Cập nhật ngày: 20/02/2013

dsadsa.jpgChưa bao giờ An sinh xã hội (ASXH) và vấn đề ASXH lại được nhắc đi nhắc lại nhiều như hiện nay cả ở Việt Nam và thế giới, không chỉ trên các phương tiện truyền thông, mà còn cả trong các văn bản, trong các chính sách thực tiễn của các quốc gia. Tại sao lại như vậy? Phải chăng ASXH có tầm ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ sự phát triển của con người trên trái đất? Để hiểu rõ điều này, trước hết cần xuất phát từ khái niệm này.
 
Như đã từng đề cập, ASXH được tiếp cận theo nghiều nghĩa rộng hẹp khác nhau. Theo tiếng Anh, ASXH thường được gọi là Social Security và khi dịch ra tiếng Việt, ngoài ASXH thì thuật ngữ này còn được dịch là bảo đảm xã hội, bảo trợ xã hội, an ninh xã hội, an toàn xã hội… với những ý nghĩa không hoàn toàn tương đồng nhau (Bởi ngoài Social Security, còn có từ Social Protection với những hàm nghĩa khác, nhưng khi dịch ra tiếng Việt cũng có nhiều từ trùng như bảo trợ xã hội, bảo vệ xã hội, an toàn xã hội…).
 
Theo nghĩa chung nhất, Social Security là sự đảm bảo thực hiện các quyền của con người được sống trong hoà bình, được tự do làm ăn, cư trú, di chuyển, phát biểu chính kiến trong khuôn khổ luật pháp; được bảo vệ và bình đẳng trước pháp luật; được học tập, được có việc làm, có nhà ở; được đảm bảo thu nhập để thoả mãn những nhu cầu sinh sống thiết yếu khi bị rủi ro, tai nạn, tuổi già…Theo nghĩa này thì tầm “ bao” của Social Security rất lớn và vì vậy khi dịch sang tiếng Việt có nhiều nghĩa như trên cũng là điều dễ hiểu.
 
 Theo nghĩa hẹp, Social Security được hiểu là sự bảo đảm thu nhập và một số điều kiện sinh sống thiết yếu khác cho người lao động và gia đình họ khi bị giảm hoặc mất thu nhập do bị giảm hoặc mất khả năng lao động hoặc mất việc làm; cho những người già cả, cô đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật, những người nghèo đói và những người bị thiên tai, dịch hoạ…
 
Với khái niệm này dù là theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp, đều cho thấy vai trò rất to lớn của ASXH đối với từng cá nhân, gia đình và toàn xã hội, trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi cả thế giới đang trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Chỉ riêng khía cạnh việc làm, theo báo cáo của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), chưa bao giờ tỷ lệ thất nghiệp của thế giới, nhất là ở khu vực đồng Eurozone, lại cao như hiện nay. Các nhà máy, xí nghiệp phá sản hoặc thu hẹp sản xuất, ngoài tác động suy giảm kinh tế chung, hệ lụy lớn nhất là người lao động bị giảm thu nhập và một bộ phận bị mất thu nhập (vì bị thất nghiệp). Báo cáo của ILO “Xu hướng việc làm của thanh niên trên thế giới năm 2010” cho thấy trong năm 2009, trong số 620 triệu thanh niên lao động, tuổi từ 15- 24, thì có tới 81 triệu đã rơi vào cảnh không có việc làm. Đây là mức cao nhất chưa từng có từ trước tới nay trong khi con số này chỉ mới ở mức 78 triệu trong năm 2007. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đã tăng từ mức 11,9% trong năm 2007 lên 13% trong năm 2009. Xét dưới góc độ tiểu vùng, cuối năm 2009 đã có 12,8 triệu thanh niên thất nghiệp ở Đông Á; 8,3 triệu ở Đông Nam Á & Thái Bình Dương và 15,3 triệu ở Nam Á. Rủi ro khủng khoảng kinh tế tạo nên "‘thế hệ bị đặt bên lề’, bao gồm những thanh niên nằm hoàn toàn ngoài thị trường lao động, không có hi vọng về khả năng làm việc để có một cuộc sống bền vững. “Thế hệ bị đặt bên lề” sẽ là những thanh niên nghèo ở các nước đang phát triển và theo ILO “Khi nhiều thanh niên vẫn tiếp tục trong (hoặc lâm vào) cảnh đói nghèo trong quá trình khủng hoảng thì hi vọng về một động lực thúc đẩy phát triển bởi nỗ lực của thanh niên ở các nước thu nhập thấp vẫn còn bế tắc”. Báo cáo cũng nhận thấy thanh niên thất nghiệp nhạy cảm đối với cuộc khủng hoảng hơn người trưởng thành thất nghiệp và sự phục hồi thị trường việc làm cho nam và nữ thanh niên có xu hướng chậm hơn so với thị trường việc làm dành cho người trưởng thành. Tỷ lệ thanh niên trên toàn thế giới có khả năng thất nghiệp cao gần gấp 3 lần so với người trưởng thành, nhưng trong năm 2009 tại Đông Nam Á & Thái Bình Dương mức chênh lệch này là 4,6 lần – mức tồi tệ nhất trên thế giới. Tại Nam Á, tỷ lệ thanh niên có khả năng thất nghiệp cao hơn gấp 3 lần và tại Đông Á là 2,6 lần.
 
