Cập nhật ngày: 17/12/2022

(Dân trí) - Theo thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được dạy văn hóa trung học phổ thông tại trường. Tuy nhiên, vấn đề học sinh trung cấp thi lên đại học vẫn còn vướng mắc.

Trường nghề được tổ chức dạy văn hóa THPT

Ngày 16/12, Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM tổ chức Hội thảo về việc dạy văn hóa theo thông tư 15/2022/TT-BGDĐT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN).


Hội thảo góp ý về việc dạy văn hóa theo thông tư 15/2022/TT-BGDĐT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (Ảnh: Tùng Nguyên).

Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông (THPT) và việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở GDNN, bao gồm: môn học và khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo ngành, nghề đào tạo; tổ chức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá và cấp giấy chứng nhận…

Theo thông tư này, học sinh trong các cơ sở GDNN phải học 3 môn bắt buộc (toán, ngữ văn, lịch sử) và ít nhất là 1 môn học lựa chọn (vật lí, hóa học, sinh học, địa lí) phù hợp với ngành nghề của mình. Người đứng đầu cơ sở GDNN quyết định lựa chọn các môn học bảo đảm phù hợp với ngành, nghề đào tạo.

Sau khi học sinh đã học và thi đạt yêu cầu sẽ được cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT để theo học trình độ cao hơn của GDNN và sử dụng trong các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật. Giấy chứng nhận này do người đứng đầu cơ sở GDNN tổ chức giảng dạy cấp.

Tham dự hội thảo, lãnh đạo các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn TPHCM bày tỏ vui mừng khi thông tư 15 được ban hành, giúp các trường có hàng lang pháp lý để triển khai việc dạy văn hóa cho học sinh vừa tốt nghiệp THCS tham gia học nghề tại trường trung cấp, hệ 9+ tại các trường cao đẳng.


Thầy Phạm Hữu Lộc - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TPHCM (Ảnh: Tùng Nguyên).

Theo thầy Phạm Hữu Lộc - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TPHCM, đầu năm học 2022-2023, nhà trường rất lúng túng khi tổ chức hội nghị phụ huynh đầu năm vì chưa biết sẽ cho học sinh 9+ học văn hóa theo hình thức nào. Nay có thông tư 15, trường dễ triển khai hơn.

Tại hội thảo, ông Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng giải thích thêm cho lãnh đạo các trường hiểu rõ một số điều khoản quy định trong thông tư 15.

Theo ông, cơ sở GDNN có đủ giáo viên đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD-ĐT và bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất thì được tổ chức giảng dạy văn hóa THPT tại trường, không cần xin phép nhưng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có sai phạm quy định.

Ngoài ra, thông tư quy định cơ sở GDNN phải dạy 3 môn bắt buộc và ít nhất là 1 môn tự chọn, mỗi môn phải đủ số tiết quy định. Do đó, với các môn tự chọn thì các trường nghề có thể tự quyết định học bao nhiêu môn, càng nhiều môn thì càng dễ xét tuyển vào đại học.

Điều ông Nghệ lo ngại là chương trình THPT dạy trong 3 năm đã khó khăn mà ở các trường nghề dạy hết các môn trong chương trình song song với dạy nghề sẽ quá tải, học sinh khó theo kịp.


Ông Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ảnh: Tùng Nguyên).

Tuy nhiên, lãnh đạo một số trường khẳng định nếu có chương trình dạy tích hợp các môn văn hóa với dạy nghề thì vẫn có thể đảm bảo chất lượng đào tạo. Theo cô Phan Thị Lệ Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông, nhà trường vừa hoàn thành khóa học sinh 9+ đầu tiên theo chế độ học song song văn hóa và dạy nghề, có 356 em thi tốt nghiệp THPT thì 354 em đậu, đạt tỷ lệ 99,44%.

