Cập nhật ngày: 21/08/2012

images.jpgNghị quyết lần thứ 7, khóa X của Đảng ta đã khẳng định phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân (tam nông) là cơ sở để ổn định chính trị đất nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết có tầm chiến lược rất quan trọng, đã đề cập toàn diện và đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân nước ta.
 Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình hành động cụ thể, được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là cư dân nông thôn đồng tình ủng hộ, tích cực đón nhận. Sau một số năm thực hiện, bằng nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên cả 8 nhóm giải pháp và các nhiệm vụ cấp bách: Đáng kể là Chính phủ đã ban hành được 31 chương trình, đề án trên 45 chương trình, đề án; các Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện; các địa phương đã quán triệt nghiêm túc Nghị quyết, đề ra nhiệm vụ trong nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và có chương trình hành động cụ thể để thực hiện. Nhiều chương trình, đề án, chính sách, nhất là các chương trình, đề án, chính sách liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, trong đó có dạy nghề cho nông dân sau khi ban hành đã được triển khai và đi vào cuộc sống. Có thể nói, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thu nhập của người dân tiếp tục được tăng lên khoảng 8%/năm (đã loại trừ yếu tố giá). Tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm từ 13,1% (năm 2008) xuống còn 9,45% (năm 2010), hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm từ 16,2% xuống 11,3%. Riêng ở 62 huyện nghèo nhất cả nước, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 47% (năm 2008) xuống còn khoảng 37% (năm 2010). Chất lượng nguồn nhân lực nông thôn ngày càng được nâng cao thông qua việc triển khai các chương trình đào tạo nghề, nhất là Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tăng năng suất lao động, chất lượng một số sản phẩm còn thấp, sức cạnh tranh chưa cao… Để giải quyết thành công chiến lược phát triển tam nông của Đảng trong những năm tới, nhất là giai đoạn 2011 - 2015, chúng ta phải tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ 8 nhóm giải pháp của Nghị quyết Trung ương; 11 nội dung, 19 tiêu chí của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được Chính phủ ban hành, trong đó theo chúng tôi, tiếp tục dạy nghề cho nông dân là giải pháp quan trọng phát triển tam nông bền vững bởi vì lao động nông thôn qua đào tạo nghề đã và sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp nên khi làm việc, năng suất lao động cao hơn, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, tăng năng lực cạnh tranh và thu nhập,… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở các cấp. Dạy nghề cho lao động nông thôn thời gian qua đã được triển khai quyết liệt, giai đoạn 2009 - 2011 các chỉ tiêu, nội dung, giải pháp của Đề án 1956 trong quá trình thực hiện đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nếu tính trong 6 tháng đầu năm 2012, ngoài sự chỉ đạo tập trung của các Bộ, ngành theo chức năng được phân công, nhiều địa phương đã nỗ lực tổ chức triển khai các hoạt động của Đề án (lồng ghép các chương trình, dự án, huy động các nguồn lực,…) để dạy nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả. Tuy nhiên, theo Báo cáo của 51 tỉnh, thành phố thì 6 tháng đầu năm 2012 mới tổ chức dạy nghề cho 132.148 lao động nông thôn, đạt 27,1 % kế hoạch năm; trong đó, có 92.322 người đã học xong, 67.052 người có việc làm (đạt 72,6%) chủ yếu là tự tạo việc làm. Các chỉ tiêu đạt được về số lượng, chất lượng còn thấp so với kế hoạch, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ở nông thôn tuy đạt khá cao nhưng chất lượng còn hạn chế.