Suy giảm kinh tế gây nhiều hệ quả nghiêm trọng đối với tầng lớp thanh niên, đặc biệt khi những người mới gia nhập vào thị trường lao động, càng làm gia tăng thêm nhóm những người thất nghiệp. Theo nghiên cứu của ILO, nguyên nhân dẫn tới tình trạng tỷ lệ thất nghiệp ở tầng lớp thanh niên tăng cao có bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Báo cáo chỉ rõ trong các quốc gia phát triển và các nền kinh tế mới nổi, hiệu ứng của cuộc khủng hoảng đối với thanh niên càng làm tăng thêm tỷ lệ thất nghiệp và các tệ nạn xã hội. Tại các nền kinh tế đang phát triển, nơi sinh sống của gần 90% các thanh niên, thanh niên lại chính là đối tượng dễ bị tác động nhất của tình trạng không có việc làm và nghèo đói. Trong các quốc gia thu nhập thấp, hiệu ứng của cuộc khủng hoảng gây ra còn trầm trọng hơn nữa. Cũng theo báo cáo của ILO, năm 2008 có khoảng 152 triệu người, chiếm khoảng 28% tất cả số thanh niên lao động trên thế giới, đều phải làm việc hay sống trong cảnh cực nghèo, trong các hộ gia đình sống với dưới 1,25 USD/ người/ngày. Đến nay, suy giảm kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu chững lại, vì vậy, thất nghiệp, nhất là thất nghiệp trong lực lượng lao động trẻ vẫn chưa thể cải thiện được. Cũng theo báo cáo của ILO về “Việc làm thế giới năm 2012”, đến hết năm 2012, tỷ lệ thất nghiệp trên toàn thế giới dự kiến sẽ tăng 3%, chiếm 6,1% trong số lực lượng lao động, tương đương 202 triệu người. ILO cũng dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 6,2% vào năm 2013, tương đương với 5 triệu người nữa phải từ bỏ công việc của mình. Tỷ lệ thất nghiệp đặc biệt cao ở nhóm người trẻ. Theo thống kê, tại châu Âu, gần 2/3 quốc gia đã chịu tình trạng tỷ lệ thất nghiệp tăng dần mỗi năm. Số liệu từ Viện Thống kê quốc gia Tây Ban Nha cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp Tây Ban Nha trong quý 1-2012 tăng lên 24,4%, cao nhất 18 năm qua và cao hơn mức dự báo 23,8%. Một báo cáo khác cũng cho biết, tỷ lệ lạm phát của Tây Ban Nha cũng tăng từ 1,8% lên 2%. Các số liệu của Liên minh châu Âu (EU) công bố vào đầu năm 2011 cho thấy, tỉ lệ thất nghiệp tại 16 quốc gia thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên mức cao lịch sử: 10,1% trong tháng 11-2010. Theo các số liệu của cơ quan thống kê EU (Eurostat), hơn 15,9 triệu người tại khu vực đồng ơ-rô đã bị mất việc làm. Thất nghiệp, theo các chuyên gia kinh tế, cùng với nghèo đói là hai nguyên nhân cơ bản dễ dẫn đến khủng hoảng chính trị và xã hội. Và thực tế, trong các năm 2011 và 2012 thế giới đã chứng kiến làn sóng biểu tình rộng khắp trên toàn thế giới, cả ở những nơi tưởng như có hệ thống ASXH bền vững nhất là châu Âu. Thế giới cũng đã chứng kiến sự sụp đổ, sự ra đi của không ít Chính phủ cũng chỉ vì liên quan đến ASXH cho người dân ( không tính đến sự sụp đổ mang tính chính trị nhiều hơn ở các nước Trung đông).
 
Chính phủ các nước đang phải có những “gói cứu trợ” khẩn cấp để giải cứu nền kinh tế và phải chi một khoản tiền khổng lồ để trợ cấp thất nghiệp, giúp cho người lao động qua cơn nguy khốn về kinh tế. Chỉ riêng Hy lạp đầu năm 2012 EU đã phải đưa ra gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ Euro để cứu nền kinh tế nước này khỏi bị sụp đổ (theo BBC-TG.). Trước đó năm 2011 EU đã đưa ra gói cứu trợ khẩn cấp  thứ nhất cho Hy lạp trị giá 110 tỷ Euro.
 
