Cập nhật ngày: 15/01/2013


 Phần 1
 

Theo quan niệm của Liên hiệp  quốc, phát triển nguồn nhân lực bao gồm giáo dục, đào tạo và sử dụng tiềm năng con người nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống. Yếu tố con người, vốn con người đã trở thảnh một yếu tố quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Nhờ có nền tảng đào tạo nghê, người lao động nâng cao được kiến thức và kỹ năng nghề của mình, qua đó nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập; góp phần đảm bảo an sinh xã hội quốc gia.
 
Giáo dục đào tạo nghề là một thành tố và là thành tố quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định phát triển nguồn nhân lực. Muốn có nguồn nhân lực  chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường lao động, song song với các cơ chế chính sách sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, cần phải tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo nghề .
 
 Để hiểu rõ vai trò của  đào tạo nghề với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội, có thể thông qua vấn đề sau:
 
- Thứ nhất, về mặt lý thuyết, các lý thuyết tăng trưởng gần đây chỉ ra rằng, một nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh và  bền vững phải dựa trên ít nhất ba trụ cột cơ bản: (i) áp dụng công nghệ mới, (ii) phát triển hạ tầng cơ sở hiện đại và (iii) nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, động lực quan trọng nhất của sự tăng trưởng kinh tế bền vững chính là những con người được đào tạo, đặc biệt là  nhân lực có kỹ năng nghề cao. Trong bối cảnh các nguồn lực tự nhiên và nguồn lực khác là hữu hạn và ngày càng có nguy cơ cạn kiệt, thì nguồn nhân lực có chất lượng chính là vũ khí mạnh mẽ nhất để giành thắng lợi trong cạnh tranh giữa các nền kinh tế. Nguồn nhân lực chất lượng cao, là những con người được đầu tư phát triển, có kỹ năng, kiến thức, tay nghề, kinh nghiệm, năng lực sáng tạo ( nói cách khác, đó chính là năng lực thực hiện của nguồn nhân lực). Năng lực thực hiện này chỉ  có thể có được thông qua  đào tạo nghề và tích lũy kinh nghiệm trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, ngay cả việc tích lũy kinh nghiệm này cũng dựa trên nền tảng là đào tạo nghề nghiệp cơ bản. Như vậy, có thể thấy, vai trò quyết định của đào tạo nghề nghiệp đối với việc hình thành và phát triển năng lực thực hiện của con người. Trên cơ sở  năng lực này, người lao động có khả năng thích ứng được với những thay đổi của công nghệ và nền kinh tế ( cả tích cực và tiêu cực), điều này góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế bền vững, từ đó tạo ra nền tảng vật chất cơ bản để thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
 
- Thứ hai,  vai trò của  đào tạo nghề nghiệp đối với  đảm bảo an sinh xã hội phát từ khía cạnh lợi ích cá nhân của con người ( con người lao động). Lý thuyết về vốn nhân lực hiện đại cho rằng “tất cả các hành vi của con người đều xuất phát từ những nhu cầu lợi ích kinh tế cho chính các cá nhân hoạt động tự do trong thị trường mang tính cạnh tranh” (Fitzimons, 1999). Nội dung chính của lý thuyết này cho rằng, các cá nhân đầu tư vào  đào tạo nghề  nhằm tích luỹ những  kiến thức và kỹ năng nghề  nghiệp, những cái có thể mang lại lợi ích lâu dài sau đó và đó là nhân tố cơ bản cho sự phát triển bền vững.  Như vậy đầu tư cho đào tạo nghề chính là sự đầu tư cho từng cá nhân và, dưới giác độ xã hội,  tạo ra chất lượng nguồn nhân lực với các “tầng” khác nhau (trình độ cao, trình độ phổ quát, đại trà) và do đó, mang lại không chỉ lợi ích kinh tế quốc dân mà còn thực hiện đảm bảo an sinh xã hội quốc gia . Nhà kinh tế học Becker  đã đưa ra bằng chứng về mối tương quan giữa trình độ nghề nghiệp và thu nhập: học vấn và kỹ năng nghề càng cao, thu nhập càng tăng và ngược lại.  Thực ra, vấn đề này đã được Lê nin từng đề cập. Ông đã chứng minh rằng, có mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa trình độ chuyên môn kỹ thuật và năng suất lao động của người lao động. Những người có chuyên môn kỹ thuật càng cao ( trình độ đào tạo nghề nghiệp), có kỹ năng nghề cao, thì năng suất lao động càng cao và do đó thu nhập càng cao; những lao động không qua đào tạo ( còn gọi là lao động phổ thông) thì năng suất lao động thấp và do đó thu nhập không cao. Ở đây có thể thấy,  đào tạo nghề nghiệp trang bị  cho mỗi cá nhân ở một trình độ và kỹ năng nhất định, qua đó mang lại cho họ việc làm và thu nhập. Người  có chuyên môn kỹ thuật cao, có kỹ năng nghề tốt cơ hội tìm được việc làm tốt hơn và ít có nguy cơ thất nghiệp.  Khảo sát của Viện nghiên cứu khoa học dạy nghề cũng cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của những người qua đào tạo nghề thấp hơn nhiều so với lao động phổ thông, thậm chí còn thấp hơn cả tỷ lệ thất nghiệp của những người tốt nghiệp đại học (Mạc Văn Tiến và cộng sự, 2006). Đây chính là động lực để người lao động đầu tư vào đào tạo nghề.
 
