Cập nhật ngày: 05/12/2022

Phát triển và đổi mới toàn diện chương trình dạy nghề là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và đang được hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thực hiện. Đây là yêu cầu tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế đang "loạn nhịp".
 
Sinh viên, học viên thực hành, thực tế tại doanh nghiệp sản xuất
 
Đổi mới chương trình, đẩy mạnh liên kết
 
Xác định tầm quan trọng của xu thế hiện nay, các trường nghề "chạy nước rút" để có những bước chuyển mình quan trọng trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp (DN) và yêu cầu hội nhập quốc tế. Đi đầu trong sự chuyển mình này phải kể đến một số trường nghề như: Cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC), cao đẳng Du lịch Huế, cao đẳng Y tế Huế, cao đẳng Nghề Thừa Thiên Huế, cao đẳng Giao thông vận tải Huế...
 
Đối với HueIC, hằng năm, nhà trường luôn tranh thủ ý kiến của các DN thông qua các hội nghị, hội thảo, phỏng vấn DN về sinh viên…, từ đó chỉnh sửa chương trình đào tạo phù hợp, linh hoạt, nâng cao kỹ năng thực hành, ý thức, thái độ công nghiệp.
 
Hiện, nhà trường đang áp dụng đào tạo sinh viên theo chuẩn KOSEN (Nhật Bản) dành cho sinh viên các khoa: Kỹ thuật ô tô, Điện - Điện tử, Cơ khí, Nhiệt lạnh, Công nghệ Hóa - Môi trường. Bên cạnh đó, trường luôn đẩy mạnh mối quan hệ với các DN trong và ngoài tỉnh để hợp tác đào tạo, đưa sinh viên thực tập và giới thiệu việc làm cho sinh viên. Nhiều trung tâm đào tạo được ra đời là kết quả của quá trình hợp tác chặt chẽ này. Trong đó, có Trung tâm Đào tạo sửa chữa xe máy Yamaha, Trung tâm Đào tạo nghề may và sửa chữa máy hay HBI…
 
Theo Phó Hiệu trưởng HueIC Trần Hữu Châu Giang, chương trình đào tạo của nhà trường luôn chú trọng đến việc đào tạo thực tế tại DN. Cụ thể, HueIC đang bố trí khoảng 80% tỷ trọng đào tạo là thời gian thực hành. Theo đó, sinh viên được thực hành và học tập trực tiếp trên các thiết bị và dây chuyền tại DN và tại các xưởng thực hành của trường.
 
Đi đôi với đổi mới chương trình đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế đang là yêu cầu cũng như thế mạnh được nhiều trường chú trọng phát triển. Suốt quá trình hoạt động đào tạo, Trường cao đẳng Du lịch Huế đã hợp tác với Luxembourg, Malaysia, Úc, Anh, Pháp, Đức, Thái Lan... thông qua các đề án, chương trình hợp tác đào tạo nghề, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý.
 
Trường cao đẳng Y tế Huế đã ký kết bản ghi nhớ với các đơn vị từ Nhật Bản, Pháp, Đức... trong việc đào tạo tiếng, kỹ thuật chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng... cho sinh viên cũng như trao đổi giảng viên.
 
HueIC liên kết chặt chẽ với các trường, các tập đoàn lớn trên thế giới: Đại học Chaopraya - Thái Lan, Cao đẳng NongKhai - Lào, Học viện Cabera - Úc, Đại học quản lý ́- Singaporo, Viện NAIST, Đại học Ghent - Bỉ, Tập đoàn Microsoft… trong việc trao đổi giảng viên, sinh viên và hỗ trợ trong công tác nghiên cứu khoa học.
 
Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng các sáng kiến kỹ thuật, nhiều đề tài nghiên cứu của sinh viên có tính ứng dụng cao, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường cũng như năng lực làm việc quốc tế của giảng viên và sinh viên.
 
 
Tại một lớp đào tạo các kỹ năng cần thiết cho sinh viên
 
Trang bị các kỹ năng cần thiết
 
Bên cạnh các kỹ năng nghề nghiệp, hiện nay các trường nghề còn trang bị cho sinh viên các kiến thức, kỹ năng cần thiết khác như: ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm… để giúp sinh viên đón đầu với xu thế hội nhập hiện nay.
 
Đại diện một số DN trong ngành dệt may trên địa bàn như: Công ty CP Dệt may Huế, Công ty HBI, Scavi Huế... đánh giá cao về nguồn nhân lực trong những năm gần đây khi được đào tạo nghề tại các trường nghề trên địa bàn tỉnh. Hầu hết sinh viên được đào tạo bài bản, có tay nghề tốt, nhất là có tác phong công nghiệp, luôn chú trọng an toàn lao động. Nhiều trường rất năng động, chủ động hợp tác với DN để đào tạo thợ may, thợ máy, các khóa hàn Tig, tác phong công nghiệp cho nhân viên, người lao động... Nhờ vậy, khi tuyển dụng nguồn lực này, đơn vị không mất thời gian và công sức để đào tạo lại.
 
Trong những năm gần đây, với yêu cầu hội nhập quốc tế, các trường nghề đã đưa ra những định hướng mới, yêu cầu cao hơn, giảng viên buộc phải đi thực tế tại các DN để nâng cao tay nghề, phải thành thạo tin học, ngoại ngữ…, đồng thời phải nắm bắt được DN đang cần gì, thiếu gì để "cập nhật", linh động đổi mới cho phù hợp. Điều này không chỉ đem lại những bước đột phá mới cho nhà trường mà còn đáp ứng yêu cầu lao động, nhân lực ngày càng cao của các DN.
 
Sinh viên Nguyễn Thị Tuyết, chuyên ngành Kế toán, Lớp 20CDKT11, Khoa Kinh tế - Dịch vụ, HueIC (Miss HueIC 2021) chia sẻ: Được học trong môi trường thân thiện, thầy cô có trình độ và chuyên môn cao, luôn tâm huyết, tận tình giúp đỡ sinh viên sẽ là nền tảng tốt giúp chúng em vững về kiến thức, tay nghề và kỹ năng thực hành, các kỹ năng cần thiết khác khi ra trường đi làm. Qua đó, càng chứng minh việc lựa chọn con đường học nghề là rất đúng đắn, chứ không nhất thiết phải vào đại học.
 
Kết nối chặt chẽ với DN, cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ năng cho người học và chú trọng đổi mới sáng tạo và nghiên cứu... đang được các trường nghề áp dụng triển khai. Đây cũng là xu hướng, yêu cầu tất yếu của tỉnh để thực hiện chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Qua đó nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh; đồng thời, tăng cường hợp tác đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi để DN tham gia đầu tư vào hoạt động GDNN.
 
Theo baothuathienhue.vn