Trong bối cảnh Hội nhập kinh tế thế giới, khi kinh tế thế giới bị khủng hoảng thì Việt nam cũng bị ảnh hưởng. Theo thống kê mới nhất, gần 100 ngàn doanh nghiệp bị phá sản, đóng cửa, kéo theo là gần 1 triệu người lao động bị thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp chung của lực lượng lao động Việt nam là 2,17% (tương đương 984000 người) và tỷ lệ thiếu việc làm là 2,98% ( tương đương 1,36 triệu người). Riêng đối với Việt nam, ngoài thất nghiệp chính thức (gần 1 triệu, như đã nêu), còn rất nhiều người bị thất nghiệp trá hình do không làm hết thời gian làm việc hoặc làm việc cầm chừng cho hết ngày, nhất là ở khu vực nông thôn  (không sử dụng hết thời gian lao động). Cũng theo số liệu thống kê nêu trên, trong số những người thất nghiệp, số người từ 15-24 tuổi chiếm tới 46,8%. Điều này lại cho thấy những quy luật kinh tế (tăng trưởng kinh tế- thất nghiệp) của thế giới và Việt nam đều có những nét tương đồng và càng khẳng định Việt Nam không thể đứng ngoài ảnh hưởng của khủng hoảng chung của kinh tế thế giới.
 
Khi người lao động bị thất nghiệp, bị mất việc làm, Chính phủ các nước phải có những giải pháp khác nhau để hỗ trợ, từ các quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và từ các quỹ xã hội khác trong hệ thống ASXH quốc gia.
 
Nhận thức được vai trò của ASXH trong kinh tế thị trường, đặc biệt là vào những thời kỳ khủng hoảng kinh tế, Đảng và Nhà nước ta chú trọng phát triển hệ thống ASXH. Trong Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011-2020, các nội dung ASXH đã được thể hiện khá rõ (theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp của khái niệm Social Security đã nêu trên).
 
Trong Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội Việt Nam 2011-2020, ASXH, được đề cập trước hết trong mục tiêu tổng quát “ …đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt”  và mục tiêu cụ thể, được diễn giải với nội dung: “Đến năm 2020, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt nhóm trung bình cao của thể giới; tốc độ tăng dân số ổn định ở mức khoảng 1%; tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi; đạt 9 bác sĩ và 26 giường bệnh trên một vạn dân; lao động qua đào tạo  đạt trên 70%, đào tạo nghề chiếm 55% tổng lao động xã hội; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5-2%/năm; phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cộng đồng được đảm bảo…thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các vùng và các nhóm dân cư…” .
 
Trong Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội cũng đã nêu rõ: “ tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận và tham gia các loại hình bảo hiểm”, theo chúng tôi, không chỉ  là đảm bảo quyền của người lao động mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ của người sử dụng lao động. Điều này, ở mức độ nhất định, đã được thể hiện trong các văn bản Luật của Việt nam, như Bộ Luật lao động (sửa đổi), Luật BHXH và Luật dạy nghề. Riêng đối với vấn đề thất nghiệp, Bộ Luật lao động, Luật BHXH và Luật dạy nghề đều có quy định khá rõ về trách nhiệm của nhà nước, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ việc làm, tái hòa nhập thị trường lao động cho người thất nghiệp. Tuy nhiên, từ văn bản luật đến thực hiện thực tế còn có khoảng cách và khoảng cách này phụ thuộc rất nhiều vào ý thức thực thi pháp luật của các bên có liên quan ( xin được trình bày trong bài viết khác-TG).
 
Có thể nói, ASXH có vai trò rất lớn trong kinh tế thị trưởng nói chung và trong những giai đoạn khủng hoảng nói riêng. ASXH vừa là mục tiêu hướng tới của các chính sách phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, vừa là những nội dung, những định hướng, những hoạt động cụ thể của các chính sách này.
 
Tài liệu tham khảo:
 
1.Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, 2011;

2.Mạc Văn Tiến “An sinh xã hội và phát triển nguồn nhân lực”, Nhà xuất bản lao động- xã hội, 2005.

3.  PGS.TS. Mạc Văn Tiến “ An sinh xã hội và Phúc lợi xã hội- các cách tiếp cận lý thuyết và thực tiễn”, Tạp chí BHXH, 2010.

4. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Dự thảo Chiến lược An sinh xã hội giai đoạn 2011-2020, năm 2010.

5. Diễn đàn ASEM về lưới an toàn xã hội, 2011.

6- Báo cáo của ILO về “Việc làm thế giới, 2011, 2012”.
 PGS.TS. Mạc Văn Tiến