Cập nhật ngày: 08/11/2022

 Các mô hình của tác giả, nhóm tác giả dự thi Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII được sử dụng trong giảng dạy, làm tăng tính trực quan, giúp nguời học nhanh chóng tiếp thu được kiến thức và hình thành kỹ năng nghề...

Thiết bị đào tạo tự làm tại Hội thi lần thứ VII.
Thiết bị đào tạo tự làm tại Hội thi lần thứ VII.

Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII năm 2022 được tổ chức từ ngày 10 - 14/10/2022 tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã mang đến nhiều thiết bị tự làm, được ứng dụng thiết thực trong thực tiễn.

ĐA DẠNG NHÓM NGHỀ ĐÀO TẠO

Theo Ban tổ chức, các thiết bị đăng ký dự hội thi tập trung ở 4 nhóm nghề: Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông, với 177 thiết bị, chiếm 46%; công nghệ kỹ thuật cơ khí 98 thiết bị, chiếm 26%; máy tính và công nghệ thông tin 30 thiết bị, chiếm 8%; tổng hợp 76 thiết bị, chiếm 20% (gồm thiết bị của các nghề: Y tế, xử lý nước thải; nuôi trồng thủy sản; thú y, kỹ thuật xây dựng; điêu khắc; du lịch, khách sạn, nhà hàng; sản xuất chế biến)…

Hội thi là cơ hội để đội ngũ cán bộ, nhà giáo, học sinh và sinh viên phát huy tiềm năng trí tuệ, sức sáng tạo trong việc chế tạo nên các thiết bị đào tạo có chất lượng phù hợp với chương trình đào tạo, sát với thực tế sản xuất để ứng dụng vào dạy và học, đồng thời tiết kiệm kinh phí đầu tư mua sắm thiết bị.

Theo ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong thời gian diễn ra Hội thi, 191 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc đã đem đến những thiết bị đào tạo tự làm tốt nhất, được kết tinh từ tài năng, trí tuệ và sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ, nhà giáo trong phong trào cải tiến, sáng chế tự làm thiết bị đào tạo vì sự phát triển của hệ thống giáo dục nghề nghiệp nước nhà.

Tham gia Hội thi lần thứ VII, có 381 thiết bị đến từ 191 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước, tăng gần 10% so với số thiết bị ở hội thi trước. Hội thi lần này đã có chuyển biến tích cực về chất lượng, phong phú về nhóm nghề đào tạo và đa dạng về thể loại thiết bị, từ đồ dùng, mô hình dạy học đơn giản đến các thiết bị ứng dụng công nghệ kỹ thuật vi xử lý, lập trình phức tạp, công nghệ AI, công nghệ IoT.

Qua kiểm nghiệm thực tế trong quá trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về tính sư phạm, các thiết bị đem đến Hội thi toàn quốc lần thứ VII trở thành những phương tiện giảng dạy hữu ích, giúp các thầy cô giáo thể hiện hiệu quả các phương pháp dạy học.

Việc tổ chức dạy trên các mô hình, thiết bị dàn trải của các tác giả, nhóm tác giả dự thi là sự kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học và khả năng sử dụng phương tiện dạy học làm tăng tính trực quan, giúp nguời học nhanh chóng tiếp thu được kiến thức và hình thành kỹ năng nghề, đồng thời tạo nên hứng thú cho người dạy và người học, trực quan hóa trong quá trình giảng dạy.

Điển hình như: “Mô hình Máy ép nhựa mini, nhóm tác giả Nguyễn Thanh Thảo và các tác giả của Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu; Mô hình điều khiển phun xăng điện tử của tác giả Trần Thành Toàn và các tác giả, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp; Mô hình dây truyền sản xuất sử dụng cánh tay robot, tác giả Đỗ Việt Dũng và tác giả Trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An”.

Điểm nổi bật là hầu hết các thiết bị dự thi đều sử dụng các vật tư dễ tìm, kết hợp với sự sáng tạo của các thầy cô giáo trong việc ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình thiết kế, sản xuất thiết bị đào tạo.

CÓ CHẾ PHÙ HỢP THÚC ĐẨY TỰ SẢN XUẤT THIẾT BỊ ĐÀO TẠO

Cũng theo Ban tổ chức, năm nay ngoài hoạt động chính của Hội thi, còn có một số hoạt động đã được tổ chức tại địa điểm tổ chức Hội thi như trưng bày và giới thiệu sản phẩm của một số doanh nghiệp chuyên sản xuất, cung ứng thiết bị đào tạo, tạo cơ hội cho các nhà quản lý, các cơ sở đào tạo, giáo viên trên toàn quốc có dịp được tiếp cận, có thể xem xét và lựa chọn trang thiết bị đào tạo phù hợp với chương trình đào tạo của cơ sở.

Nhiều mô hình, sản phẩm có tính ứng dụng cao. 
Nhiều mô hình, sản phẩm có tính ứng dụng cao. 

Hội thi đã lựa chọn 150 thiết bị đạt giải cá nhân, gồm 30 thiết bị đạt giải Nhất; 45 thiết bị đạt giải Nhì; 75 thiết bị đạt giải Ba. Ban Tổ chức cũng lựa chọn 6 đoàn đạt giải tập thể gồm: Giải Nhất cho đoàn TP. HCM; 2 giải Nhì cho đoàn TP. Hà Nội và Vĩnh Phúc; 3 giải Ba cho đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hải Phòng, tỉnh Tiền Giang.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Đỗ Năng Khánh khẳng định rằng Ban tổ chức Hội thi sẽ hoàn thiện dữ liệu hình ảnh về Hội thi và làm đầu mối cung cấp các địa chỉ của các tác giả, các nhóm tác giả có thiết bị đạt kết quả cao để giới thiệu cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác đến trao đổi kinh nghiệm và hợp tác.

Trong thời gian tới, ngành giáo dục nghề nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy phong trào thi đua nghiên cứu, sáng tạo để tạo ra các thiết bị đào tạo và để hoạt động này thực sự trở thành công việc thường xuyên trong hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, đề xuất hàng năm dành một phần kinh phí để hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc tự sản xuất thiết bị đào tạo và định kỳ sẽ tổ chức các hoạt động để động viên, tôn vinh các tác giả đã đạt giải nhằm phát huy, sử dụng thật tốt các thiết bị đào tạo tự làm có giá trị.