Cập nhật ngày: 24/10/2022

ừ hơn 1.512 ý tưởng tham gia, ban tổ chức đã lựa chọn ra 206 dự án để tham gia vòng bán kết cuộc thi khởi nghiệp quốc gia dành cho học sinh, sinh viên (HSSV) giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Chiều 22/10, Tổng cục GDNN (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) tổ chức khai mạc vòng bán kết cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp HSSV GDNN - Startup Kite 2022 tại trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TPHCM.

Phát biểu tại đây, ông Phạm Ngọc Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV (Tổng cục GDNN), cho biết: "Sau hơn 3 tháng phát động, vòng sơ tuyển diễn ra sôi nổi với 1.512 ý tưởng, dự án của các em học sinh, sinh viên (HSSV). 206 dự án thuộc 57 cơ sở GDNN tại 30 tỉnh, thành phố được lựa chọn vào vòng bán kết".

 Hơn 200 dự án tranh tài ở vòng bán kết cuộc thi khởi nghiệp quốc gia - 1

 Ông Phạm Ngọc Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV, phát biểu khai mạc vòng bán kết Startup Kite 2022 (Ảnh: Tùng Nguyên).

Theo ông Phạm Ngọc Thắng, tiêu chí chấm điểm của cuộc thi khởi nghiệp quốc gia dành cho HSSV GDNN năm nay bao gồm: Tính mới, sáng tạo; tính khả thi và cạnh tranh; tính chuyên môn, ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật; thể thức trình bày, hình thức thuyết trình và phản biện; tính hiệu quả kinh tế - xã hội và ứng dụng thực tế.

Ban tổ chức mời các chuyên gia, doanh nhân thành đạt, có uy tín, kiến thức và kinh nghiệm khởi nghiệp làm ban giám khảo. Họ không chỉ chấm điểm mà còn có thể lựa chọn đầu tư, đồng hành với các em HSSV trong suốt quá trình dự thi.

Đại diện đơn vị đăng cai tổ chức, Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TPHCM, đề nghị các em HSSV bình tĩnh, tự tin, chuẩn bị các nội dung chi tiết để trình bày thật tốt dự án ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của mình.

Theo ban tổ chức, vòng bán kết cuộc thi năm 2022 được tổ chức bằng hình thức trực tuyến từ ngày 22/10 đến ngày 26/10 tại TPHCM. Các nhóm dự thi sẽ trình bày ý tưởng, dự án của mình trước ban giám khảo, trả lời trực tiếp các câu hỏi mà ban giám khảo đặt ra xung quanh dự án của mình.

Ngay trong chiều 22/10, ban giám khảo đã chấm điểm một số dự án đầu tiên. Có nhiều dự án được đánh giá rất cao về tính khả thi, hiệu quả như dự án Smart Site - Giải pháp giám sát điều khiển từ xa trạm viễn thông (Cao đẳng Lý Tự Trọng TPHCM), OCM - Thiết bị xử lý rác hữu cơ (Cao đẳng Công thương TPHCM)…

Các sản phẩm, dự án này đều được đánh giá có thể thương mại hóa, tính cạnh tranh rất cao so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Khi sản phẩm hoàn thiện, SV hoàn toàn có thể đưa ra thị trường, áp dụng để kinh doanh.

  

SV Cao đẳng Lý Tự Trọng TPHCM trình bày về thiết bị giám sát điều khiển từ xa trạm viễn thông (Ảnh: Tùng Nguyên).

Theo ông Phạm Ngọc Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV, trong giai đoạn trước đây, đối với các cơ sở GDNN thì đa phần HSSV chỉ quan tâm đến việc rèn luyện kỹ năng để ra trường tìm được việc làm phù hợp. Nhưng gần đây, suy nghĩ của HSSV có nhiều thay đổi, một số bạn bắt đầu nghĩ đến việc tạo dựng sự nghiệp riêng sau khi tốt nghiệp từ chính kiến thức học ở nhà trường.

Phó Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng vì sản xuất, kinh doanh thời nào cũng là hoạt động quan trọng bậc nhất của quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ khuyến khích giới trẻ khởi nghiệp, thúc đẩy Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp.

Theo https://dantri.com.vn/