Cập nhật ngày: 14/04/2023

Đang tồn tại nghịch lý là doanh nghiệp săn lao động tốt nghiệp nhiều ngành ở trường trung cấp với mức lương hấp dẫn nhưng số người học không đủ đáp ứng nhu cầu.


Học viên ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống Trường Saigontourist trong giờ thực hành - Ảnh: NGUYỄN KHOA

Đầu năm 2023 đến nay, TS Hoàng Quốc Long - hiệu trưởng Trường trung cấp Nguyễn Tất Thành - nhận được thêm nhiều đặt hàng lao động của một số doanh nghiệp xây dựng lớn ở Úc.

Công việc yêu cầu người lao động cần nắm vững các kỹ năng như xây gạch, tô trát, ốp lát tường. Trình độ tiếng Anh đòi hỏi ở mức cơ bản. Tiền lương cho một lao động khoảng 60.000 AUD/năm (941 triệu đồng/năm), chưa tính các khoản thưởng hay thu nhập tăng thêm.

Cung ứng bao nhiêu, tuyển bấy nhiêu

"Doanh nghiệp nói trường cung ứng được bao nhiêu, họ sẽ tuyển bấy nhiêu. Nhưng nghịch lý ở chỗ dù đã giới thiệu chương trình cùng vô số đãi ngộ của doanh nghiệp, số người đăng ký theo học chương trình vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay", ông Long nói.
Theo ông Long, đây không phải là trường hợp duy nhất các doanh nghiệp quốc tế đến trường trung cấp của mình bày tỏ mong muốn tuyển dụng nhưng số người muốn theo đuổi lại quá ít ỏi.

Chẳng hạn, ngành làm đồng ô tô, lắp đặt điện cho công trình, nhiều doanh nghiệp Úc đặt hàng trường tuyển sinh và đào tạo, cung ứng sang lao động ở Úc, mức lương 50.000 AUD/năm (783 triệu đồng/năm). Thời gian làm việc ba năm và có thể tăng thêm ba năm nữa nếu có chứng nhận hành nghề C4.

Đặc biệt ở ngành bếp, có doanh nghiệp tuyển đến 80.000 AUD/năm (1,25 tỉ đồng/năm) nhưng cũng khó tuyển. "Chúng tôi nghĩ một phần vẫn do tâm lý chưa ưa chuộng các nghề làm công việc chân tay. Các bạn trẻ hiện thích làm những nghề nhẹ nhàng hơn, cho dù thu nhập có thể ít hơn", ông Long nói.

ThS Võ Thị Mỹ Vân - hiệu trưởng Trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist - cũng cho biết về tình trạng chênh lệch giữa nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và số lượng người học.

Đặc biệt dịch COVID-19 đã ghi nhận làn sóng nghỉ việc, chuyển việc của nhân sự ngành du lịch. Sau dịch, doanh nghiệp "khát" nhân sự, trong khi học sinh còn sự e dè, sợ hãi với những rủi ro khi theo các ngành nghề du lịch. Điều này dẫn đến nghịch lý một bên rất cần, một bên lại không mặn mà.

Tương tự, ThS Ngô Quốc Thệ - hiệu trưởng Trường trung cấp Y dược Vạn Hạnh - cho biết từ sau đại dịch, các phòng khám, các spa chăm sóc sức khỏe... thường xuyên liên hệ với trường đề nghị cung ứng nhân sự.

Một số đơn vị đã hứng chịu tình trạng nhân viên y tế chuyển việc sau dịch, nên rất muốn tuyển thêm để lấp đầy thiếu hụt lao động.
Nhiều đơn vị "khát" lao động đến mức khi trường vừa tuyển được người học là họ ký hợp đồng ngay để giữ chân sinh viên ấy sau tốt nghiệp. "Nhu cầu quá lớn, chúng tôi có cung ứng hết công suất cũng không đủ", ông Thệ nói.


Học sinh học nghề tại Trường trung cấp nghề Kỹ thuật - Công nghệHùng Vương - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Tiếp cận người học tiềm năng

ThS Phạm Quang Trang Thủy, hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Kỹ thuật - Công nghệ Hùng Vương, chia sẻ trong mùa tuyển sinh năm nay, trường chú trọng đẩy mạnh vào nhóm học sinh tốt nghiệp THCS, do xác định rất khó cạnh tranh với các trường đại học, cao đẳng trong phân khúc tuyển học sinh đã tốt nghiệp THPT.

Hiện nay, học sinh hoàn thành xong lớp 12 có rất nhiều cơ hội để học đại học, cao đẳng. Do vậy theo bà Thủy, chỉ một số ít trường trung cấp hiện có thể tuyển sinh tốt ở phân khúc này.

Từ đầu năm 2023, Trường trung cấp nghề Kỹ thuật - Công nghệ Hùng Vương đã liên tục đến các trường THCS trên địa bàn và những khu vực vệ tinh lân cận.

Không chỉ gặp gỡ học sinh, các thầy cô, chuyên viên của trường phải tư vấn cho cả phụ huynh, bởi nhóm tốt nghiệp cấp II vẫn còn phụ thuộc nhiều vào quyết định của ba mẹ.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh có vẻ thích con học các ngành nghe tên "thời thượng" như công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ ô tô.
Còn những ngành nghe có vẻ nặng nhọc như cơ khí, cơ điện tử, bảo trì máy... lại không được phụ huynh mặn mà quan tâm dù cơ hội việc làm rất lớn. "Vì vậy, trước hết chúng tôi sẽ cần làm rõ cho phụ huynh về các ngành nghề, không để họ dựa vào tên gọi của nghề mà mặc định nghề này cực lắm, nghề này khó lắm", bà Thủy nói.

