Cập nhật ngày: 12/06/2013

Những năm qua, mặc dù đã có  nhiều giải pháp nhưng việc thực hiện công tác phân luồng vẫn còn không ít khó khăn và chưa đạt kết quả như mục tiêu đề ra. Đó là thực tế mà TS Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp- Bộ GD&ĐT đã thẳng thắn nhìn nhận, trao đổi với Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống.

“Luồng” vẫn nhiều hạn chế

 
 
 
 
Ông đánh giá như thế nào về công tác phân luồng học sinh trong những năm qua?

 
 
 
TS Hoàng Ngọc Vinh: Trong hệ thống giáo dục, những năm qua chúng ta đã có một số chủ trương, chính sách và những cơ chế để thực hiện phân luồng học sinh từ việc giáo dục hướng nghiệp, tuyên truyền nâng cao nhận thức, xây dựng chính sách đào tạo liên thông giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học, cho đến việc phát triển mạng lưới giáo dục nghề nghiệp để thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020. Với những cách làm sáng tạo và năng động, một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc đã thực hiện khá tốt công tác phân luồng.  Những địa phương này đã có nhiều sáng kiến về phân luồng. Chẳng hạn như ở Vĩnh Phúc, Tỉnh ủy ra Nghị quyết về phổ cập THCS, ngành giáo dục vận động các cấp Uỷ đảng chính quyền, các cấp hội, các doanh nghiệp quan hệ với hệ thống các trường THCS để đón đầu các em học sinh sau khi ra trường, thậm chí Vĩnh Phúc còn có cả chính sách hỗ trợ kinh phí nhằm khuyến khích học  sinh học TCCN, Trung cấp và Cao đẳng nghề.
 TS Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp- Bộ GD&ĐT
 
 
 
 
Tuy nhiên, trên phạm vi cả nước, công tác phân luồng học sinh vẫn chưa nhiều chuyển biến. Từ lâu, mạng lưới giáo dục đã tồn tại hệ TCCN song song với THPT. Nhưng phần lớn học sinh vẫn lựa chọn con đường tốt nghiệp THCS, sẽ vào học THPT, sau THPT tiếp tục thi vào đại học. Nếu không đỗ mới quay sang học TCCN hoặc học nghề gây lãng phí về thời gian và tiền bạc. Chưa kể số lượng các em không đỗ đại học lại tiếp tục ôn tập để chờ thi năm sau hoặc đi làm. Điều này dẫn đến các trường nghề, trường TCCN không tuyển đủ học sinh. Tỉ lệ phân luồng ở các vùng miền còn thấp. Ví dụ, năm 2007-2008, Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có khoảng 3,6% học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề và TCCN, cá biệt có tỉnh Trà Vinh là 1,1% và An Giang là 3,0%. Một số tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên cũng có tình trạng tương tự.
 
 
 
 
Trong 3 năm gần đây, chỉ khoảng 26 nghìn học sinh trên cả nước mỗi năm tốt nghiệp THCS vào học TCCN. Có thể nói đây là tỉ lệ rất thấp. Theo tính toán sơ bộ, mỗi năm có khoảng 300 nghìn học sinh tốt nghiệp THCS không vào học THPT. Trong số 300 nghìn học sinh, chỉ có khoảng 60 nghìn em vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Vậy câu hỏi đặt ra: 240 nghìn học sinh đó làm gì và các em đó có thực sự đáp ứng được yêu cầu công việc khi gia nhập thị trường lao động hay không trong khi chưa được trau dồi kỹ năng nghề nghiệp? Nếu tính cả số học sinh bỏ học THPT, thi trượt tốt nghiệp lớp 12, thi trượt cao đẳng và đại học mỗi năm thì con số thanh niên chưa được đào tạo nghề nghiệp hàng năm sẽ rất lớn. Hậu quả là một số lượng lớn thanh niên đến tuổi lao động chưa được đào tạo nghề tạo ra sự lãng phí nguồn nhân lực lớn cho xã hội, tác động đến tính hiệu quả của hệ thống giáo dục và đào tạo.
 
 
 
 
Vậy ông có thể cho biết đâu là nguyên nhân của những hạn chế trên?

 
 
 
TS Hoàng Ngọc Vinh: Hạn chế về phân luồng học sinh do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Về khách quan, một là, hệ thống thông tin thị trường lao động còn nghèo nàn. Qua khảo sát từ các cơ sở đào tạo, cán bộ quản lý cho thấy 87,7% các ý kiến đồng ý với nhận định này. Thêm nữa, thiếu việc làm trên thị trường lao động và điều kiện kinh tế xã hội khó khăn cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến phân luồng giáo dục.
 
 
 
 
Hai là, nhận thức của người dân, nhà trường và xã hội nói chung đối với giáo dục nghề nghiệp còn khá hạn chế. Nhiều gia đình và học sinh không lượng được sức học của bản thân và điều kiện kinh tế gia đình để tìm con đường học nghề từ sớm. Qua khảo sát từ các cơ sở đào tạo, cán bộ quản lý cho thấy 90% các ý kiến đều nhận định như vậy.
 
