nghiệp của Đức cho biết, xu hướng phát triển của các doanh nghiệp trên thế giới ngày nay là tái chế, giảm phát thải và hạn chế tác động xấu tới không khí và môi trường. Xu hướng này đã xuất hiện nhiều nghề mới và nó luôn được cập nhật trong các chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề ở Đức. Ví dụ cần công nhân làm việc tại các trạm điện năng lượng mặt trời, năng lượng gió thì phòng công nghiệp Đức cung cấp bổ sung chương trình đào tạo điện năng lượng mặt trời, điện năng lượng gió cho các cơ sở đào tạo nghề. Cần công nhân làm việc trong lĩnh vực công nghệ ô tô sạch hay tái tạo nước thải thì các cơ sở đào tạo nghề được cung cấp bổ sung chương trình đào tạo các nghề này. Có thể nói, tất cả những thay đổi của nền kinh tế Đức đều được đưa vào các cơ sở đào tạo nghề thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề.
 
Ở trường học gì?

Hệ thống đào tạo nghề kép của Đức có thể hiểu nôm na là học ở trung tâm và thực hành ở doanh nghiệp trong suốt thời gian học nghề từ 3 năm đến 3 năm rưỡi tùy theo nghề học. Tất cả các lý thuyết và kỹ năng cơ bản đều được đào tạo tại trường còn ứng dụng vận hành tại doanh nghiệp. Tuy nhiên ngay cả học lý thuyết ở trường hoặc trung tâm đào tạo thì lý thuyết đó cũng được thực hành trên các modul thật hoặc bài giảng 3D trên màn hình chứ không phải lý thuyết chay. Khi xuống doanh nghiệp, học sinh hoàn toàn thực hành các kiến thức, kỹ năng đã được học tại trung tâm.
 
Trưởng phòng đào tạo thuộc Trung tâm đào tạo nghề Nhà máy Nhiệt điện Leipzig cho biết, công việc tuyển sinh của Trung tâm thường bắt đầu vào tháng 11-12 hàng năm. Đối tượng tuyển là học sinh tốt nghiệp các trường phổ thông được các trường đó lập danh sách đăng ký với trung tâm. Trên cơ sở danh sách đó, Trung tâm tổ chức kiểm tra, đánh giá và lựa chọn học viên theo nhu cầu của doanh nghiệp. Nội dung kiểm tra chủ yếu là toán, lý và các kiến thức liên quan đến nghề sẽ làm sau này. Không chỉ nhìn vào bảng điểm mà còn xem thái độ của họ đối với nghề họ sẽ làm. Sau khi đánh giá, lựa chọn được người đúng như yêu cầu, Trung tâm tổ chức ký hợp đồng. Trong mầu hợp đồng miêu tả các yêu cầu công việc mà người học sau này phải đáp ứng; thời gian đào tạo; thời gian nghỉ hè, nghỉ lễ (thường là 30 ngày nghỉ trong 1 năm) và lương được trả trong quá trình học nghề (theo thỏa thuận). Tùy theo nghề và công việc, thường thì học sinh cứ 2 tuần học lý thuyết tại trung tâm thì 2 tuần làm việc tại doanh nghiệp. Nội dung học tại trung tâm gồm các kiến thức cơ bản liên quan đến nghề sẽ làm sau này, tiếng Anh kinh tế và tiếng Đức (đối với học sinh là người nước ngoài). Kết thúc khóa học, người học được đánh giá bởi Phòng Công nghiệp Đức theo chuẩn thống nhất quốc gia. Sau 3 năm rưỡi học nghề học sinh cũng phải có một báo cáo tốt nghiệp. Những kỳ thi không đạt được kiểm tra lại,. Tốt nghiệp sau 3 năm rưỡi học nghề học sinh được chứng nhận là công nhân lành nghề - lương khởi điểm thường 1200 – 1500 EURO/người/tháng. Nếu đáp ứng công việc được giao thì có những mức lương tương ứng và tăng dần theo kỹ năng.
 
Quan sát thực tế việc học lý thuyết tại trung tâm đào tạo cũng được cụ thể hóa trên các modul.
Hầu hết các phần lý thuyết đều được học sinh học trên máy. Cũng tại đây các kỹ năng làm việc được đào tạo khá nghiêm ngặt. Ví dụ để lắp đặt, vận hành một robot cần cẩu, học sinh được truyền đạt kiến thức nguyên lý trên mô hình. Sau đó tự thiết kế bản vẽ, phân tích và lập kế hoạch triển khai công việc (có bao nhiêu bước, thời gian hoàn thành các công đoạn là bao nhiêu). Hoàn thành phần việc nào, học sinh lấy bút tự gạch phần việc đó. Tại xưởng đào tạo lý thuyết nghề cơ điện tử, người hướng dẫn cho chúng tôi xem sản phẩm Mạch hệ thống điều khiến máy nâng động cơ 1.1 KW (gồm khí nén, động lực, tự động hóa) bài thi tốt nghiệp của một học sinh nghề cơ điện tử. Đề thi được làm trong 2 ngày. Không phải chỉ lắp đặt theo bản vẽ mà học sinh phải tự làm hết các công đoạn từ lập kế hoạch triển khai; thiết kế sơ đồ nguyên lý; thiết kế sơ đồ đi dây; lựa chọn linh kiện, thiết bị; lập trình; lắp đặt; vận hành thử; tự đánh giá và cuối cùng là báo cáo. Có thể nói đó là trình độ của một kỹ sư thực hành.
 
