Cập nhật ngày: 21/08/2013

"Đào tạo ĐH dư thừa quá nhiều (khoảng 80-90%). Hiện nay đang có tỷ lệ: 1 ĐH chỉ có 0,9 trung cấp nghề và CĐ nghề. Tỉ lệ này là đi ngược lại xu thế tất yếu trong bài toán nhân lực"- ông Dương Đức Lân- Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề nhận định.
 
 
Ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề  trả lời phỏng vấn
 
Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, trong mùa tuyển sinh năm 2013 sẽ có khoảng 600.000 thí sinh trượt ĐH, CĐ do không vượt qua ngưỡng điểm sàn mà Bộ quy định. Vấn đề đặt ra là số lượng thí sinh quá lớn này sẽ tìm được hướng đi nào phù hợp cho bản thân khi đang còn quá nhiều định kiến của xã hội về việc "trượt" ĐH? Xung quanh vấn đề này, bên lề Hội nghị xây dựng Khung trình độ quốc gia, ông Dương Đức Lân đã có cuộc trao đổi với một số cơ quan báo chí.
 
PV: Đào tạo ĐH những năm gần đây luôn trong tình trạng "nở rộ", hậu quả mất cân đối cung cầu lao động lại ngày càng trầm trọng. Ông có thể chia sẻ gì về điều này?
 
Ông Dương Đức Lân: Đào tạo ĐH dư thừa quá nhiều (khoảng 80-90%). Hiện nay đang có tỷ lệ: 1 ĐH chỉ có 0,9 trung cấp nghề và CĐ nghề. Nếu tính đúng, 1 ĐH phải có 15-20 người học nghề. Tỉ lệ hiện nay mới là đi ngược lại xu thế tất yếu trong bài toán nhân lực. Do vậy cơ cấu nhân lực bị mất cân đối nghiêm trọng.
 
Tôi cho rằng chúng ta khuyến khích những người có khả năng, trình độ vào học ĐH nhưng không nên bằng mọi giá, bắt mọi học sinh (kể cả học sinh trình độ kém) phải vào ĐH. Vì như vậy vừa gây lãng phí cho bản thân học sinh, cho chính ngôi trường đào tạo và lãng phí cho cả gia đình, xã hội. Nhưng trên hết đó là việc tạo ra cơ cấu lao động bất hợp lý trong hệ thống ngành nghề nước ta, dẫn đến hiệu quả sử dụng lao động không cao.
 
Không đủ năng lực, vẫn sách áo đi thi, vừa gây tốn kém cho gia đình vừa tạo áp lực chi phí không nhỏ cho xã hội. Bên cạnh đó vô hình trung còn tạo áp lực giả trong thi cử, trong tuyển sinh.
 
PV: Thưa ông, trong đào tạo hiện nay, bậc CĐ thiên về lý thuyết còn CĐ nghề thực hành lại nhiều hơn. Vậy theo ông, hai loại hình đào tạo này, cái nào được thị trường ưu tiên hơn?
 
Ông Dương Đức Lân: CĐ hay CĐ nghề, ra trường đều đi làm việc trực tiếp. Tùy theo mức độ sử dụng, cũng có doanh nghiệp cần người được dạy lý thuyết nhiều, ngược lại. Tuy nhiên, thực tế hiện cho thấy CĐ nghề rất "đắt hàng", ngày các trường tổ chức tốt nghiệp có khoảng 40-50 doanh nghiệp đến tranh giành lao động, thi nhau trả lương cao, trong khi tốt nghiệp CĐ chưa chắc đã có việc.
 
PV: Vậy theo ông hiện ngành nghề nào đang khát nhân lực và có nhiều cơ hội việc làm cho người học tốt nghiệp?
 
Ông Dương Đức Lân:   Có hai nhóm ngành hiện đang rất hút DN, là nhóm nghề kỹ thuật- công nghệ và nhóm nghề du lịch, khách sạn. Dù chưa có nghiên cứu toàn diện nhưng cứ nhìn vào các khóa tốt nghiệp thì thấy các nghề kỹ thuật, công nghệ giải quyết việc làm rất tốt. Học viên ra trường có việc làm ngay.
 
PV: Nhưng lâu nay, dường như thông tin về dạy nghề còn chưa phổ biến, dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc trong khâu này như tình trạng DN đánh bóng tên tuổi, quảng cáo quá mức nhằm lừa đảo học viên?

Ông Dương Đức Lân:  Đây thực sự là thiếu sót lớn. Ngoài các trường TCN, CĐN còn có 870 trung tâm dạy nghề ở khắp cả nước, ở huyện nào cũng có. Chính vì thế năm nay, Tổng cục Dạy nghề đã đổi mới cho xuất bản cuốn Thông tin tuyển sinh các trường TCN, CĐN năm 2013 và đưa lên Website của Tổng cục từ tháng 3 để phụ huynh và học sinh biết được tất cả thông tin về ngành nghề đào tạo, địa điểm trường, chỉ tiêu tuyển sinh…
 
Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều sinh viên ĐH ra trường lại đi làm công việc của người không cần học, chỉ lao động phổ thông là làm được. Tất nhiên đúng là thí sinh học giỏi nên vào ĐH, còn lại lựa chọn nghề là con đường khả thi nhất là đối với những thí sinh có hoàn cảnh và sức học bình thường.
 
PV: Xin cảm ơn ông!
 
Nguồn: HQ Online