Chất lượng lao động nông thôn thấp đã làm cho thu nhập của người lao động không thể tăng nhanh; gây ra chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng xa thêm, làm giảm tiến trình xây dựng nông thôn mới. Chính sách xóa đói giảm nghèo tuy đã đạt được một số kết quả, nhưng rõ ràng vẫn chưa bảo đảm sự phát triển bền vững bằng việc nâng cao chất lượng lao động cho lao động nông thôn; nói cách khác, bằng việc đào tạo nghề cho họ, để họ làm việc với năng suất và chất lượng cao hơn, để có thể thoát nghèo và giàu lên ngay trên chính mảnh đất quê hương của mình. Vì vậy, có thể nói, lao động có nghề giữ vai trò trọng tâm trong việc phát triển tam nông.
Chúng ta cũng biết rằng, để xây dựng thành công phát triển tam nông không thể dựa vào nguồn nhân lực chất lượng thấp, không có nghề. Sự thành bại của chương trình Quốc gia này chính là nguồn lao động đã qua đào tạo, lao động có nghề. Xây dựng nông thôn mới cũng là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn là hết sức cần thiết, cấp bách. Lao động nông thôn trở thành công nhân trên chính quê hương mình thì việc li nông mà không li hương mới hiệu quả.
 Đề án Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, một trong những đề án quan trọng về phát triển tam nông đã xác định: “Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao đông nông thôn, thúc đẩy đưa công nghiệp hóa vào nông thôn, giải quyết việc làm và dịch chuyển nhanh cơ cấu lao động nông thôn” (Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020).
 Đây là chủ trương đúng, đáp ứng nguyện vọng của nông dân nhưng vấn đề là đào tạo nghề phải có hiệu quả. Qua học nghề người lao động phải có kiến thức, kỹ năng nghề, biết vận dụng vào công việc một cách có kỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu của công việc, góp phần tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất.
 Tuy nhiên, thực tiễn quá trình triển khai thực hiện đã cho thấy việc dạy nghề cho lao động nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập:
 - Dạy nghề cho lao động nông thôn ở một số địa phương, trong chỉ đạo chưa thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách về phát triển tam nông. Chưa xây dựng được quy hoạch vùng sản xuất theo quy mô cấp xã như mục tiêu đề ra.
 - Sự phối hợp giữa các Sở, ngành (Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Nội vụ…) chưa sâu sát, thiếu cụ thể. Ở nhiều địa phương, một số ngành chưa thực sự vào cuộc, trong khi năng lực một số cơ sở dạy nghề còn hạn chế.
 - Dạy nghề phi nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào khả năng sản xuất của làng nghề truyền thống và khả năng tiêu thụ hàng thiểu thủ công nghiệp của doanh nghiệp; số lao động sau học nghề có việc làm ổn định không cao do thiếu quy hoạch cả về quy mô sản xuất và quy mô tổ chức vùng nguyên liệu (như nghề đan mây, tre, cói…), do thiếu vốn. Việc tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn gắn kết với doanh nghiệp theo nguyên tắc dạy nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp, cầu thị trường lao động; dạy nghề theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của người sử dụng lao động vẫn còn bất cập.
 Với mục tiêu dạy nghề cho lao động nông thôn đảm bảo nâng cao kỹ năng nghề để người nông dân sản xuất có hiệu quả, tăng thu nhập, có cơ hội tìm được việc làm ổn định từ 70% - 80%; từng bước tổ chức lại sản xuất tiến tới sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn nhằm phát triển tam nông phải xác định quyết tâm cao cùng với thái độ trách nhiệm của cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Thực tế thời gian qua cho thấy, ở nơi nào có sự phối hợp tốt giữa các đối tác có liên quan thì đào tạo nghề đạt kết quả tích cực, người dân có việc làm, năng suất lao động và thu nhập của người dân được nâng lên, giảm nghèo bền vững.
Trước mắt, chúng ta cần tập trung đẩy mạnh sản xuất, thực hiện có hiệu quả kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ còn lại về dạy nghề cho lao động nông thôn trong năm 2012, để dạy nghề cho lao động nông thôn hoàn thành sứ mệnh là giải pháp quan trọng trong phát triển tam nông bền vững ở nước ta./.
 PGS.TS. Cao Văn Sâm
                                                              Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề