Cập nhật ngày: 04/06/2023

Gần 60 tuổi, ông Bùi Văn Quyết ở Bắc Ninh quyết tâm trở lại trường nghề dù có 33 năm kinh nghiệm làm trong ngành xây dựng.

Học để các con noi theo

Lớp đào tạo nghề Kỹ thuật xây dựng khóa 51, Trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh có 8 học sinh. Các em đều ở tuổi 2000 trở xuống, duy chỉ có học sinh Bùi Văn Quyết (sinh năm 1967) là ở độ tuổi U60.

Học sinh đặc biệt này có 33 năm làm trong ngành xây dựng. Ông Quyết kể, chưa học hết cấp 3 thì ông đi bộ đội. Ra quân, gia đình không có điều kiện nên ông đi làm phụ hồ, rồi lên làm thợ xây và đến nay thì làm chủ thầu xây dựng.

Chia sẻ về quyết định trở lại trường nghề ở tuổi 56 dù kinh nghiệm có thừa, ông Quyết cho biết, ở Bắc Ninh có rất nhiều doanh nghiệp, tuy nhiên lao động phổ thông không ổn định. Sau dịch COVID -19 đến nay, làn sóng cắt giảm nhân sự ở các nhà máy xí nghiệp phổ biến, lao động phổ thông không có kỹ năng tay nghề cao là những người bị đào thải đầu tiên. Vậy là ông bàn bạc với gia đình về chuyện đi học nghề.


Ông Bùi Văn Quyết đi học nghề ở tuổi U60

“Mấy bố con ngồi với nhau. Tôi bảo “thôi bố phải đi học”. Tôi đi đăng ký học, cầm giấy nhập học trên tay, tôi bảo các con cố gắng học lên vì giờ xã hội phát triển nhanh lắm, nghề nào cũng cần bằng cấp, kỹ năng nghề cao mà lao động phổ thông thì chỉ có một thời gian nhất định. Tuy bố làm xây dựng hơn 30 năm nhưng xưa thì chỉ gọi nhau đi làm thôi, nhưng giờ làm có bản thiết kế, có bản vẽ, phải biết đọc, biết xem, kết cấu xi móng gầm phải nắm chắc”.

Khi biết ông bố U60 quyết tâm trở lại trường nghề, các con của ông Quyết trêu “bố học xong thì về hưu chứ làm gì đâu”. Thế nhưng sau một thời gian thì chính các con ông Quyết lại đề nghị bố cho đi học cùng.

3 bố con học chung một mái trường nghề

Năm 2022, con trai và con rể của ông Quyết theo bố đăng ký học nghề tại Trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh. Cả 3 bố con đều là sinh viên năm thứ nhất. Ông Quyết và người con rể theo học nghề Kỹ thuật xây dựng, còn người con trai hiện đang học nghề Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí.

“Tôi động viên các con “có học có hơn”. Mặc dù có kinh nghiệm nhưng khi đi học, các thầy giảng khác hơn nhiều, mình được học bài bản, từ bản thiết kế đến an toàn lao động, kết cấu... để áp dụng vào công việc”, ông Quyết cho biết.

Con rể ông Quyết là Nguyễn Văn Điệp (28 tuổi), sau khi xuất ngũ về làm xây dựng. Thu nhập của anh Điệp là 500 ngàn đồng/ngày. Nay đi học nghề, thu nhập của anh giảm còn một nửa vì sáng đi học, chiều đi làm xây dựng. Dẫu vậy, anh vẫn được bố khuyến khích cố gắng theo nghề.

Còn ông Quyết, sáng tới trường, chiều lại miệt mài về công trình. “Con cái cũng bảo đi học thì giảm bớt thu nhập nhưng tôi động viên con cố gắng sáng học, chiều vẫn về công trình”.


Ông Quyết cùng con trai và con rể học chung dưới một mái trường

Với hơn 30 năm làm trong ngành xây dựng, ông Quyết tự tin tay nghề của minh không thua kém ai nhưng lý do chính ông đi học học “để các con noi theo, học để nắm bắt những vấn đề cơ bản”.
Cũng theo bố và anh rể đi học nghề nhưng Bùi Văn Long Khánh con trai ông Quyết lại không chọn học xây dựng mà học nghề Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí.

