Cập nhật ngày: 09/05/2023

Ở thời đại "ăn ngon mặc đẹp", ngành nghề liên quan đến dịch vụ nghỉ dưỡng, văn hóa ẩm thực được nhiều bạn trẻ lựa chọn để phát triển sự nghiệp.

Theo Báo cáo thị trường Kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022 do iPos thực hiện, nước ta có gần 338.600 nhà hàng/cà phê. Với gần 4,000 thực khách phỏng vấn, có 77,16% thực khách giữ nguyên chi tiêu, thậm chí tăng mức chi tiêu cho ẩm thực trong năm 2023. Vì vậy, cơ hội nghề nghiệp đối với các ngành học liên quan cũng luôn "rộng cửa".

Ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống được xem là một trong những ngành nghề "hot" của Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội.
Theo thầy Đặng Xuân Thu - Chuyên gia trưởng Huấn luyện quốc gia nghề Nhà hàng, Giảng viên Khoa Quản trị Khách sạn, nhà hàng: "Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống là ngành học chuyên sâu về lĩnh vực quản lý nhà hàng khách sạn, về phương diện văn hóa ẩm thực với công việc cụ thể là quản lý các khâu về ẩm thực, yến tiệc, hội nghị, sự kiện,…

Sinh viên ngành này có phẩm chất chuyên nghiệp, đạo đức kinh doanh, thái độ phục vụ và sức khỏe tốt; nắm vững các kiến thức về quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống; có kỹ năng cơ bản để vận dụng trong kinh doanh nói chung và thực hành tốt chuyên môn thuộc lĩnh vực đào tạo như nghiệp vụ bàn, nghiệp vụ bar, nghiệp vụ chế biến món ăn; có khả năng tự học tập để thích ứng với môi trường kinh doanh trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Một nhà quản lý chuyên nghiệp cần có niềm đam mê khám phá những tinh túy của thế giới ẩm thực, sự khéo léo và gu thẩm mỹ độc đáo trong cách bài trí, phục vụ".

Với ngành này, người học được đào tạo các kiến thức, kỹ năng về quản trị nhà hàng; quản trị dịch vụ ăn uống; xây dựng thực đơn và tổ chức phục vụ hội nghị, hội thảo, yến tiệc… Từ đó có khả năng hoạch định chiến lược, phụ trách về dịch vụ ăn uống; kế hoạch kinh doanh; chuyên nghiệp hóa cung cách phục vụ khách hàng trong nước và quốc tế.

Đồng thời, với kinh nghiệm, sự am hiểu sâu sắc, toàn diện về đặc trưng văn hóa nói chung và văn hóa ẩm thực nói riêng của từng vùng miền, quốc gia, sinh viên có thể nâng cao vị trí lên quản lý, định hướng tư duy làm chủ, tự xây dựng và quản lý nhà hàng của riêng mình.

Bùi Vân Hà (Lớp C18A5, Khoa Quản trị Khách sạn, Nhà hàng) bộc bạch: "Mình nhận thấy cơ hội việc làm đối với lĩnh vực Dịch vụ khách sạn và nhà hàng rất rộng mở. Vì thấy, khi lựa chọn định hướng nghề nghiệp, mình quyết định theo học khoa này. Cho đến bây giờ thì mình nghĩ đó là một hướng đi khá đúng đắn.

Trong quá trình đi làm thêm, mình rèn luyện được kỹ năng làm nghề để tự tin theo đuổi sau khi tốt nghiệp. Hơn nữa, mình cũng đã có được một khoản thu nhập khá ổn định, đủ trang trải cho cuộc sống sinh viên với nghề này rồi".

Tương tự Vân Hà, bạn cùng lớp Trần Văn Huy cũng dành sự yêu thích đối với con đường học nghề. Huy kể rằng, em đang "nối gót" truyền thống gia đình với ngành dịch vụ đặc thù này.

Sinh viên ra trường có khả năng sáng tạo và ứng dụng kỹ thuật và công nghệ để đảm nhiệm được các vị trí công việc như: Trưởng các bộ phận nghiệp vụ, trưởng ca, tổ trưởng, trưởng bộ phận ẩm thực...

Sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng có thể đảm nhiệm được chức danh giám sát, quản lý điều hành nhà hàng và dịch vụ ăn uống tùy theo khả năng của cá nhân và yêu cầu của công việc. Người học có khả năng tạo lập doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực được đào tạo.

Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội có sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để hỗ trợ công việc cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, tuy nhiên, các em luôn chủ động tìm được việc chứ không phụ thuộc vào nhà trường.

Theo thông tin thống kê của trường này, tỷ lệ sinh viên ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống  ra trường làm đúng nghề là 85%.

dantri.com.vn