Cập nhật ngày: 17/01/2013

 1. Nhu cầu đào tạo

Trong giai đoạn 2001-2010 kinh tế nước ta tăng trưởng nhanh, ổn định, đạt tốc độ bình quân 7,2%/năm, GDP bình quân đầu người đạt 1220 USD. Như vậy, theo tiêu chí của Liên hợp quốc, Việt Nam đã ra khỏi nhóm nước đang phát triển có thu nhập thấp. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực; tỷ trọng công nghiệp trong GDP tăng từ 36,7% năm 2000 lên 40% vào năm 2010. Tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm từ trên 63% xuống còn khoảng 50%. Mỗi năm tạo được khoảng 1,57 triệu chỗ làm việc mới[1].

Theo Mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp có trình độ phát triển trung bình( tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 85% trong GDP; tỷ lệ lao động nông nghiệp còn khoảng 30% trong lao động xã hội)[2]. Cùng với quá trình công nghiệp hoá (CNH)- hiện đại hoá (HĐH) nền kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn nước ta đã có sự dịch chuyển theo hướng tích cực. Hiện nay, trong số lực lượng lao động nông thôn (34,8 triệu người), lao động làm việc trong nhóm ngành nông - lâm - ngư nghiệplà 21,7 triệu người, chiếm trên 62%, còn lại  là lao động phi nông nghiệp.

Quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá đòi hỏi phải sử dụng nhiều diện tích đất nông nghiệp để xây dưng các hạ tầng công nghiệp và đô thị, làm cho diện tích đất canh tác bị thu hẹp đáng kể. Điều này dẫn đến số lượng lao động bình quân trên một diện tích canh tác tăng lên. Hiện tượng đất chật, người đông đang là xu hướng chung của các vùng nông thôn nước ta, đặc biệt là ở Vùng đồng bằng sông Hồng và các địa phương có tốc độ đô thị hoá cao. Như vậy, quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá đã làm “dư thừa” một lượng lao động nông nghiệp và đã tạo ra cầu về lao động phi nông nghiệp. Một lượng lao động nông nghiệp buộc phải chuyển sang các nghề khác tại nông thôn hoặc trở thành lao động công nghiệp.

Mặt khác, để đảm bảo an ninh lương thực, nuôi sống 99 triệu dân vào năm 2020 và giữ vững vị trí “cường quốc” về xuất khẩu lương thực và hàng nông sản, Việt nam phải áp dụng mạnh mẽ tiến bộ của khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá. Điều này đòi hỏi người nông dân phải trở thành những “chuyên gia” trong lĩnh vực nông nghiệp, phải trở thành những nông dân hiện đại. Trong khi đó hiện tại, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề còn rất thấp, là trở ngại cho quá trình hiện đại hoá này.

 Những yếu tố và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nêu trên tạo ra sự chuyển dịch rất lớn đối với lao động nông thôn, từ dịch chuyển kỹ năng đến dịch chuyển nghề nghiệp, dịch chuyển nơi sinh sống. Có một số xu hướng chuyển dịch sau:

- Chuyển dịch kỹ năng: từ nông dân sản xuất truyền thống sang nông dân sản xuất hiện đại.
- Chuyển dịch nghề nghiệp: từ lao động nông nghiệp ( nông dân) sang lao động phi nông nghiệp ở nông thôn.
- Chuyển dịch nghề nghiệp và nơi làm việc: từ lao động nông nghiệp hoặc lao động phi nông nghiệp ở nông thôn trở thành lao động công nghiệp tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp SNKD, dịch vụ ở nông thôn.
- Chuyển dich nghề nghiệp và nơi sinh sống: từ lao động nông thôn chuyển thành lao động công nghiệp, dịch vụ ở các đô thị mới và cũ)
- Tạo ra một dòng di dân quôc tế mới, thông qua xuất khẩu lao động hoặc ra định cư ở nước ngoài với người thân.
Từ các xu hướng này cho thấy, để đạt được mục tiêu đề ra, nhu cầu về đào tạo nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn là rất lớn.
Ngày 27 tháng 11 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ”Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, theo đó, bình quân mỗi năm sẽ đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn và cần phải tập trung đào tạo nghề cho các nhóm đối tượng sau:
(i) Nhóm lao động là nông dân được đào tạo để trở thành những nông dân làm nông nghiệp hiện đại;
(ii) Nhóm lao động là nông dân được đào tạo để chuyển nghề thành lao động phi nông nghiệp tại nông thôn hoặc trở thành công nhân công nghiệp;
(iii) Nhóm lao động là nông dân được đào tạo để phục vụ xuất khẩu lao động.
(iv) Nhóm lao động là nông dân được đào tạo để trở thành các nhà quản lý sản xuất ở nông thôn hoặc trở thành các cán bộ thôn, xã.

