Cập nhật ngày: 14/09/2022

 Gặp Nguyễn Đức Ngọc Duy vào đợt nhập học năm 2021, khi em làm thủ tục để học hệ trung cấp nghề Vận hành điện. Tôi có ấn tượng không phải thứ gì khác mà là với đôi nạng em mang theo. Duy bị khuyết tật vận động (mất 1/2 chân) vì căn bệnh ung thư xương cách đây 3 năm.

Tuổi mới lớn, học xa gia đình hơn nữa bị khuyết tật vận động thì những khó khăn là điều không tránh khỏi, từ sinh hoạt đến học tập và Ngọc Duy không phải ngoại lệ. Việc chủ động tiếp cận với mục tiêu học nghề sớm giúp em hòa nhập tốt hơn. Bù lại cho khiếm khuyết vận động là khả năng tiếp thu nhanh kiến thức lý thuyết, thực hành, sự kiên trì, ham học hỏi là các yếu tố mà các thầy, cô đánh giá cao ở em.

Khi được hỏi vì sao lại chọn con đường học nghề thì Duy chân thành nói rằng là do không đủ năng lực để tiếp tục học lên bậc THPT, ngoài ra là mong muốn có một nghề ổn định, sớm được tham gia lao động, có thu nhập và tự chủ phần nào cuộc sống sau này.

 Chưa biết những dự định đó sẽ như thế nào nhưng bằng quan sát, thầy cô và bạn bè đều cảm nhận rằng sự nỗ lực ấy vẫn bền bỉ, đã, đang được chứng minh qua các tiết học đều đặn trên lớp và ở xưởng thực hành.

Nguyễn Đức Ngọc Duy tham gia Hội chợ việc làm “Chúng Tôi cần bạn” trong Dự án Hòa nhập 2. Ảnh: Hữu Thọ (KTCC)

Đào tạo nghề cho người khuyết tật

Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, tính đến cuối năm 2020, cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật; Khoảng 62% trong độ tuổi lao động (15- 60 tuổi); Trong tổng số người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên chỉ có khoảng 5% đã được qua đào tạo nghề, trong đó có 57% đào tạo trình độ sơ cấp nghề, khoảng 27% có trình độ trung cấp nghề, 16% có trình độ cao đẳng, đại học. Số người khuyết tật chưa qua đào tạo nghề chiếm khoảng 95%.

Phát biểu tại hội nghị “Bồi dưỡng giáo viên/giảng viên hỗ trợ sinh viên khuyết tật trong giáo dục nghề nghiệp” tổ chức ngày 31/5/2022, ông Ciaran Chestnutt, Phó Tổng Lãnh sự Australia tại TPHCM, cho biết: "Theo một cuộc khảo sát gần đây, 93% người khuyết tật ở Việt Nam không được giáo dục nghề nghiệp chính thức. 68% người khuyết tật trên 15 tuổi hiện không có việc làm. Việc chưa thể thu hút người khuyết tật tham gia thị trường lao động và phát huy hết tiềm năng của họ khiến Việt Nam mất đi khoảng 3% GDP".

Trường CĐCĐ Kon Tum trong những năm qua bên cạnh công tác tuyển sinh đào tạo cho các đối tượng nói chung thì vẫn có những trường hợp người học thuộc diện người khuyết tật. Tuy nhiên con số tham gia học nghề còn khá khiêm tốn.  

Nguyễn Đức Ngọc Duy thực hành nghề tại KTCC. Ảnh: Mạnh Tuấn

Lý giải cho số lượng người khuyết tật tham gia học nghề còn ít thì có rất nhiều lý do, cả về khách quan lẫn chủ quan.

Về khách quan có thể thấy rằng: Nhận thức của xã hội về học nghề nói chung và học nghề đối với người khuyết tật nói riêng vẫn đang còn nhiều hạn chế. Bên cạnh rào cản về nhận thức thì việc lựa chọn một ngành, nghề phù hợp với tình trạng, mức độ khuyết tật cũng không phải là chuyện dễ; Quá trình học cũng là một thách thức khi không phải người khuyết tật nào cũng có thể theo hết trọn vẹn chương trình đào tạo đặc biệt là các môn học thực hành; Tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp là một bài toán khác mà người khuyết tật phải tìm được lời giải khi chưa có một chính sách nào bắt buộc các doanh nghiệp phải tiếp nhận đối tượng này, cơ hội cạnh tranh về việc làm là công bằng.

Về mặt chủ quan: Người khuyết tật dù lạc quan đến đâu cũng có tâm lý tự ti về chính khiếm khuyết của mình, và chính khiếm khuyết đó đã tạo ra không ít trở ngại trong việc tiếp cận với không chỉ kiến thức, kỹ năng mà ngay cả các cơ hội, các yếu tố mềm, yếu tố vô hình khác.

Câu chuyện của Ngọc Duy là một ví dụ điển hình; Sự hỗ trợ từ phía gia đình, người thân, bạn bè là một động lực to lớn góp phần giúp người khuyết tật hòa nhập mà cụ thể ở đây là học nghề. Nếu như Ngọc Duy không có sự hỗ trợ này thì ước mơ có được một nghề nghiệp ổn định là điều còn xa vời.

Những kết quả trong đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người khuyết tật

Thông tin từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) năm 2021 cho thấy, đến nay đã có 282.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm, trong đó có 210.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề; 50.000 người khuyết tật được tư vấn, giới thiệu việc làm; 22.000 người được vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm.

Các cơ quan chức năng đã góp phần tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho hàng nghìn người dạy nghề. Trong đó hơn 3.350 giáo viên đã tham gia dạy nghề cho người khuyết tật ở hàng trăm cơ sở, mỗi năm hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng 20.000 người khuyết tật theo Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn. Việt Nam giai đoạn 2021-2025 sẽ có 90% người khuyết tật gặp hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc, phục hồi chức năng kịp thời. 

Đây là những con số cho thấy những nỗ lực của không chỉ ngành lao động mà là kết quả của sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành trên cơ sở các chính sách đã có. Tuy nhiên mảnh ghép về đào tạo nghề cho người khuyết tật trong bức tranh tổng thể về giáo dục nghề nghiệp sẽ thiếu nếu trong thời gian sắp tới chúng ta không có những cơ chế, chính sách mạnh mẽ, rõ nét hơn nhằm khuyến khích trước hết là người khuyết tật tham gia học nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có nhiều hơn những lựa chọn về ngành nghề phù hợp với người khuyết tật, các cơ quan, doanh nghiệp sẽ cụ thể hóa vị trí việc làm dành cho người khuyết tật…

Nhưng xét đến cùng, nghị lực của người khuyết tất mới là yếu tố quan trọng hơn cả. Và ước mơ của Ngọc Duy bắt đầu từ những nghị lực đó. Có người đã nhận định rằng “Nghề nghiệp tạo nên giá trị con người”, phát biểu đó không sai nhưng chưa đủ. Xét về tính nhân văn trong GDNN thì phát biểu đúng phải là “Chính con người mới tạo nên giá trị nghề nghiệp”.

ThS Võ Mạnh Tuấn – Trưởng Ban Truyền thông, Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum