Cập nhật ngày: 26/04/2023


Ngày 25.4.2023, “Diễn đàn Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam - Phần Lan” được tổ chức tại Hà Nội nhằm giới thiệu bức tranh toàn cảnh về giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam và Phần Lan cũng như chia sẻ các yếu tố tạo nên thành công của Phần Lan trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Diễn đàn còn nhằm mục đích mở ra nhiều cơ hội trao đổi và hợp tác giữa các đơn vị giáo dục nghề nghiệp của hai nước.

Diễn đàn có sự tham gia của bà Marjaana Sall - Đại sứ Giáo dục của Bộ Ngoại giao Phần Lan, ông Keijo Norvanto - Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam, đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện Bộ Giáo dục và Văn hoá Phần Lan tại Đông Nam Á, các CEO, hiệu trưởng và đại diện các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của Phần Lan.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết, tỉ lệ lao động chất lượng cao của Việt Nam hiện đang ở mức thấp so với tương quan chung trong khu vực cũng như trên thế giới. Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2019, tại trụ cột 6 về nhân lực, Việt Nam so với 140 nền kinh tế thì kĩ năng lao động Việt Nam được đánh giá đứng thứ 93. Chính vì thế, việc hợp tác nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với các nước trong khu vực và trên thế giới được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đặc biệt quan tâm. Việt Nam và Phần Lan thời gian qua mới tập trung hợp tác nhiều ở trình độ đại học, chưa đẩy mạnh hợp tác trong giáo dục đào tạo, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong khi triển vọng, tiềm năng hợp tác là rất lớn. Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng mong muốn trong thời gian tới, hai bên sẽ có thêm nhiều hợp tác hơn nữa".


Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng phát biểu khai mạc Diễn đàn


Đại sứ Keijo Norvanto, Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam

Phát biểu tại Diễn đàn, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam đánh giá tầm quan trọng của giáo dục trong việc phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia. Đại sứ khẳng định Phần Lan là một trong những quốc gia có chất lượng giáo dục tốt nhất trên thế giới và mong muốn đẩy mạnh hợp tác toàn diện trong lĩnh vực giáo dục nói chung và trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nói riêng giữa Phần Lan và Việt Nam. Thông qua việc tổ chức cho các cơ sở đào tạo của Phần Lan thăm và làm việc tại Việt Nam lần này, Phần Lan hi vọng thúc đẩy hợp tác ở cấp độ Chính phủ cũng như tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo của hai quốc gia gặp gỡ, trao đổi và tìm kiếm đối tác hợp tác trong thời gian tới.

Trước đó, cũng trong khuôn khổ hoạt động hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giữa Việt Nam và Phần Lan, Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình đã có buổi làm việc trao đổi về cơ hội hợp tác với Đoàn giáo dục nghề nghiệp Phần Lan.


Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình trao đổi với Đoàn Phần Lan

Tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng đề nghị phía Phần Lan nghiên cứu, triển khai mô hình hợp tác phù hợp với 2 quốc gia, trong đó tập trung hợp tác trong một số hoạt động như: chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng, phát triển các cơ sở đào tạo nghề của Phần Lan; xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng GDNN đạt tiêu chuẩn quốc tế; kết nối doanh nghiệp; tiếp nhận, tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp đủ điều kiện vào làm việc tại các doanh nghiệp của Phần Lan; chuyển giao công nghệ, chương trình đào tạo đối với những nghề là thế mạnh của Phần Lan, hướng tới xanh hóa GDNN và phát triển bền vững; nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, nhà giáo và người dạy trong doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác, kết nối giữa các cơ sở GDNN của hai nước.


Các hoạt động của Diễn đàn

Một trong những giá trị cốt lõi trong chính sách giáo dục của Phần Lan là đảm bảo cơ hội giáo dục bình đẳng cho mỗi cá nhân, mọi cá nhân đều hoàn thành tối thiểu bậc trung học.
Khoảng một nửa số học sinh sau khi hoàn thành cấp học này lựa chọn con đường giáo dục nghề nghiệp và một nửa còn lại theo học trung học phổ thông.

Với hơn 164 loại chứng nhận, lựa chọn giáo dục nghề nghiệp của Phần Lan không bị giới hạn trong các lĩnh vực kỹ thuật mà bao gồm tất cả các lĩnh vực của cuộc sống lao động.

Bên cạnh các ngành truyền thống như xây dựng, điện, nước và làm đẹp, chứng chỉ nghề của Phần Lan còn bao gồm các lĩnh vực như du lịch, khởi nghiệp và kinh doanh, dịch vụ y tế, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, công nghệ, dịch vụ an sinh xã hội và nhà hàng khách sạn. Nghệ thuật biểu diễn xiếc cũng là một bằng nghề ở Phần Lan.

Những năm gần đây, giáo dục nghề nghiệp ở Phần Lan phát triển theo hướng cho phép người học liên tục nâng cao về kỹ năng và tay nghề. Các giáo viên và cơ sở đào tạo nghề liên tục được cập nhật để bắt kịp với các xu hướng mới trong đời sống và công việc.
Các chia sẻ và trao đổi giữa Phần Lan và Việt Nam tại diễn đàn có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai “Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và kỉ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Phần Lan – Việt Nam.

Diễn đàn cũng góp phần duy trì và đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực trao đổi nhân lực và nhân tài, giáo dục và đào tạo.

VPTCGDNN