2.Nghiên cứu mô hình đào tạo phù hợp

Dạy nghề cho lao động nông thôn vừa có ý nghĩa kinh tế, vừa có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Chính vì vậy, phải tổ chức dạy nghề thiết thực với bà con nông dân, vừa đạt được hiệu quả kinh tế-xã hội. Do tính đặc thù của lao động nông thôn, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần phải có những cách thức tổ chức phù hợp với từng nhóm đối tượng. Để xây dựng được các mô hình dạy nghề phù hợp, theo chúng tôi phải triển khai những hoạt động như:

- Trước hết, cần phải triển khai các hoạt động điều tra, khảo sát nhu cầu sử dụng nhân lực qua lao động qua đào tạo nghề trong các ngành kinh tế, vùng kinh tế và từng địa phương. Việc “nắm” nhu cầu phải đi trước một bước và phải triển khai thường xuyên với quy mô và mức độ khác nhau, để kịp thời bổ sung những thông tin nhu cầu về những nghề mới với quy mô và trình độ phù hợp. Nhu cầu sử dụng lao động chính là ”đầu ra ” của đào tạo, qua đó có thể biết được cần đào tạo những nghề gì với trình độ nào.

- Thứ hai, đồng thời với việc nắm thông tin về nhu cầu sử dụng lao động, cần thiết phải khảo sát nhu cầu học nghề của đối tượng, nghĩa là cần có sự phân nhóm đối tượng để tổ chức các khoá đào tạo phù hợp. Do đặc thù của sản xuất ở nông thôn là có thể sử dụng lao động từ rất trẻ cho đến sau độ tuổi lao động ( theo quy định của pháp luật lao động). Vì vậy, có thể có những đối tượng chỉ có thể tham gia được các khoá đào tạo ngắn hạn, nhưng cũng có nhóm đối tượng ( ví dụ từ 16- 24 tuổi) có thể và có điều kiện tham gia các khoá đào tạo dài hạn. Mặt khác, cần thiết phải phân các nhóm đối tượng trên trình độ học vấn. Đối với những người có trình độ học vấn thấp, họ có thể theo học các khoá dạy nghề ngắn hạn. Ngược lại, đối với những người có học vấn cao hơn (THCS, PHPT..) có đủ điều kiện có thể theo các khoá học nghề ở trình độ trung cấp hoặc cao đẳng nghề. Hơn nữa, cũng phải khảo sát đặc điểm và thói quen canh tác của người nông dân ở các vùng miền khác nhau để có thể có các hình thức đào tạo phù hợp.

- Thứ ba, đối với nhóm đối tượng nông dân đào tạo để có thể làm nông nghiệp hiện đại, do đặc thù của sản xuất nông nghiệp, người nông dân làm việc theo mùa vụ, nên các khoá đào tạo cần gắn với việc vừa học, vừa làm việc của người nông dân, hoặc phải lựa chọn thời gian nông nhàn của người dân để tổ chức khoá học cho phù hợp. Mặt khác, do tính đa dạng của vật nuôi, cây trồng nông nghiệp, các khoá học nên được tổ chức gắn với thời kỳ sinh trưởng của vật nuôi, cây trồng. Điều này đòi hỏi việc xây dựng chương trình đào tạo phải rất linh hoạt và khoa học. Vừa qua Tổng cục dạy nghề đã triển khai thí điểm dạy nghề cho lao động vùng chuyên canh thuốc lá, chương trình được thiết kế theo chu kỳ sinh trưởng của cây. Khoá học đã đạt được kết quả rất khả quan, năng suất lao động và hiệu quả lao động của người nông dân được tăng lên rõ rệt.
 
