Cập nhật ngày: 29/11/2022

Được đặt hàng 1.000 sản phẩm trị giá 6 tỉ đồng, đồng thời được doanh nghiệp đầu tư tiền tỉ - đây là những dự án đoạt giải mang hướng chuyển đổi số của sinh viên trường nghề tại Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp - Startup Kite.
Doanh nghiệp đặt hàng
Niềm vui nối tiếp niềm vui đối với nhóm sinh viên Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM khi dự án đạt giải nhì Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp - Startup Kite không chỉ được một doanh nghiệp đặt hàng 1.000 sản phẩm, mà còn được một doanh nghiệp khác đầu tư 1 tỉ đồng để tiếp tục phát triển và thương mại hóa sản phẩm.

Nhóm sinh viên Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM bên thiết bị Giải pháp giám sát điều khiển từ xa trạm viễn thông Smart Site


Đây là dự án Giải pháp giám sát điều khiển từ xa trạm viễn thông Smart Site, đạt giải nhì Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp - Startup Kite do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức, do Lâm Võ Hữu Duy, Nguyễn Lê Khải Hưng, Trần Trường An và Huỳnh Vĩnh Phúc thực hiện dưới sự hướng dẫn của tiến sĩ Châu Văn Bảo, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM.

Hiện trên thị trường cũng có một số sản phẩm tương tự nhưng nhóm tác giả cho biết sự khác biệt lớn nhất của Smart Site là sản phẩm có thể điều khiển và giám sát thông qua app trên điện thoại di động có cảnh báo bằng giọng nói, hình ảnh và camera xem trực tiếp. Smart Site còn điều khiển và giám sát nhiệt độ, mức tiêu thụ năng lượng của máy lạnh, kiểm tra giám sát bình ắc quy để nếu có sự cố mất điện thì trạm viễn thông sẽ chuyển qua nguồn dự phòng. Chưa kể hệ thống còn cảnh báo an ninh, nhiệt độ, độ ẩm, rò rỉ gas, báo cháy, đóng mở cửa, đóng mở đèn... và giá bán chỉ 6 triệu đồng, trong khi các thiết bị trên thị trường có giá từ 7 triệu đồng trở lên.

Nhóm sinh viên đạt giải nhất của Trường CĐ Công thương TP.HCM

Những sản phẩm “số” đầy hữu ích
Trong khi đó, dự án Máy đo huyết áp thông minh - GAC của nhóm sinh viên Phạm Ngô Xuân Hoàng Lộc, Vũ Thế Duyệt, Nguyễn Thị Cẩm Vân, Trần Văn Hiếu, Võ Hồ Xuân Sang với sự hướng dẫn của thạc sĩ Nguyễn Anh Tú, đạt giải nhất cuộc thi, đã khiến ban giám khảo và các doanh nghiệp bất ngờ vì các ưu điểm và tính năng vượt trội so với các dòng máy đi trước.

Nguyễn Thị Cẩm Vân cho biết: “Ý tưởng của dự án là tạo ra máy đo huyết áp và nhịp tim thông minh mới dựa trên các phiên bản đã có trên thị trường để phù hợp với thị hiếu người dùng. Máy này được thiết kế tinh gọn, giảm 50% trọng lượng so với máy đo huyết áp điện tử, tăng tính di động cho sản phẩm. Bên cạnh đó, máy cũng không sử dụng pin tiểu hay pin sạc giúp cắt giảm 100% chi phí vận hành và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhóm đã thay thế màn hình điện tử bằng cách tận dụng màn hình điện thoại sẵn có. Song, máy được sử dụng những linh kiện, cảm biến có chất lượng tương đương với các dòng máy nổi tiếng từ Omron hay Microlife. Điều này giúp đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy cho thiết bị. Đặc biệt, máy có giá thành chỉ bằng 25% so với các máy thông minh cùng chức năng trên thị trường”. Máy còn được cài đặt để có thể tự động thông báo cho người thân hoặc gọi 115 khi phát hiện dấu hiệu bất thường nghiêm trọng về sức khỏe.

Theo Hoàng Lộc, sản phẩm này đã được Shark Liên (giám khảo chương trình Thương vụ bạc tỉ) quyết định đầu tư 500 triệu đồng và ông Lê Viết Dũng Linh, Giám đốc Công ty TNHH kiểm toán Sao Việt, hỗ trợ 200 triệu đồng để nhóm hoàn thiện sản phẩm thương mại.

Nhiều dự án tiếp tục được đầu tư

Cuộc thi Startup Kite được phát động từ tháng 5.2022, ban tổ chức nhận được tổng cộng 1.512 ý tưởng, dự án. Tại lễ bế mạc chiều 27.11, ban tổ chức đã trao 37 giải, trong đó có 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 30 giải khuyến khích. Trong số các dự án đoạt giải, rất nhiều doanh nghiệp thấy tính khả thi cao nên đã đầu tư từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng để các nhóm phát triển và thương mại hóa sản phẩm.
Theo thanhnien.vn