Cập nhật ngày: 13/10/2022

Mỗi mô hình tham dự Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc là tâm huyết, ý tưởng sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học của các giảng viên trường CD Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa- Vũng Tàu, đơn vị chủ nhà đăng cai tổ chức Hội thi. Những thiết bị tự làm của các giảng viên nhà trường gây ấn tượng khi tích hợp, ứng dụng nhiều công nghệ thông minh, giúp người học tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả, cũng như tiết kiệm vật tư, chi phí khi thực hành kỹ năng nghề nghiệp.

Tiết kiệm hơn với mô hình máy ép nhựa mini

Trong quá trình đào tạo nghề Chế tạo khuôn mẫu, các thiết bị thực hành của trường như: Thiết kế khuôn, công nghệ gia công khuôn, gia công lắp ráp khuôn, vận hành máy ép nhựa…, còn thiếu thốn về số lượng, vận hành phức tạp, khi xảy ra lỗi mất nhiều thời gian, tiền bạc để sửa chữa và ảnh hưởng tới học sinh khi làm quen máy.

Mô hình máy ép nhựa mini có khả năng ứng dụng linh hoạt trong giảng dạy.

Hơn nữa, máy đòi hỏi các bộ khuôn lớn, nặng gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến an toàn cho người vận hành. Kiến thức các em tiếp thu trên lớp chỉ mang tính lý thuyết, chưa thực sự tạo động lực, hứng khởi tiếp thu, gây chán nản… Vì đến gần kết thúc ra trường, các em mới có đủ lượng kiến thức kỹ năng để thực hành trên máy lớn, đôi khi các em thực hành vẫn còn thiếu tự tin.

Nhận thấy những bất cập trên, nhóm tác giả là các nhà giáo: Nguyễn Thanh Thảo, Đoàn Trung Tắng, Trần Bình Minh, Trần Quốc Tuấn đã đến trực tiếp tham quan hệ thống máy móc sản xuất của doanh nghiệp, căn cứ vào chương trình đào tạo nghề Chế tạo khuôn mẫu để lên ý tưởng thiết kế và thực hiện gia công “Mô hình máy ép nhựa mini”, nhằm giúp việc giảng dạy, học tập các tiêu chuẩn năng lực kỹ năng nghề Chế tạo khuôn mẫu đạt hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Tính ưu việt của mô hình này chính là ứng dụng thiết thực với người học, bởi công nghệ tự động đang được sử dụng rộng rãi trên thị trường hiện nay; có khả năng giảng dạy được các bài tập về thiết kế khuôn, công nghệ chế tạo khuôn mẫu, vận hành máy ép nhựa, trong khi các thiết bị hiện có của nhà trường chưa đáp ứng đủ số lượng để thực hiện các bài tập này.

Mô hình có khả năng ứng dụng linh hoạt trong giảng dạy cho học viên mới, tập làm quen với công việc thiết kế và gia công khuôn. Hệ thống kẹp khuôn, ép phun của thiết bị tương tự máy ép phun trong thực tế, nhưng có thể linh hoạt tháo lắp, sử dụng nhiều bộ khuôn với nhiều sản phẩm ép khác nhau thuận lợi nhất. Thiết bị cũng rèn luyện được kỹ năng thiết kế khuôn sản phẩm ép, lắp đặt khuôn và vận hành máy ép, thuận tiện cho giáo viên khi giảng dạy. Học sinh, sinh viên học trên thiết bị này rất hứng thú, có khả năng ứng dụng các bài tập vào trong thực tế.

Hứng thú với mô hình quản lý mạng thông minh

Nhận thấy việc tiếp cận thực tế là vô cùng quan trọng trong đào tạo nghề, nhóm tác giả là giảng viên Phạm Đình Thịnh, đồng tác giả Bùi Văn Vinh, Nguyễn Bá Thủy, Lê Viết Huấn, Lại Văn Duy đã thiết kế “Mô hình quản lý mạng thông minh” cho học sinh, sinh viên ngành Công nghệ thông tin.

Mô hình quản lý mạng thông minh có nhiều tính năng vượt trội giúp người học dễ tiếp thu và thực hành trực tiếp trên mô hình đem lại hiệu quả tức thì cho người học.

Thực tế cho thấy, sau mỗi giờ học lý thuyết, đòi hỏi học sinh phải được thực hành trên hệ thống thật nên việc giảng dạy và thực hành trên các máy ảo, học sinh tiếp thu một cách thụ động, khó hình dung ra mô hình mạng thực tế. Bởi vậy, mô hình dạy nghề quản lý mạng cho học sinh thực hành còn hạn chế, bởi kinh phí cao. Khi học sinh, sinh viên ra trường khó đáp ứng được  yêu cầu của nhà tuyển dụng vì phải có thời gian làm quen với trang thiết bị thực tế.

