Cập nhật ngày: 18/10/2022

 Ngoài giải Nhất toàn đoàn thuộc về TP. Hồ Chí Minh, 2 giải Nhì được trao cho Đoàn TP. Hà Nội và  tỉnh Vĩnh Phúc. 3 giải Ba thuộc về đoàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đoàn TP. Hải Phòng và đoàn tỉnh Tiền Giang.

Sau 5 ngày làm việc, Ban tổ chức Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm lần thứ VII, 2022 đã lựa chọn 150 thiết bị đạt giải cá nhân. Trong đó, 30 thiết bị đạt giải nhất, 45 thiết bị đạt giải nhì, 75 thiết bị đạt giải ba.

Về giải toàn đoàn, Ban Tổ chức đã lựa chọn 06 đoàn đạt giải tập thể, gồm: 1 Giải Nhất, 2 Giải Nhì và 3 Giải Ba.

TP. Hồ Chí Minh đạt giải Nhất toàn đoàn. 2 giải Nhì được trao cho đoàn TP. Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc. 3 giải Ba thuộc về đoàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đoàn TP. Hải Phòng và đoàn tỉnh Tiền Giang.

Hội thi lần thứ VII, năm 2022 có 57/63 địa phương tham gia. Tổng số thiết bị dự thi là 381 thiết bị đến từ 191 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước, so với Hội thi trước số thiết bị đã tăng gần  10%.

 

Ban tổ chức Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm lần thứ VII năm 2022 đã lựa chọn 150 thiết bị đạt giải cá nhân

Phát biểu tổng kết Hội thi, ông Đỗ Năng Khánh – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đánh giá, Hội thi năm nay đã có chuyển biến tích cực về chất lượng, phong phú về nhóm nghề đào tạo và đa dạng về thể loại thiết bị, từ đồ dùng, mô hình dạy học đơn giản đến các thiết bị ứng dụng công nghệ kỹ thuật vi xử lý, lập trình phức tạp, công nghệ AI, công nghệ IoT.

Điều này thể hiện tài năng sáng tạo và việc quan tâm đầu tư cho công tác nghiên cứu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và của các cơ quan quản lý. Thiết bị đào tạo tự làm đã thực sự trở thành cầu nối giữa thực tiễn khoa học và đào tạo, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong các cơ sở đào tạo.

Các thiết bị đem đến Hội thi toàn quốc lần thứ VII thực sự trở thành những phương tiện giảng dạy hữu ích, giúp các thầy cô giáo thể hiện hiệu quả các phương pháp dạy học. Việc tổ chức dạy trên các mô hình, thiết bị của các tác giả, nhóm tác giả dự thi là sự kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học và khả năng sử dụng phương tiện dạy học làm tăng tính trực quan, giúp nguời học nhanh chóng tiếp thu được kiến thức và hình thành kỹ năng nghề, đồng thời tạo nên hứng thú cho người dạy và người học, trực quan hóa trong quá trình giảng dạy, điển hình như Mô hình Máy ép nhựa mini; Mô hình điều khiển phun xăng điện tử; Mô hình dây chuyền sản xuất sử dụng cánh tay robot.

Ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN

Điểm nổi bật là hầu hết các thiết bị dự thi đều sử dụng các vật tư dễ tìm, kết hợp với sự sáng tạo của các thầy cô giáo trong việc ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình thiết kế, sản xuất thiết bị đào tạo. Điều này đem đến tính khả thi cao trong việc nhân rộng kết quả tự làm thiết bị, nâng cao chất lượng và khả năng ứng dụng của thiết bị; tăng hiệu quả sử dụng cũng như hiệu quả kinh tế trong việc đầu tư trang thiết bị đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, điển hình như mô hình Đào tạo internet vạn vật (IoT); Mô hình Bàn gá thực hành hàn đa năng...

Năm nay, các tác giả, nhóm tác giả dự thi đã quan tâm đến tính thẩm mỹ và kinh tế của thiết bị, nhiều thiết bị đã thể hiện xu hướng "tích hợp" các thiết bị, các mô hình và xu hướng kết hợp sử dụng cho nhiều nghề trên một "thiết bị" hay "mô hình", đây là xu thế phát triển thiết bị đào tạo trên thế giới, làm tăng hiệu quả sử dụng của thiết bị.

“Các thầy giáo, cô giáo đã sáng tạo không chỉ trong việc sản xuất thiết bị, mà còn sáng tạo cả trong việc vận dụng các phương pháp giảng dạy trên các phương tiện dạy học có tính linh hoạt cao”.

Điển hình như “Mô hình dây chuyền chế biến khô thủy sản; Mô hình thực hành PLC – Mạng truyền thông công nghiệp; Mô hình thực tập hệ thống chiếu sáng, tín hiệu trên ô tô có hỗ trợ chấm điểm số tự động.

Tác giả đạt giải nhì tại Hội thi

Ông Khánh đánh giá, nhiều thiết bị tham dự Hội thi được đánh giá đạt tiêu chuẩn của một "sản phẩm" theo đúng nghĩa sản phẩm thương mại có thể sản xuất đại trà và bán ra thị trường, như Mô hình hướng dẫn thực hành phù điêu chân dung (cụ Nguyễn Sinh Sắc); Mô hình lắp ráp điều khiển hệ thống lạnh công nghiệp.

Ông Đỗ Năng Khánh cũng thẳng thắn, tại Hội thi còn một số vấn đề cần khắc phục như 6 địa phương chưa có thiết bị tham gia ở Hội thi lần này. Số lượng thiết bị, số lượng ngành, nghề có thiết bị dự thi đã tăng gần 10% so với Hội thi trước nhưng vẫn chưa đáng kể so với tổng số ngành, nghề đào tạo hiện nay.

Tác giả nhận giải ba

Các tác giả được vinh danh tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII, 2022

Cùng với đó, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa tổ chức được phong trào tự làm thiết bị đào tạo, gắn kết với hoạt động chuyên môn nhằm khuyến khích các thầy giáo, cô giáo và các em HSSV nâng cao kĩ năng nghề và chất lượng đào tạo, tiết kiệm chi phí đào tạo.

Hệ thống tiêu chí đánh giá và thang điểm mặc dù đã được cải tiến để đảm bảo tính chính xác, khách quan trong việc đánh giá nhưng vẫn còn một số chỉ số trong tiêu chí còn mang tính định tính.

Thay mặt Ban Tổ chức Hội thi, ông Khánh khẳng định sẽ hoàn thiện dữ liệu hình ảnh về Hội thi và làm đầu mối cung cấp các địa chỉ của các tác giả, các nhóm tác giả có thiết bị đạt kết quả cao để giới thiệu cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác đến trao đổi kinh nghiệm và hợp tác.

Trong thời gian tới ngành giáo dục nghề nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy phong trào thi đua nghiên cứu, sáng tạo để tạo ra các thiết bị đào tạo và để hoạt động này thực sự trở thành công việc thường xuyên trong hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, đề xuất hàng năm dành một phần kinh phí để hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc tự sản xuất thiết bị đào tạo và định kỳ sẽ tổ chức các hoạt động để động viên, tôn vinh các tác giả đã đạt giải nhằm phát huy, sử dụng thật tốt các thiết bị đào tạo tự làm có giá trị.

 

 Theo vov2.vov.vn