Tại trường đào tạo nghề Delitzsch, ông Frohlich, hiệu trưởng trường cho biết, trường có 800 sinh viên. Ý tưởng đào tạo nghề kép, hợp tác với các doanh nghiệp đào tạo công nhân được bắt đầu ngay từ khi thành lập trường – năm 1888. Từ đó trường luôn tổ chức đào tạo theo định hướng thực hành, đào tạo những cái doanh nghiệp cần. Hàng chục năm qua, các đối tác đào tạo của trường là BMW, SIMEN; GHm. Các đối tác này chủ yếu cung cấp những nội dung thực hành liên quan đến quá trình đào tạo công nhân cho họ, đây là cách thức tạo sự gần gũi giữa chất lượng học sinh được đào tạo và yêu cầu của doanh nghiệp.

Ở doanh nghiệp, học gì?
 
Tại doanh nghiệp học sinh được giao các công việc từ đơn giản đến phức tạp tương ứng với thời gian học nghề và được hướng dẫn tỉ mỉ. Học sinh phải học việc như một công nhân thực thụ. Một học sinh đang làm việc tại Nhà máy nhiệt và điện Leipzig cho biết, đây là nhà máy thuộc tập đoàn Freistaat SACHSEN, tập đoàn lớn nhất tại Đức và là nhà cung cấp hàng đầu tại Leipzig về điện và nhiệt. Đây cũng là nhà máy cung cấp 100% năng lượng điện cho toàn Leipzig. Nhà máy có 953 công nhan bao gồm cả thực tập. Trung tâm đào tạo của nhà máy có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho công ty và cho các chi nhánh.
 
Việc học của học sinh tại doanh nghiệp thường 2-3 tuần học ở trường sau đó là 5-6 tuần thực tập ở xưởng. Các kiến thức, kỹ năng cơ bản tiếp thu trên lớp được áp dụng trong thực tế ngay sau đó là được bổ sung nâng cao theo công nghệ mới. Công việc của học sinh này là kiểm tra, sửa chữa, bảo trì các van cảm biến, van áp suất, áp lực và van thủy lực, mỗi tuần một lần vào ngày thứ 5. Các ngày khác thì kiểm tra mạch và hệ thống van theo nhóm. Để đảm nhiệm được các công việc trên, học sinh phải nắm chắc các nguyên lý lý thuyết về khí, nhiệt, áp suất, áp lực, các kiến thức cơ bản về điện và các kỹ năng thao tác. Nếu học nghề cơ điện tử thì người học còn phải thực hành ở nhiều xưởng khác như điện, điện tử, hàn…vì nghề cơ điện tử là tổng hợp của nhiều nghề.
 
Học sinh học nghề tại doanh nghiệp được ký hợp đồng với doanh nghiệp, được hưởng hỗ trợ về tài chính trong quá trình học và được nhận vào làm sau khi tốt nghiệp mà không phải thực tập nghề nữa. Cũng có thể sau khi học người học không làm cho công ty này mà làm cho công ty khác.
 
Phó giám đốc Nhà máy nhiệt điện Leipzig cho biết, năm 2005 trung tâm có 2000 hồ sơ xin học. Riêng nghề cơ điện tử mỗi năm có 200-300 đơn xin học nhưng trung tâm chỉ tuyển theo nhu cầu sử dụng của nhà máy và theo đơn đặt hàng của các cơ sở khác. Đào tạo nghề kép của Đức giúp những người trẻ tuổi khởi nghiệp ổn định và lâu dài, nhờ đó mà tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên Đức rất thấp.
 
Tại Leipzig, đoàn các hiệu trưởng các trường CĐN của Việt Nam cũng tới thăm trung tâm đào tạo của Hiệp hội xử lý nước thải quốc gia. Người hướng dẫn cho biết, ở Đức, dân số nông thôn chỉ chiếm khoảng 20% nhưng sống rải rác không tập trung nên không phải hộ gia đình nào cũng có thể làm hệ thống xử lý nước thải riêng vì rất tốn kém. Hiệp hội muốn thay đổi thói quen của người dân nên đã có ý tưởng xây dựng  các hệ thống thiết bị xử lý nước thải nhỏ. Để lắp đặt, vận hành thiết bị này phải có lực lượng công nhân xây dựng, vận hành, bảo dưỡng các trung tâm xử lý nước thải. Chính vì vậy Hiệp hội không chỉ có các công ty xây dựng mà còn có các trung tâm đào tạo, trung tâm quản lý, bảo hành. Nhiệm vụ của các trung tâm là cung cấp thông tin, đào tạo bồi dưỡng và thực hiện các dự án về xử lý nước thải. Dẫn chúng tôi tham quan các thiết bị thực hành dùng cho đào tạo, người hướng dẫn cho biết, các bài giảng lý thuyết và thiết bị thực hành luôn được bổ sung, cập nhật công nghệ mới. Các học viên của trung tâm thường là người Đức, Ai Cập, Mông Cổ.
 
Tại trung tâm đào tạo có 18 mô hình công nghệ xử lý nước thải khác nhau và đều được cấp giấy chứng nhận của Chính phủ Đức. Các thiết bị xử lý nước thải được xây dựng lắp đặt trong khu vực dành cho học sinh thực tập và tập huấn có qui mô cho 4-53 nhân khẩu hoạt động hoàn toàn theo cơ chế sinh học. Các học viên được đào tạo lý thuyết tại trung tâm và thực hành ngay tại khu vực này.
 
Nguồn: TCNN& CS