Trước đây Khánh từng có thời gian làm về thiết bị điện tử với mức lương 15 triệu/tháng. Tuy nhiên, công ty cũ không đào tạo bài bản về điện nên Khánh chỉ làm những công việc mang tính chất “lặt vặt”.

Trong bối cảnh lao động phổ thông dễ bị thay thế bởi những lao động có trình độ kỹ thuật tay nghề cao, Khánh nhận thấy mình cần phải có kiến thức, kỹ năng tốt. Được bố động viên, Khánh quyết định theo bố và anh rể đi học nghề.

“Bố em gần 60 vẫn đi học nghề. Đó là động lực cho em. Khi đến trường, các bạn hỏi, đó có phải là bố anh không? Em chỉ gật đầu nhẹ nhàng, thế nhưng trong thâm tâm thì em rất tự hào về bố”, Khánh chia sẻ.


Một giờ học tại trường của bố con ông Quyết

“Tôi là học sinh Bùi Văn Quyết”!

Ông Quyết cho biết, khi trở lại trường nghề, ông nhận thấy giữa học và không học khác nhau hoàn toàn. “Xưa làm chỉ biết xây biết trát, biết đọc bản vẽ giờ biết thêm kết cấu, từ an toàn lao động, đến cái nhỏ nhất là đọc thiết kế, nhận thức của mình hơn rất nhiều”, ông tự tin học xong sẽ giỏi hơn bây giờ.

Ông chú U60 vui vẻ vì bạn học của ông toàn gen Z nên khi đến trường ông cảm thấy mình trẻ ra. Ông cũng không khó khăn khi bắt chuyện với các bạn học ngang tuổi con cái mình.

Với kinh nghiệm của mình, khi học thực hành, ông Quyết vẫn thường chỉ dẫn cho các bạn cách lấy góc vuông, cân bằng thế nào...
Đi học ở cái tuổi gần 60, đôi khi ông vẫn bị các giáo viên của trường nhận nhầm là phụ huynh “các bạn hỏi bác đi đâu thì tôi bảo là bác đi học. Các thầy thì tưởng là phụ huynh của em nào, tôi liền bảo không, tôi là học sinh Bùi Văn Quyết!”.

Mô hình sáng tạo đầu tiên

Mới đây, ông Quyết và con rể cùng 3 học sinh nữa đã lập thành nhóm tham gia cuộc thi Sáng tạo trẻ do Trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh tổ chức. Mô hình “Máy nắn cắt thép tự động” do ông Quyết làm chủ đề tài đã giành giải Nhất trong cuộc thi.

“Nếu nắn thẳng ra đo cắt rất tốn công và vất vả, cần một người đo thước, một người cầm trợ lực cắt thì với mô hình này không cần nhiều nhân công như vậy, máy sẽ tự động đo, nắn cắt, giúp giảm chi phí nhân công”.

Ông Quyết nói chuyên môn của ông là xây dựng nên khi làm mô hình này, các phần kỹ thuật điện, hàn đều được thầy giáo trợ giúp, hướng dẫn kỹ càng.


Giờ học thực hành tại trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh

“Tôi nói chuyện với các bạn trong nhóm, ngoài đời làm công trình phải mua máy cắt tự động với giá thành lên tận 40 triệu đồng. Nhưng khi được học, mình có thể cải tiến máy cũ, gia công, sáng tạo ra chiếc máy nắn cắt thép tự động. Muốn cắt bao nhiêu thanh thì chỉ cần ấn vào bảng điện tử là ra, so với giá thành trên thị trường thì quá rẻ”, ông Quyết tự hào về mô hình sáng tạo đầu tiên của mình và các bạn khi đi học nghề.

Là chủ thầu, ông Quyết hiểu rằng, với sự đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, những người thợ có kiến thức, kỹ năng tay nghề cao và chịu khó sẽ được trọng dụng. “Trong nghề xây dựng tính cẩn thận là yêu cầu đầu tiên, an toàn phải đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy mà khi đi học nghề bài giảng của các thầy đầu tiên là về an toàn. Tiếp đó là yêu cầu về tay nghề rồi mới đến sáng tạo”, ông chú U60 khẳng định./.

vov2.vov.vn