Khắc phục hạn chế trên, Mô hình quản lý mạng thông minh với những tính năng vượt trội bởi phương thức truyền đạt dễ hiểu, người học được thực hành trực tiếp trên mô hình, từ đó tạo ra hứng thú và mang lại hiệu quả tức thì cho người học. Qua đó, người học được lĩnh hội tối đa kiến thức trong quá trình dạy và học.

Mô hình này được áp dụng trong cả học lý thuyết và thực hành, tích hợp một số mô- đun môn học trong chương trình đào tạo. Mô hình được thiết kế phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, hướng đến nền tảng CMCN 4.0. Đặc biệt, thiết kế khoa học, nhỏ gọn, dễ di chuyển, dễ tháo lắp, giảm kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị cho nhà trường.

Bước đột phá Mô hình tủ ủ bột vi sinh

Ủ bột là một quá trình vô cùng quan trọng trong kỹ thuật làm bánh, ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc của thành phẩm, hình dáng và chất lượng của sản phẩm. Những phương pháp ủ bột truyền thống như ủ nóng, ủ bằng hơi nước còn nhiều hạn chế, cần người làm bánh phải có nhiều kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các loại bánh khác nhau…

Tủ ủ bột vi sinh có thể sử dụng hầu hết các bài học dạy về các món bánh liên quan đến ủ bột của tất cả các mô-đun làm bánh.

Để giảm bớt gánh nặng cho đầu bếp, cũng như kiểm soát các quy trình, phương pháp ủ bột hiệu quả, nhóm tác giả là các giáo viên Lê Văn Mai, Trương Thiện Quân, Đặng Thị Cương, Phan Văn Mẫn nhóm nghề Chế biến thực phẩm, Kỹ thuật chế biến món ăn đã nghiên cứu, cải tiến thiết bị tủ ủ bột hiện có trong nhà thành thiết bị tủ ủ bột vi sinh.

Với thiết bị này, người học có thể chủ động quan sát và xác định được thời điểm kết thúc của quá trình ủ bột trong quá trình học nghề làm bánh trở nên chính xác, chuyên nghiệp. Thiết bị này rất hữu ích, có thể sử dụng hầu hết các bài học dạy về các món bánh liên quan đến ủ bột của tất cả các mô-đun làm bánh.

Đây còn là thiết bị ứng dụng công nghệ tự động hóa, nhằm hỗ trợ và nâng cao năng suất cho người sử dụng trong quá trình đào tạo cũng như làm việc. Chẳng hạn, liên quan đến kỹ thuật làm bánh nướng, bánh Âu, bánh mỳ… Trong mỗi bài học cụ thể, trên nền tảng thiết bị và phương pháp ủ bột vi sinh này, giáo viên hướng dẫn các học viên thực hiện thiết lập các thông số như nhiệt độ, thời gian hay các chế độ cho các món bánh được chế biến theo ý tùy chỉnh

Tham dự hội thi thiết bị đào tạo tự làm lần thứ 7- 2022, đơn vị “chủ nhà” tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đóng góp 11/381 thiết bị dự thi. Trong đó có 8 thiết bị của trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu, 1 thiết bị của Cao đẳng Du lịch, 1 thiết bị của trường Trung cấp Giao thông Vận tải và 1 thiết bị của Công ty Ccổ phần Đào tạo kỹ thuật miền Nam.

8 thiết bị đào tạo tự làm của Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu, đơn vị trực tiếp đăng cai tổ chức làvới những mô hình đa dạng, phong phú, bao gồm: Mô hình máy ép nhựa mini; Mô hình hệ thống cấp phôi, gia công và phân loại sản phẩm; Mô hình hệ thống quản lý kho hàng tự động; Mô hình hệ thống chiếu sáng tự động trên ô tô; Mô hình khung nhà công nghiệp; Mô hình quản lý mạng thông minh; Tủ ủ bột vi sinh; Mô hình ô tô điện.

Dưới đây là một số mô hình thiết bị khác của các nhà giáo trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa- Vũng Tàu tham dự Hội thi:

Mô hình hệ thống quản lý kho hàng tự động.
Mô hình quản lý kho hàng tự động.
Mô hình khung nhà công nghiệp.
Mô hình hệ thống cấp phôi, gia công và phân loại sản phẩm.
Mô hình ô tô điện.

Theo nghenghiepcuocsong.vn