Cập nhật ngày: 17/11/2022

 

Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp không chỉ bảo đảm nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động, mà còn giúp cơ sở đào tạo nâng cao vị thế, thu hút học viên. Học viên sau khi ra trường có tác phong công nghiệp phù hợp với thời đại 4.0, dễ tìm kiếm việc làm, doanh nghiệp không tốn kém chi phí đào tạo lại.

 

Theo TS.Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp cần tổng hòa của rất nhiều yếu tố.
Theo TS.Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp cần tổng hòa của rất nhiều yếu tố.

 

 

Đội ngũ giảng dạy đóng vai trò then chốt

Đội ngũ nhà giáo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là lực lượng chủ yếu và trực tiếp tham gia vào công tác nghiên cứu, giảng dạy, rèn luyện học sinh, sinh viên. Trong những năm qua, lực lượng này phát triển nhanh về số lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ kỹ năng nghề, từng bước được chuẩn hóa, đáp ứng với yêu cầu của từng giai đoạn phát triển.

Theo số liệu từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hiện cả nước có 1.909 cơ sở GDNN, trong đó có 399 trường cao đẳng, 458 trường trung cấp và 1.052 trung tâm với gần 84.000 giảng viên, giáo viên dạy nghề. Trong đó, có 37.235 giảng viên cao đẳng, 13.295 giáo viên trung cấp và 33.429 nhà giáo tại các trung tâm GDNN và các cơ sở khác có tham gia hoạt động GDNN. Hầu hết, đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm, trình độ đào tạo, chức danh nghề theo quy định (trong đó 31,7% có trình độ trên đại học, 60,1% có trình độ đại học, cao đẳng hoặc cao đẳng nghề và 8,2% có trình độ trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề). Khoảng 70% nhà giáo đạt chuẩn trình độ kỹ năng nghề để dạy thực hành.

Bên cạnh những cơ sở GDNN bảo đảm tốt về chất lượng đào tạo, vẫn còn tồn tại những cơ sở thiếu hụt đội ngũ giảng dạy có trình độ kỹ năng nghề cao, đặc biệt ở các ngành nghề chuyển giao cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN. Ngoài ra, năng lực quản lý, quản trị và trình độ đào tạo của nhiều cán bộ trong các trường trung cấp, trung tâm GDNN còn bất cập, chưa chuyên nghiệp, chưa thích ứng với sự thay đổi của khoa học - công nghệ và xu hướng hội nhập quốc tế.

Chính vì vậy, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở GDNN cần phải được đổi mới một cách toàn diện, nhằm thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 


Nâng cao chất lượng giảng dạy tại các cơ sở GDNN, góp phần đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội.

 

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Theo Ts.Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, để nâng cao chất lượng GDNN, ngoài các yếu tố như đầu vào, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất trang thiết bị, quản trị nhà trường thì đội ngũ nhà giáo đóng vai trò then chốt, quyết định.

Nhận thức được điều này, trong chiến lược phát triển dạy nghề với 9 giải pháp, thì giải pháp phát triển đội ngũ nhà giáo đóng vai trò trọng tâm. Theo đó, đội ngũ nhà giáo GDNN cần được sắp xếp lại theo hướng tăng quy mô, có cơ cấu cân đối và đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Trong thời gian qua, Tổng cục GDNN đã được nhiều tổ chức quốc tế hỗ trợ, giúp đỡ về việc đổi mới phương pháp giảng dạy trong các cơ sở GDNN theo phương pháp tiếp cận năng lực. Thời gian tới, Tổng cục GDNN sẽ tích cực phối hợp với các ban ngành chức năng, các cơ sở đào tạo để đẩy mạnh đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo, cập nhật những kỹ năng mới cho giáo viên, sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đồng quan điểm với ông Dũng, nhiều chuyên gia về lĩnh vực GDNN cho rằng, cần đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các chương trình, phương thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho nhà giáo tại các cơ sở GDNN. Đặc biệt là nhà giáo giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm cấp độ ASEAN, quốc tế. Thực hiện công nhận kỹ năng, trình độ đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ ở ngành nghề khác chuyển sang làm giáo viên, giảng viên trong các trường cao đẳng. Phát triển mạnh đội ngũ nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề đủ năng lực tham gia đào tạo. Triển khai hiệu quả các cộng đồng, mạng lưới kết nối đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia và người dạy nghề trong các cơ sở GDNN. Thực hiện liên kết, liên thông trong đào tạo... nhằm đào tạo và cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực có chất lượng, góp phần hoàn thành sứ mệnh đào tạo đạt chuẩn, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó cần chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý tại các cơ sở GDNN theo hướng chú trọng kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại, đổi mới sáng tạo, kỹ năng số, trình độ ngoại ngữ. Phát triển nhanh và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm định, bảo đảm chất lượng, đội ngũ thanh tra, cộng tác viên thanh tra chuyên ngành. Định kỳ, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ này.

Theo baodantoc.vn