- Thứ tư, mục tiêu của dạy nghề cho lao động nông thôn là tạo cho họ có một nghề để có thể tự tạo việc làm trong nông nghiệp ( tăng năng suất lao động) hoặc tìm được việc làm phi nông nghiệp ( ở nông thôn hoặc ngoài nông thôn). Nói cách khác, dạy nghề cho lao động nông thôn phải gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Theo chúng tôi, đây là vấn đề cốt lõi đối với dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là đối với nhóm lao động cần phải chuyển sang làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp, công nghiệp. Nếu không gắn được với việc làm thì người nông dân sẽ không tham gia học nghề nữa và nguồn lực xã hội sẽ bị lãng phí.  Do đó, trong quá trình đào tạo nghề rất cần thiết có sự kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất để họ một mặt tham gia vào quá trình đào tạo; mặt khác có thể tạo cơ hội cho người học được tham gia vào quá trình sản xuất của doanh nghiệp từ khi còn học và sau khi học nghề xong là có thể làm việc được ngay với nghề nghiệp của mình.

Qua những phân tích nêu trên, để nâng cao hiệu quả đào tạo, việc tổ chức các khoá học với các hình thức  và phương thức khác nhau đối với lao động nông thôn rất quan trọng ( khái quát lại là các mô hình dạy nghề). Dạy nghềcho lao động nông thôn có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như dạy tại các cơ sở dạy nghề; dạy nghề theo đơn đặt hàng của các tập đoàn, Tổng công ty; dạy nghề lưu động (tại xã, thôn, bản); dạy nghề tại doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ; dạy nghề gắn với các vùng chuyên canh, làng nghề;...Phương thức đào tạo cũng cần phải đa dạng hoá,  phù hợp với từng nhóm đối tượng và điều kiện của từng vùng, miền..., như đào tạo tập trung tại cơ sở dạy nghề  đối với những nông dân chuyển đổi nghể nghiệp ( trung tâm dạy nghề, trường trung cấp, cao đẳng nghề, các trường khác có tham gia dạy nghề...); đào tạo nghềlưu động cho nông dân làm nông dân hiện đại tại các làng, xã, thôn, bản; dạy nghề tại nơi sản xuất, tại hiện trường theo kiểu FFS ( Farmer Fiel Schools)...

Theo chúng tôi, trước mắt cần phải tổ chức đào tạo thí điểm cho các nhóm đối tượng, với hình thức và phương thức đào tạo khác nhau để tìm ra được những mô hình đào tạo phù hợp nhất đối với các nhóm đối tượng lao động nông thôn khác nhau để từ đó nhân rộng ra tất cả các vùng, miền trong cả nước. Có thể có một số mô hình sau:

Đối với lao động trong các Vùng chuyên canh:

- Mô hình1:  sẽ là mô hình Cơ quan Nhà nước (Tổng cục dạy nghề, sở lao động các tỉnh...) phối hợp với các tổng công ty  có các vùng chuyên canh( như thuốc lá, chè, cao su, cà phê...), thông qua các trung tâm kỹ thuật của các tổng công ty, trực tiếp tổ chức đào tạo các khoá đào tạo cho nông dân các vùng chuyên canh.

- Mô hình 2: Cơ quan Nhà nước (Tổng cục dạy nghề, sở lao động các tỉnh...) phối hợp với các CSDN ( trường/trung tâm dạy nghề/ trung tâm GDTX) trên địa bàn tổ chức dạy nghề cho các nghề chuyên canh. Trong quá trình thực hiện có sự tham gia của các doanh nghiệp chuyên ngành.

