Cập nhật ngày: 14/10/2022

 

Tại Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII, Trường CĐ Điện lực Miền Trung (Quảng Nam) khiến ban giám khảo “rung chấn” với trải nghiệm xem phim 4D từ Bộ thiết bị đào tạo lập trình IoT.

Mô hình lập trình điều khiển sử dụng mã nguồn mở kết hợp với thực tế ảo xây dựng “Bộ thiết bị đào tạo lập trình IoT” để sinh viên có thể lập trình, điều khiển và trải nghiệm thành quả sau khi thực hành. Giúp người học dễ dàng ghi nhớ những kiến thức lập trình cơ bản để có thể ứng dụng và phát triển sau khi ra trường.

Trưởng nhóm Hồ Văn Vinh, Phòng quản lý khoa học và quan hệ quốc tế trường CĐ Điện lực miền Trung cho biết, “Bộ thiết bị đào tạo lập trình IoT” được ứng dụng trong đào tạo nghề, nhằm rèn luyện kỹ năng thực hành lập trình, điều khiển cho người học nghề trình độ Trung cấp, Cao đẳng các nghề Công nghiệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông; Điện công nghiệp...

Bộ thiết bị gồm các module: lập trình căn bản về Arduino, lập trình với giao diện kéo thả trực quan bằng Node Red; lập trình điều khiển thông qua các giao thức TCP/IP, UDP; tổng quan hệ thống truyền động bằng khí nén; tự lập trình điều khiển chuyển động hệ thống khí nén 2 bậc tự do Đào tạo về điều khiển từ xa qua wifi;  Giới thiệu về nguyên lý hoạt động của kính thực tế ảo VR.

Theo ông Vinh, thiết bị ngoài ứng dụng dạy học còn có thể quảng bá tuyển sinh, thông qua các sự kiện, ngày hội công nghệ trong và ngoài ngành thông qua hệ thống ghế xem phim và kính thực tế ảo VR.

 Tại Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII, ban giám khảo đã “rung chấn” với ghế trải nghiệm xem phim 4D từ Bộ thiết bị đào tạo lập trình IoT.

Cụ thể, ghế trải nghiệm xem phim 4D đã được lập trình, theo đó người trải nghiệm được xem những đoạn video khác nhau. Trong hội thi, Trường CĐ Điện lực miền Trung sử dụng video giới thiệu về trường. Khi ngồi vào vị trí ghế xem phim 4D, đeo kính thực tế ảo VR, người trải nghiệm sẽ được tham quan toàn cảnh về trường trên trực thăng, sau đó trải nghiệm hệ thống tàu lượn ảo trong vòng 3 phút.

“Hệ thống ghế này giúp sinh viên học module lập trình khác nhau, ví dụ học lập cảm biến công suất, học nâng cao lập trình điều khiển hệ thống píton. Còn kính VR giúp sinh viên học lập trình trải nghiệm nhiều hơn. Sau khi sinh viên học xong có thể tự xây dựng giải pháp nhà thông minh cho khách hàng”, ông Vinh cho biết về tính ứng dụng của thiết bị.

Bộ thiết bị đào tạo lập trình IoT

Bộ thiết bị đào tạo lập trình IoT này đã được Trường CĐ Điện lực miền Trung đưa vào ứng dụng từ đầu năm 2021. Thiết bị cũng đã tham gia ngày hội Teshfest 2022 Quảng Nam với hơn 2400 lượt trải nghiệm/4 ngày. Được thiết kế nhỏ gọn, linh hoạt dễ vận chuyển, thiết bị có thể trở thành bộ kit test khi triển khai hệ thống IOT trong thực tế.

Ông Vinh cho biết, trước đây nhà trường chỉ có 1 bộ thiết bị. Hiện, bộ thiết bị đưa đến hội thi là thiết bị đào tạo tự làm thứ 2 đã được nâng cấp, phát triển. “Nếu như bộ thiết bị đầu tiên chỉ có những cảm biến về nhiệt độ, điều khiển hệ thống ghế, lập trình bài học căn bản, nhận biết bo mạch, bật tắt đèn led... thì bộ thứ 2 tích hợp hầu hết cảm biến thông dụng về IoT.

Được chế tạo và gia công trong vòng 3 tháng, bộ thiết bị đào tạo lập trình IoT có tổng kinh phí 50 triệu đồng. Theo trưởng nhóm Hồ Văn Vinh, nếu mua ngoài thị trường 2 module lập trình 150 triệu đồng/khối, 2 khối 300 triệu đồng, riêng ghế là trên 100 triệu đồng. Do đó, ghế trải nghiệm xem phim 4D ứng dụng từ bộ thiết bị là một khoản tiết kiệm đáng kể./.

 

 Theo vov2,vov,vn