Cập nhật ngày: 06/01/2023

(Dân trí) - Hiện cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật (NKT) nhưng chỉ có 5% NKT trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề chính thức để tham gia thị trường lao động.

Phải có nghề phù hợp và cách dạy phù hợp

Ngày 5/1, tại TPHCM, Chương trình Aus4Skills của Chính phủ Úc và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực NKT (DRD) tổ chức Hội thảo Tổng kết khóa học trực tuyến bồi dưỡng giảng viên hỗ trợ sinh viên khuyết tật trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN).


Đại diện Hội NKT Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo (Ảnh: BTC).

Chương trình đã bồi dưỡng kiến thức làm việc, hỗ trợ sinh viên khuyết tật cho 32 học viên là giảng viên tại các trường trung cấp, cao đẳng trên cả nước. Sau khóa học, 32 học viên ứng dụng thực hiện những dự án thực tế ngay tại nơi mình làm việc.

Tại hội thảo, các học viên tham gia khóa bồi dưỡng chia thành 5 nhóm trình bày những dự án mà mình thực hiện nhằm tìm giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động dạy nghề cho NKT tại Việt Nam.

Đại diện nhóm Đồng hành cùng nhau tiến bộ, thầy Đỗ Ngọc Hùng cho biết, nhóm đã tổ chức các talk show để lắng nghe, tư vấn định hướng trực tuyến cho sinh viên khuyết tật nhằm giúp họ tự tin hòa nhập với cộng đồng; thiết lập mạng lưới liên kết qua nhóm zalo để kết nối với các thành viên là học sinh, học viên tại các trường nhằm lan tỏa được sự tự tin hòa nhập của NKT với cộng đồng…

Nhóm Liên minh đột kích thì nhắm đến việc nâng cao nhận thức của lãnh đạo và giảng viên các trường, giúp họ hiểu hơn về công tác giáo dục hòa nhập tại các trường đào tạo nghề để ủng hộ, phát triển mạnh hoạt động này.

Nhóm Ríu rít triển khai các hoạt động thực tế nhằm nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng dành cho NKT. Nhóm đăng bài truyền thông trên các kênh thông tin của trường với nội dung nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng trong việc thúc đẩy hòa nhập GDNN đối với NKT nói chung và sinh viên khuyết tật nói riêng.


Sau khóa học, 32 học viên ứng dụng thực hiện những dự án thực tế ngay tại nơi mình làm việc (Ảnh: BTC).

Nhóm Cùng nhau tỏa sáng thực hiện chương trình hỗ trợ 36 giảng viên cao đẳng nâng cao nhận thức về giáo dục hòa nhập cho sinh viên khiếm thính. Các thành viên của nhóm nghiên cứu lựa chọn nghề phù hợp cho người khiếm thính, cập nhật các công nghệ hỗ trợ và phương pháp giảng dạy phù hợp.

Đại diện nhóm Cùng nhau tỏa sáng, thầy Phan Thành Sơn cho biết: "Các bạn khiếm thính hạn chế về khả năng nghe, nói nhưng khả năng cảm nhận hình ảnh, kể chuyện bằng hình ảnh rất tốt nên có khả năng học tốt ngành thiết kế đồ họa".

Sau khi chọn nghề phù hợp, nhóm tiếp tục nghiên cứu thiết kế bài giảng thật đơn giản, hạn chế chữ viết và âm thanh, chỉ đưa ra các từ khóa quan trọng trong nội dung giảng dạy, còn lại là hình ảnh để sinh viên khiếm thính dễ theo dõi và tiếp thu.

Nhóm cũng nghiên cứu cách giảng dạy phù hợp cho sinh viên khiếm thính như gửi trước nội dung bài giảng cho sinh viên đọc trước ngày học, sử dụng phần mềm chuyển âm thanh thành văn bản để giảng viên giao tiếp với sinh viên…

Theo thầy Phan Thành Sơn, với giáo án đơn giản và cách truyền đạt phù hợp, không chỉ sinh viên khiếm thính mà người chậm tiếp thu cũng có thể dễ dàng học được các kỹ năng này.