Cần cơ chế cho học sinh trường nghề thi lên đại học

Lãnh đạo một số trường tham dự hội thảo cũng đồng ý quy định chỉ bắt buộc học sinh học 4 môn văn hóa THPT là phù hợp với lực học của các em tham gia học nghề. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận không nhỏ các em học nghề mong muốn thi tốt nghiệp THPT, sau đó vào Đại học.

Do đó, các trường đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu quy định cụ thể là học sinh đã hoàn thành chương trình văn hóa 4 môn tại các cơ sở GDNN thì cần học thêm những gì, học bao lâu, học ở đâu… thì đạt yêu cầu để thi lấy bằng tốt nghiệp THPT, tạo thuận lợi cho các em học tập suốt đời.


Cô Phan Thị Lệ Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông (Ảnh: Tùng Nguyên).

Điểm vướng lớn nhất ở đây là trường nghề có thể tự đào tạo chương trình văn hóa THPT 7 môn (chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT) ngay tại trường, nhưng giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDTX cấp THPT phải do người đứng đầu trung tâm giáo dục thường xuyên cấp.

Theo ông Phạm Như Nghệ, điều này quy định trong Luật Giáo dục 2019 nên muốn thay đổi thì phải sửa luật.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh mục tiêu lớn nhất của ngành là làm mọi cách để tạo cơ hội cho người dân học tập suốt đời, không chỉ về kỹ năng mà còn là về văn hóa. Theo ông, các chiến lược phát triển nhân lực của đất nước đều đã nêu rất rõ mục tiêu này.

Ông Bình cho biết, pháp luật không cấm các cơ sở GDNN dạy văn hóa THPT nhưng rào cản là chỉ có Trung tâm GDTX mới được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDTX cấp THPT. Đó là điểm vướng mắc cần khắc phục.

Ông khẳng định, có vướng mắc thì các bộ ban ngành phải cùng nhau nghiên cứu để đả thông. Ông nói: "Tất nhiên đả thông phải đúng luật nhưng không có nghĩa là không làm được".


Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Ảnh: Tùng Nguyên)

Ông Phạm Vũ Quốc Bình nhắc đến mô hình ở nhiều nước tiên tiến đang áp dụng, các trường, cơ sở đào tạo không cấp bằng mà là do một tổ chức khảo thí cấp bằng. Chúng ta có thể nghiên cứu đến mô hình này để giải quyết vấn đề, hoặc chính quyền địa phương có thể nghiên cứu cấp giấy chứng nhận này chứ không nhất thiết là Trung tâm GDTX cấp.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, 3 câu hỏi mà Tổng cục GDNN luôn đặt ra khi bàn thảo về vấn đề này là: Thứ nhất, các em học văn hóa THPT 4 môn ở cơ sở GDNN liên thông như thế nào, các em muốn học thêm nữa phải làm cách nào, bù đắp khối lượng thế nào; thứ 2, ai dạy và điều kiện như thế nào; thứ 3, dạy xong sẽ cấp giấy chứng nhận ra sao.

Ông Bình đồng tình là vướng luật thì cần trình Quốc hội sửa luật, nhưng trong khi luật chưa được sửa cho phù hợp cần có giải pháp tình thế cho giai đoạn hiện nay.

Vì vậy, ông đề nghị khi UBND các tỉnh/thành có văn bản hướng dẫn thực hiện thông tư 15, cần phát huy vai trò của chính quyền địa phương để tạo điều kiện cho các cơ sở GDNN thuận lợi trong việc dạy văn hóa THPT.

Ông mong muốn các hướng dẫn sẽ nhấn mạnh vào các điểm sau: Làm sao các thủ tục nhanh nhất, thuận lợi nhất cho các trường; UBND tỉnh/thành vào cuộc chỉ đạo để giải quyết vấn đề giấy chứng nhận; kinh phí đào tạo văn hóa THPT dành cho các trường công lập…

Tùng Nguyên – dantri.com.vn