Cập nhật ngày: 07/09/2022

TTO - Sáng 6-9, Đại hội Hiệp hội các trường cao đẳng nghề nghiệp ngoài công lập Việt Nam khóa I đã bầu tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh là chủ tịch hiệp hội này.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh - chủ tịch Hiệp hội các trường cao đẳng nghề nghiệp ngoài công lập Việt Nam khóa I - Ảnh: HÀ QUÂN

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh (62 tuổi), nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trở thành chủ tịch Hiệp hội các trường cao đẳng nghề nghiệp ngoài công lập Việt Nam khóa I (nhiệm kỳ 2022-2027).

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, hiệp hội được thành lập nhằm tập hợp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập, doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân khác tham gia lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng, phát triển giáo dục nghề nghiệp bền vững.

Các hoạt động cụ thể là tư vấn nghề nghiệp, tổ chức đào tạo kỹ năng mềm, hỗ trợ các nhà trường phối hợp với doanh nghiệp...

Tại đại hội, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng nhấn mạnh tỉ lệ lao động qua đào tạo gia tăng góp phần tăng năng suất lao động cũng như tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, trong 10 năm qua, số lượng trường cao đẳng tư thục tăng 1,5 lần từ 62 trường (năm 2011) lên 93 trường (năm 2020).

"Số lượng học sinh, sinh viên đăng ký vào học tại các trường cao đẳng, trung cấp ngoài công lập ngày một gia tăng thể hiện xu hướng phát triển của giáo dục nghề nghiệp dần mở rộng sang khu vực ngoài công lập", Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nêu rõ.

Đánh giá cao vai trò của hiệp hội, ông Lê Tấn Dũng đề nghị Hiệp hội các trường cao đẳng nghề nghiệp ngoài công lập Việt Nam đề ra phương hướng, nhiệm vụ cụ thể, thiết thực để góp phần thực hiện các mục tiêu về giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là mục tiêu nâng tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ lên 30% vào năm 2025.

Báo cáo của Hiệp hội các trường cao đẳng nghề nghiệp ngoài công lập Việt Nam nhận định các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập gặp nhiều khó khăn như chưa tạo được cơ chế gắn bó chặt chẽ với doanh nghiệp, chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của các địa phương…

Những quy chế tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập còn nhiều bất cập, giảm thu hút nguồn lực xã hội hóa, gây ra định kiến về trường ngoài công lập, thậm chí nhiều nơi còn từ chối không nhận sinh viên các trường ngoài công lập.

Hà Quân - tuoitre.vn