TS Hoàng Quốc Long cho rằng hướng nghiệp với bậc trung cấp không còn chỉ là qua những lời giới thiệu, những tờ rơi, mà sẽ phải làm sao cho những người học tiềm năng có thể nhìn - nghe - sờ được ngành nghề, cảm nhận được môi trường học tập.

Do đó, trường thường mời học sinh các trường cấp II đến tham quan. Các em có thể được trải nghiệm thực tế một công việc từ khi ở giảng đường đến khi làm trực tiếp ngoài doanh nghiệp.

"Việc đưa học sinh đến trường không chỉ thông qua việc tạo những chuyến đi thực tế, mà có thể khéo léo thông qua nhiều hoạt động khác. Sắp tới, trường sẽ đăng cai tổ chức những hội thi tay nghề, ở đó học sinh, sinh viên sẽ được tham gia, trải nghiệm và hiểu mình, hiểu nghề hơn", ông Long nói.

ThS Võ Thị Mỹ Vân cho biết một trong những hướng đi để giải quyết bài toán đào tạo cho nhu cầu lao động của doanh nghiệp là đào tạo tại chỗ. Nghĩa là doanh nghiệp sẽ tuyển dụng những đối tượng tiềm năng nhưng có thể chưa có tay nghề.

Sau đó, doanh nghiệp sẽ phối hợp với các trường tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ. "Trong bối cảnh tuyển dụng khó khăn, một số doanh nghiệp cũng có nhu cầu đào tạo cho người lao động của mình đa năng hơn.

Chẳng hạn, một người lễ tân sẽ có thể biết luôn về kỹ năng phục vụ bàn, buồng phòng... Một số trường trung cấp có thể đón đầu xu hướng đào tạo đa năng cho người lao động hiện nay", bà Vân nói.

Không phân biệt bằng cấp

Ông Nguyễn Tiến Cảnh - giám đốc Công ty Alpha Nguyễn, chuyên lĩnh vực điện lạnh - cho biết vì những khó khăn trong nguồn cung lao động, công ty của ông chuyển hướng từ tìm kiếm lao động dài hạn sang lao động theo dự án.

Với mỗi dự án lắp đặt, sửa chữa, bảo trì điện lạnh... công ty sẽ cần khoảng 5-7 người/dự án. Khi đó, công ty sẽ liên hệ với một số trường trung cấp có mối quan hệ để tuyển người cho đủ số lượng của các dự án đang triển khai.

"Không phải chỉ mình công ty tôi, nhiều công ty khác chuyên ngành điện lạnh cho biết những năm gần đây tuyển các bạn trẻ đi làm nghề điện lạnh rất khó. Nhiều bạn vào công ty được ba tháng là xin nghỉ, nói công việc cực quá. Nhiều bạn lại ưu tiên những công việc văn phòng hơn là xắn tay làm thợ", ông Cảnh nói.

Bà Hoàng Thị Phong Thu - tổng giám đốc Công ty du lịch Ánh Dương - cho biết ở thời điểm hiện tại, công ty ưu tiên sử dụng các hướng dẫn viên tự do để giải quyết bài toán lao động. Trong từng tour, dự án du lịch, công ty sẽ tính toán số người cần bổ sung ở từng vị trí đầu việc. Tiếp đó, công ty sẽ kết nối với một số bên cung ứng lao động uy tín, thường là ở trường trung cấp.

"Công ty tôi hiện không phân biệt bằng cấp của các bạn khi ứng tuyển. Với cùng một công việc, một bạn trẻ tốt nghiệp đại học hay trung cấp đều được đánh giá như nhau, miễn là các bạn làm được việc. Lương đầu vào cho các bạn cũng không phụ thuộc vào bằng cấp của bạn", bà Thu nói.

Tốt nghiệp đại học rồi học... trung cấp

Đó là câu chuyện của H.P.N. (quê Đà Nẵng) đang theo học lớp hướng dẫn du lịch tại Trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist. P.N. chia sẻ mình có niềm đam mê du lịch từ nhỏ, tốt nghiệp cấp III, N. theo học chuyên ngành quản trị du lịch tại một trường đại học tư thục ở TP.HCM.

Hoàn thành bậc cử nhân, N. "đầu quân" làm hướng dẫn viên cho một công ty lữ hành. Chỉ sau một khoảng thời gian đi làm, N. nhận thấy bản thân còn nhiều thiếu sót và muốn được cải thiện thêm về chuyên môn hướng dẫn.

Vậy là N. quyết định tạm dừng công việc để ghi danh theo học lớp hướng dẫn viên ở trường trung cấp. "Về hướng dẫn viên, lễ tân, được học kỹ và học thẳng vào chuyên môn mình nghĩ sẽ nhanh thành thạo nghề hơn", N. nói.

Đào tạo tại doanh nghiệp

TS Phan Hoàng Dũng - hiệu trưởng Trường trung cấp Bách nghệ TP.HCM - cho biết ngoài câu chuyện số lượng, vấn đề đặt ra khi trường trung cấp cung ứng lao động cho doanh nghiệp là chất lượng.

Để làm được điều này, nhiều trường trung cấp đã đưa vào những môn học, học phần đào tạo tại doanh nghiệp, đúng theo những định hướng công việc sau khi tốt nghiệp của sinh viên.

tuoitre.vn