Lan tỏa sức ảnh hưởng ra nhiều trường nghề

Theo ông Nguyễn Văn Cử, Phó giám đốc DRD, việc các trường nghề nghiên cứu thiết kế giáo án dạy nghề đơn giản cho NKT học tập không chỉ có lợi cho NKT mà còn là làm lợi cho cộng đồng.

Những thiết kế phổ quát như vậy là dành cho tất cả mọi người chứ không chỉ dành riêng cho NKT. Bởi bài giảng đơn giản, dễ hiểu đến mức người hạn chế khả năng nghe, nói còn học được thì người không khuyết tật sẽ học được dễ dàng hơn rất nhiều.

Phát biểu tại hội thảo, bà Vũ Lan Hương, Phó chánh văn phòng Tổng cục GDNN cho biết, hiện cả nước có khoảng 6,2 triệu NKT và 68% trong độ tuổi lao động nhưng chỉ có 5% NKT trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề chính thức.


Bà Vũ Lan Hương, Phó chánh văn phòng Tổng cục GDNN (Ảnh: BTC).

Theo bà Hương, việc tăng cường sự tham gia của NKT vào GDNN là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam, trong đó có trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không hề đơn giản.

Đối với việc thực hiện chính sách phúc lợi xã hội, tạo công ăn việc làm cho NKT thì Việt Nam đã làm rất tốt, là một trong những nước thực hiện thành công chính sách phúc lợi xã hội trên thế giới và trong khu vực. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề để NKT có thể tự tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập nuôi bản thân, tự lập trong cuộc sống thì vẫn còn rất khó khăn.

Bà Vũ Lan Hương cho biết, đặc thù của GDNN là 70% thời lượng học tập dành cho thực hành và đòi hỏi sức khỏe. Đối với người không khuyết tật, hoàn thành một khóa học nghề với thời lượng thực hành cao, học hết các kỹ năng lao động đã khó khăn thì đối với NKT càng khó khăn hơn nhiều lần. Bản thân NKT có nhiều hạn chế về nhận thức, trình độ học vấn, rào cản tâm lý và cả khả năng tiếp cận, thể chất…

Theo Phó chánh văn phòng Tổng cục GDNN, khó khăn là phải chọn được nghề phù hợp cho từng dạng tật để giảng dạy, kêu gọi NKT học nghề thế nào, phương pháp giảng dạy ra sao, làm sao giữ chân họ trong trường để hoàn thành hết khóa học, học xong thì tìm việc làm cho NKT ở đâu…

"Kêu gọi NKT đi học nghề đã khó rồi mà muốn giữ chân họ lại càng khó hơn. Rất nhiều NKT bỏ học nghề giữa chừng vì không thể vượt qua các khó khăn, rào cản về thể chất, tiếp cận, tâm lý…", bà Hương chia sẻ.

Do đó, bà Vũ Lan Hương đánh giá cao kết quả của dự án khi đã tổ chức được nhiều lớp học trực tuyến, bồi dưỡng cho giảng viên các trường nghề kỹ năng GDNN cho NKT, nghiên cứu thành công các chương trình dạy nghề phù hợp cho NKT…

Bà nhấn mạnh: "Tôi hy vọng chương trình sẽ tạo tác động lan tỏa và truyền cảm hứng cho thêm nhiều trường khác tham gia, đào tạo nghề cho NKT nhiều hơn".


Ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng GDNN Sở LĐ-TB&XH TPHCM (Ảnh: BTC).

Tham dự hội thảo, ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng GDNN Sở LĐ-TB&XH TPHCM, cho biết sẽ nghiên cứu, đưa những hoạt động thiết thực của dự án vào chương trình hành động GDNN cho NKT của thành phố trong thời gian tới.

Đồng thời, ông cũng đề nghị các thầy cô được tập huấn, học tập những kiến thức, kỹ năng này có thể nhân rộng mô hình trên tại nơi mình công tác, đưa các hoạt động này vào chương trình hành động của trường mình.

dantri.com.vn - Tùng Nguyên