 
 
 
Ba là, hiện nay, tâm lý tuyển dụng của các doanh nghiệp đòi hỏi người dự tuyển phải tốt nghiệp THPT. Điều này cũng gây trở ngại cho công tác phân luồng.
 
 
 
 
Về nguyên nhân chủ quan, có thể thấy một số vấn đề sau:
 
 
 
 
Thứ nhất, đầu tư dành cho trường TCCN có chất lượng còn hạn chế. Do đầu tư còn mang tính dàn trải, thiếu đồng bộ dẫn đến quy mô và điều kiện của các cơ sở dạy nghề và hệ thống trường TCCN chưa đáp ứng được nhu cầu phân luồng học sinh. Chỉ tính riêng các trường TCCN nếu mỗi năm tuyển thêm khoảng 100 nghìn học sinh tốt nghiệp THCS thì giáo viên phải tăng thêm ít nhất 5 nghìn người. Chỉ tính riêng giáo viên dạy nghề và TCCN thì cần phải tăng thêm ít nhất 20 nghìn giáo viên dạy nghề và TCCN.

Thứ hai, quản lý nhà nước còn chồng chéo giữa Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ-TB&XH.

Thứ ba, hiện nay, chương trình đào tạo TCCN và khả năng liên thông từ TCCN lên CĐ và ĐH chưa tốt. Qua khảo sát, có tới 84,2% ý kiến cho rằng liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp với các bậc học khác trong hệ thống giáo dục gặp nhiều khó khăn. Các môn văn hóa dạy trong các trường trung cấp nghề, TCCN không thích hợp với đối tượng học sinh vốn học lực đã yếu, động cơ học tập thấp. Thứ tư, thiếu chính sách khuyến khích đối với học sinh, các trường tuyển hệ tốt nghiệp THCS. Qua khảo sát cho thấy 89,9% ý kiến cho rằng chưa có chính sách khuyến khích người học là một trong những nguyên nhân cản trở phân luồng học sinh.
 
 
 
 
Giải pháp nào?
 
 
 Để khắc phục hạn chế, đẩy mạnh công tác phân luồng, theo ông, những giải pháp cần thiết, phù hợp hiện nay là gì?
 
 
 
 
TS Hoàng Ngọc Vinh: Trong những năm qua, chúng ta đã đưa ra nhiều giải pháp. Nhưng giải pháp đó thực hiện được đến đâu còn phụ thuộc vào ý chí quyết tâm của các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương.
 
 
 
 
Hiện nay, một số doanh nghiệp nước ngoài lại chỉ tuyển dụng lao động phổ thông của Việt Nam sang làm việc. Ví dụ Hàn Quốc tới đây sẽ lấy 28 nghìn lao động qua phổ thông và sẽ đào tạo nghề cấp tốc trong vòng 2 tháng. Vấn đề đặt ra là lực lượng lao động chỉ được đào tạo kỹ năng đơn giản như vậy thì sau này khi “mắt kém, tay chậm” liệu họ có còn đáp ứng được yêu cầu công việc nữa không? Khi kinh tế xã hội phát triển kéo theo đổi mới công nghệ sản xuất thì lực lượng lao động đó có bắt kịp được với công nghệ mới, hiện đại không hay trở thành gánh nặng của xã hội. Có nghề mà không có nghiệp là ở chỗ đó. Đây là bài toán khó đòi hỏi Chính phủ cần phải quy hoạch, tái cơ cấu hệ thống giáo dục để tạo điều kiện phân luồng và học tập suốt đời của người dân. Phân luồng tốt nhất là tạo ra hệ thống giáo dục mở, hình thành xã hội học tập, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nghề.
 
 
 
 
Tóm lại, để triển khai công tác phân luồng hiệu quả, cần có sự định hướng của cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành và sự chung tay của toàn xã hội. Phân luồng học sinh phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và nhu cầu nhân lực của địa phương, gắn đào tạo với nhu cầu của xã hội. Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc về phân luồng sau THCS. Chắc chắn nhiều sáng kiến, giải pháp sẽ tiếp tục được đưa ra làm cơ sở cho việc thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh.
 
 
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
 
 
 
 
 
Mục tiêu chung của công tác phân luồng là từ nay đến năm 2020 phải thu hút 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN và học nghề. Theo đó, sẽ đầu tư nâng cấp, xây dựng mới trường dạy nghề, trung tâm dạy nghề, TCCN ở những vùng khó khăn; Đổi mới chương trình theo hướng tích hợp lý thuyết với kỹ năng nghề và liên thông; Đào tạo các chuyên gia làm công công tác tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông; Phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề và TCCN để đảm bảo mở rộng quy mô giáo dục nghề nghiệp.
 
 
 
 
 
 
Ngọc Mai (Thực hiện)