 Đối với lao động thuần nông:
- Mô hình 1: Cơ quan Nhà nước (Sở lao động các tỉnh...) phối hợp với các CSDN ( trường/trung tâm dạy nghề/ trung tâm GDTX) trên địa bàn tổ chức dạy nghề cho các nghề cho lao động nông nghiệp. Trong quá trình thực hiện có sự tham gia của các hội đoàn thể ở địa phương.

-Mô hình 2: Cơ quan Nhà nước (Sở lao động các tỉnh...) phối hợp với hội đoàn thể , hội nghề nghiệp ở địa phương ( VACVN, Hội nông dân, Hội phụ nữ…) tổ chức dạy nghề cho các hội viên.

-Mô hình 3: Cơ quan Nhà nước (Tổng cục dạy nghề, sở lao động các tỉnh...) phối hợp với UBND Huyện tổ chức dạy nghề cho bà con nông dân. Trong mô hình này, UBDN Huyện có vai trò như ” chủ thầu”, chịu trách nhiệm trước Tổng cục dạy nghề hoặc Sở lao động để tổ chức dạy nghề. Trong quá trình thực hiện có sự tham gia của các CSDN, các đoàn thể , hội nghề nghiệp ở địa phương.

Đối với lao động trong các làng nghề:

-Mô hình 1: Cơ quan Nhà nước (Tổng cục dạy nghề, sở lao động các tỉnh...) phối hợp với các CSDN chuyên ngành ( của Liên minh HTXVN) trực tiếp dạy nghề cho các lao động trong làng nghề. Trong quá trình thực hiện có sự tham gia của các nghề nhân của làng nghề.

-Mô hình 2: Cơ quan Nhà nước (Tổng cục dạy nghề, sở lao động các tỉnh/phòng lao động huyện...) phối hợp với từng làng nghề để dạy nghề cho bà con. Người dạy là nghệ nhân, người có kỹ năng nghề cao trực tiếp truyền nghề. Trong quá trình thực hiện có sự tham gia của các giáo viên của các CSDN chuyên ngành.
-Mô hình 3: Cơ quan Nhà nước (Tổng cục dạy nghề, sở lao động các tỉnh...) phối hợp với các CSDN ( trường/trung tâm dạy nghề/ trung tâm GDTX) trên địa bàn tổ chức dạy nghề cho lao động trong các làng nghề . Trong quá trình thực hiện có sự tham gia của các nghệ nhân làng nghề.

Đối với lao động chuyển đổi nghề:

 - Mô hình dạy nghề ngắn hạn: Cơ quan Nhà nước (Tổng cục dạy nghề, sở lao động các tỉnh...) phối hợp với các CSDN ở địa phương để dạy nghề phù hợp với nhu cầu của người lao động. Trong quá trình thực hiện có sự tham gia của UBND Huyện, Trung tâm giới thiệu việc làm.

- Đối với dạy nghề dài hạn:
-Mô hình1:Cơ quan Nhà nước (Tổng cục dạy nghề, sở lao động các tỉnh...) phối hợp với các trường Trung cấp nghề, cao đẳng nghề phù hợp trên địa bàn ( hoặc lân cận) tổ chức dạy nghề với những nghề các doanh nghiệp đăng ký nhu cầu. Trong quá trình thực hiện có sự phối hợp của các doanh nghiệp và giám sát của địa phương.
 -Mô hình 2: Cơ quan Nhà nước (Tổng cục dạy nghề, sở lao động các tỉnh...) phối hợp hoặc đặt hàng với các doanh nghiệp (hoặc trường trong doanh nghiệp) để dạy nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Có thể có nhiều mô hình tổ chức dạy nghề khác, trong quá trình thực hiện cần có sự đánh giá kết quả để điều chỉnh mô hình và nhân rộng những mô hình có hiệu quả. Trước mắt, theo chúng tôi, cần triển khai một số mô hình với một số nhóm đối tượng ở những địa bàn điển hình để rút kinh nghiệm trước khi triển khai rộng.