- Thứ ba, giáo dục- đào tạo nghề  tạo ra sự “tranh đua” xã hội ( theo nghĩa tích cực của từ này- MVT). Như đã biết, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường lao động, những người học vấn thấp, những người kỹ năng, tay nghề thấp hoặc không có nghề khó có thể cạnh tranh được so với những người có trình độ, có kỹ năng nghề cao. Khi đó, họ sẽ trở thành nhóm người “yếu thế” trong thị trường lao động. Họ phải làm những việc thu nhập thấp, thậm chí không kiếm được việc làm, trở thành người thất nghiệp dài hạn. Mặc dù ở nhiều nước, nhất là những nước phát triển, có hệ thống bảo hiểm thất nghiệp hoặc các loại trợ cấp xã hội để hỗ trợ cho nhóm người này. Nhưng dù sao, những trợ cấp đó chỉ mang tính tức thời, giúp họ “cầm cự” được trong cuộc sống thường nhật, tạo cơ hội cho họ quay trở lại thị trường lao động. Nhưng nếu những người này không tự tạo cho họ năng lực, nâng cao “vốn nhân lực” của mình thì sớm hay muộn, họ cũng lại bị “bật” ra khỏi thị trường lao động. Muốn thoát khỏi vòng luẩn quẩn này, buộc những người này, bằng cách này hay cách khác phải nâng cao “vốn nhân lực” của mình và cách hiệu quả nhất là đầu tư vào  đào tạo nghề. Như vậy,  đào tạo nghề vô hình trung,  trở thành một nhân tố  làm giảm số lượng những người “yếu thế” trên thị trường lao động và như vậy, xét ở khía cạnh quốc gia, an sinh xã hội được đảm bảo hơn, nhà nước đỡ phải chi phí nhiều hơn cho các loại trợ cấp xã hội, do nghèo đói, do không có việc làm...
 
 - Thứ tư, vai trò của  đào tạo nghề  tác động trực tiếp tới đảm bảo an sinh xã hội, nhất là đối với nhóm lao động nông thôn, lao động nghèo. Thông qua việc trang bị các kiến thức, kỹ năng tối thiểu về nghề nghiệp từ các khoá đào tạo ngắn hạn, người lao động nông thôn, nông dân đã có khả năng nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, thoát được nghèo một cách bền vững. Qua thực tiễn gần 2 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Chính phủ ( đề án 1956), ở nhiều địa phương, sau khi người nông dân được học nghề, năng suất vật nuôi, cây trồng được nâng lên từ 1,5- 2 lần; chất lượng và phẩm cấp sản phẩm hàng hoá cũng được nâng lên. Điều quan trọng nữa, thông qua các khoá đào tạo, người nông dân, nhất là những chủ trang trại, chủ hộ, được trang bị những kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, nên sau khi khoá học đã mạnh dạn tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá, thu hút thêm lao động tại địa phương vào làm việc. Đây chính là sự tác động rõ nhất, trực tiếp nhất của đào tạo nghề đối với an sinh xã hội ở nông thôn nước ta.
(Còn tiếp...)
 
PGS.TS. Mạc Văn Tiến