Cập nhật ngày: 10/04/2023

“Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành, triển khai các giải pháp có tính đột phá, tạo động lực cho giáo dục nghề nghiệp phát triển” là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giáo dục nghề nghiệp thời gian tới. Đây là khẳng định của Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới.


Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng.

Đã có một số bước chuyển tích cực

- Ông có thể chia sẻ đôi điều về các điểm nhấn ấn tượng của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thời gian qua?

- Điểm nhấn đầu tiên chính là việc thể chế chính sách về giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được hoàn thiện và đi vào cuộc sống. Tổng cục đã tham mưu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, hoàn thiện các đề án giai đoạn đến năm 2030 trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Đề án nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam…

Điểm nhấn thứ hai là tăng cường năng lực cán bộ. Với sứ mệnh đào tạo chiếm hơn 75% nguồn nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, giáo dục nghề nghiệp luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, nhằm tranh thủ thời cơ dân số vàng, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

- Những bước chuyển tích cực cụ thể trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp năm qua là gì, thưa ông?

- Thực tế cho thấy đã có một số bước chuyển mang tính đột phá. Công tác tuyển sinh, đào tạo vượt chỉ tiêu kế hoạch, phương thức đào tạo linh hoạt, giải quyết việc làm hiệu quả, góp phần cung ứng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cho phục hồi và phát triển kinh tế. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã chủ động tìm đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tham gia ngay vào quá trình tuyển sinh, đặt hàng đào tạo, tuyển dụng sinh viên trước và ngay khi tốt nghiệp. Nhờ có các giải pháp đồng bộ, phù hợp, năm 2022, cả nước tuyển sinh được 2.259.140 người, đạt 108.3% so với kế hoạch. Số người tốt nghiệp là 2.096.000 người, đạt 115% so với kế hoạch, góp phần tăng tỷ lệ nguồn nhân lực qua đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, phục vụ việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo nghề tiếp tục được cải thiện. Thông qua nhiều nguồn lực, trong đó điểm nhấn là các hoạt động hợp tác quốc tế, hệ thống giáo dục nghề nghiệp ngày càng phát triển. Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2021, khoảng 95% doanh nghiệp FDI cho biết, chất lượng lao động đáp ứng được nhu cầu, 58% doanh nghiệp FDI đánh giá lao động là hoàn toàn và đáp ứng phần lớn nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.

Cùng với đó, các hoạt động truyền thông, tôn vinh người dạy, người học đã lan tỏa giá trị, khơi nguồn đổi mới sáng tạo trong giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

- Phát huy kết quả đã đạt được, trong năm 2023, Tổng cục đặt ra những chỉ tiêu cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi phấn đấu tuyển sinh đạt 2.295.000 người, đạt 110% so với kế hoạch năm 2022. Trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp: 530.000 người; trình độ sơ cấp và các chương trình nghề nghiệp khác: 1.765.000 người. Chỉ tiêu tốt nghiệp là 2.043.000 người, đạt 112% so với kế hoạch năm 2022, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp: 346.000 người; trình độ sơ cấp và các chương trình nghề nghiệp khác: 1.697.000 người.

- Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 14-1-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh một số yêu cầu về giáo dục nghề nghiệp, bao gồm nhiệm vụ “đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 theo hướng mở, linh hoạt, theo tiêu chuẩn quốc tế; đẩy mạnh mô hình hợp tác công tư trong đào tạo nghề”. Để có thể hoàn thành tốt các yêu cầu này, đâu là những giải pháp chủ yếu?

- Cùng với yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Thủ tướng Chính phủ còn yêu cầu xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển nguồn nhân lực; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, chủ động thích ứng với già hóa dân số. Đồng thời, phải có giải pháp đột phá nhằm nâng cao năng suất lao động; đặc biệt là tăng cường kỹ năng số cho người lao động…

Để triển khai các yêu cầu này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xác định phải triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó, nhóm giải pháp hàng đầu là phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề. Cùng với đó là triển khai chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngoài ra, Tổng cục cũng chú trọng thực hiện chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời, triển khai khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa, đó là tiến hành tiếp nhận, cơ cấu lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ các bộ, ngành khác về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý theo kết luận ngày 24-8-2022 của Ban Chỉ đạo đổi mới sắp xếp tổ chức, bộ máy của Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Ngoài ra, nhiệm vụ tập trung hình thành và phát triển các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao tại 3 miền cũng được tăng cường triển khai theo Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp.

- Vậy Tổng cục sẽ làm gì để tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục nghề nghiệp?

- Chúng tôi sẽ thực hiện các giải pháp về phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng ứng dụng, thực hành, thực tập, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, chú trọng giải pháp đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, thiết bị và điều kiện bảo đảm chất lượng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao. Một mặt thực hiện tốt công tác đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động và kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, mặt khác, phải tăng cường hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm.

Thêm nữa, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng sẽ chủ động kết nối với các tổ chức quốc tế nhằm tạo lập kênh phối hợp để cung cấp, cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin nhằm đánh giá, xếp hạng khách quan, chính xác chỉ số “Chất lượng đào tạo nghề” và thực hiện các giải pháp khác nhằm nâng hạng chỉ số “Chất lượng đào tạo nghề”.

- Trân trọng cảm ơn ông!

hanoimoi.com.vn