Cập nhật ngày: 15/04/2023

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một mục tiêu trong chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Đàng và Nhà nước ta.

Lao động nông thôn là nguồn nhân lực cần được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để phục vụ cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động và trình độ sản xuất, đáp ứng được yêu cầu mới trong phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực nông thôn cũng như xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, Nhà nước cũng đã triển khai nhiều chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Một trong số đó phải kể đến Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong 11 năm (2009 - 2020) thực hiện Đề án 1956 đã có gần 10 triệu lao động nông thôn được học nghề. Bình quân hàng năm có gần 1 triệu lao động nông thôn được học nghề. Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 89,3%, vượt 9,3% so với giai đoạn 2009 - 2015.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có gần 1,2 triệu người đã được các doanh nghiệp tuyển dụng sau học nghề. Trên 400.000 người được doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm, trên 61.000 người sau đào tạo đã thành lập các tổ, nhóm sản xuất, doanh nghiệp và tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn khác tại địa phương.

Có 134.845 lượt hộ nghèo có người tham gia học nghề, có việc làm đã thoát nghèo; 261.361 hộ có người tham gia học nghề, có việc làm, có thu nhập cao hơn mức bình quân tại địa phương.

Với những kết quả trên, đề án đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu lao động. Tỷ trọng lao động nông, lâm nghiệp, thủy sản trong tổng số lao động cả nước giảm từ 49,5% năm 2010 xuống còn 33,5% năm 2020. Đến năm 2020 có khoảng 15 ngàn hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả và gần 12 nghìn doanh nghiệp trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Quá trình cơ cấu lại nông nghiệp đã gắn kết chặt chẽ với xây dựng nông thôn mới, nhất là phát triển hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân khu vực nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu đang tác động lớn đến lực lượng lao động, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, một yếu tố được đặc biệt nhấn mạnh trong giai đoạn hiện nay là nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Để thực hiện mục tiêu này, Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030” đã đưa ra nhiều điểm đổi mới trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc tổ chức liên kết với các doanh nghiệp xây dựng chương trình, giáo án, đào tạo, tạo việc làm, đồng thời, thực hiện việc thí điểm đào tạo nghề trung cấp, cao đẳng cho lao động nông thôn.

Xây dựng, biên soạn tài liệu và tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động đối với đội ngũ tuyên truyền viên là cán bộ của các hội đoàn thể. Tổ chức biểu dương, tôn vinh, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật Giáo dục nghề nghiệp để đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp cho sản xuất, doanh, tạo cơ hội để mọi người lao động, nhất là các đối tượng chính sách đều có cơ hội và điều kiện được học để có nghề, có việc làm và được tiếp tục học lên các trình độ cao hơn.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn để giúp cho người lao động nông thôn hiểu, nắm được các chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề nghiệp, việc làm, chủ động tham gia học nghề để có nghề, có việc làm, có thu nhập, ổn định cuộc sống, ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.

Có thể nói, đào tạo nghề là một trong những cách giúp người lao động có đủ trình độ chuyên môn, tay nghề tham gia vào các công việc sản xuất quy mô lớn, mang tính công nghiệp, từ đó, tăng thu nhập bền vững và đảm bảo chất lượng cuộc sống.

vov2.vov.vn