Cập nhật ngày: 21/08/2022

(Dân trí) - Thủ tướng yêu cầu tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông để đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh.

Ngày 20/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập".

Hội nghị được tổ chức theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp góp phần đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người lao động theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả đi kèm với sự sáng tạo và đổi mới, từng bước phát triển thị trường lao động Việt Nam. 

Thủ tướng yêu cầu tạo điều kiện để trường nghề dạy văn hóa bậc THPT - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập" ngày 20/8.

Chính phủ lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, nhà quản lý, những đơn vị sử dụng nhiều lao động nhất tại Hội nghị, đồng thời kết nối trực tuyến tới tất cả các tỉnh, thành hướng tới mục tiêu thúc đẩy phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng cơ bản nhất trí với báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường lao động thời gian tới. Mặt khác, Thủ tướng cũng chỉ đạo 9 vấn đề cần phải triển khai để "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập".

Trong số 9 vấn đề được Thủ tướng nêu lên có 4 vấn đề liên quan tới phát triển giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể là:

Thứ nhất, đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số vàng, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ hai, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 16 và Quyết định số 522 của Thủ tướng Chính phủ về công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông để đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với con em công nhân lao động.

Thủ tướng lưu ý thực trạng thiếu hụt cả kỹ năng nghề và kỹ năng sống của lực lượng lao động trẻ hiện nay. Chủ trương của Chính phủ, theo Thủ tướng, không tiếc tiền với việc đầu tư đào tạo, trong đó có đào tạo nghề nghiệp.

Thứ ba, rà soát, đánh giá sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng, đề xuất mô hình liên kết vùng, xây dựng các trung tâm đào tạo vùng, trung tâm đào tạo quốc gia theo vùng kinh tế trọng điểm.

Thứ tư, tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; xây dựng chính sách ưu đãi cho học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đánh giá công nhận trình độ kỹ năng cho người lao động.

Đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp để thu hút hiệu quả lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, vấn đề đứt gãy lao động phục vụ phục hồi kinh tế nhanh và bền vững.

 

Thủ tướng yêu cầu tạo điều kiện để trường nghề dạy văn hóa bậc THPT - 2

 

 

Cơ sở GDNN và người học mong mỏi được tạo điều kiện thuận lợi trong dạy và học.

Dựa trên chỉ đạo của Thủ tướng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang rất trông mong các cơ quan chức năng sớm thực hiện vấn đề "tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông để đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp".

Từ nhiều năm nay, không ít các cơ sở GDNN vẫn đang lúng túng trong tổ chức dạy học văn hóa bậc THPT (hay còn gọi là dạy học 9+) do vướng mắc cơ chế. Một số trường nghề đã và đang thực hiện tuyển sinh đối tượng học sinh học hết lớp 9 (tốt nghiệp THCS) để sớm phân luồng đào tạo, nhưng lại phải liên kết với các Trung tâm giáo dục thường xuyên để dạy học văn hóa cho các em, dẫn tới chồng chéo trong khâu quản lý và phiền nhiễu cho người học.

Chính vì vậy, các cơ sở GDNN đã nhiều lần kiến nghị lên cơ quan quản lý để tháo gỡ vướng mắc này, tạo điều kiện thuận lợi cho người học, tuy nhiên vấn đề chưa được giải quyết.

Chia sẻ ý kiến về vấn đề này, TS Trần Xuân Ngọc -  Phó Hiệu trưởng, phụ trách Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho rằng: "Điều quan trọng nhất là đảm bảo sự thuận lợi cho người học. Việc các cơ quan quản lý chậm giải quyết vấn đề ngày nào là ngày đó còn khó khăn cho rất nhiều học sinh".

TS Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội bày tỏ niềm mong mỏi: "Tôi nghĩ rằng cần phải có sự can thiệp, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ mới giải quyết được bài toán này. Bởi vì chúng tôi - các cơ sở GDNN đã trông chờ hàng chục năm để được tháo gỡ nút thắt, giúp cho người học thuận tiện hơn.

Tôi kỳ vọng luật sớm được làm rõ ràng, nếu có sự vướng mắc thì cần phải sửa đổi để đảm bảo tất cả các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân có sự thống nhất để cơ quan quản lý nhà nước điều hành một cách nhất quán".

VP-TCGDNN