Cập nhật ngày: 09/08/2022

"Các em có hai hồ sơ học bạ, có hai giáo viên chủ nhiệm và rất nhiều giáo viên bộ môn. Dẫn đến những phiền toái trong học tập", Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội nói.

TS Trần Xuân Ngọc -  Phó Hiệu trưởng, phụ trách Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết, hiện nay mỗi năm nhà trường có khoảng 350-400 học sinh vừa tham gia học nghề, vừa học văn hóa bậc trung học phổ thông (THPT).

Theo Công văn số 2672/BGDĐT-GDTX ngày 20/6/2019 của Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT không cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT để dự thi lấy bằng tốt nghiệp THPT.

Vì vậy, chiếu theo quy định hiện hành, CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội đang liên kết với một Trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) để tiến hành việc dạy và học văn hóa cho các học sinh. Do điều kiện cơ sở vật chất đủ để đáp ứng nên nhà trường bố trí lớp học văn hóa cho các em ngay tại trường, mời các giáo viên của TTGDTX tới giảng dạy.

Theo TS. Trần Xuân Ngọc, việc quy định cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) không được dạy văn hóa cho học sinh đã dẫn tới những bất cập trong thực tế, trong đó quan trọng nhất là gây khó khăn cho người học.

Cụ thể, các em học sinh phải chịu sự quản lý của hai hệ thống giáo dục khác nhau, một bên là cơ sở GDNN, một bên là TTGDTX. "Các em có hai hồ sơ học bạ, có hai giáo viên chủ nhiệm và rất nhiều giáo viên bộ môn. Dẫn đến những phiền toái trong học tập", vị hiệu trưởng này cho hay.

Theo TS. Trần Xuân Ngọc, có 3 lý do nên để các cơ sở GDNN phụ trách đào tạo văn hóa cho học sinh trong trường, đó là:

Thứ nhất, các trường cao đẳng và trung cấp nghề đã có kinh nghiệm dạy 7 môn văn hóa cơ sở cho học sinh trước đây.

Thứ hai, nhiều cơ sở GDNN, trong đó có CĐ nghề Công nghệ cao có năng lực quản lý, tổ chức, tuyển dụng giáo có thể đáp ứng được điều kiện đề ra để có thể giảng dạy các môn văn hóa.

Thứ ba, hệ thống giáo dục đã có cuộc thi tốt nghiệp THPT quốc gia, cuộc thi này sẽ đánh giá năng lực và đảm bảo chất lượng đầu ra của học sinh.

"Thực tế, học sinh vừa học văn hóa vừa học nghề có tỷ lệ tốt nghiệp khá cao. Như trong năm nay, Trường CĐ nghề Công nghệ cao có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là 98%", ông Ngọc cho biết.

Là lãnh đạo của một cơ sở GDNN, TS. Trần Xuân Ngọc vui mừng được biết thông tin mới đây Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình, các vướng mắc, giải pháp để tiến hành dạy văn hóa trong các trường nghề.

"Điều quan trọng nhất là đảm bảo sự thuận lợi cho người học. Việc các cơ quan quản lý chậm giải quyết vấn đề ngày nào là ngày đó còn khó khăn cho rất nhiều học sinh", ông Ngọc nhấn mạnh.

Cuối cùng TS. Trần Xuân Ngọc nêu: "Hệ thống GD của chúng ta đang xã hội hóa, bất cứ cơ sở nào đủ điều kiện, đảm bảo chất lượng là được tham gia hệ thống này. Vậy thì vì sao các cơ sở GDNN không được phép đào tạo văn hóa? Chúng ta cần có sự quyết liệt hơn trong vấn đề này".

 

Chậm giải quyết dạy văn hóa trong trường nghề ngày nào là khó khăn ngày đó - 1

 Cần tạo cơ chế thuận lợi cho người học hệ 9+ tại các cơ sở GDNN.

 

Cần có sự chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho cơ sở GDNN và người học

TS Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng, do những quy định hiện hành chưa định hình rõ cho các trường cao đẳng GDNN về việc dạy học văn hóa cho các học sinh bậc THPT, nên dù đã có nhiều cuộc họp lãnh đạo cấp cao diễn ra nhưng vấn đề chưa được giải quyết tận gốc, dẫn đến các trường lúng túng trong việc triển khai dạy học, gây khó khăn cho người học.

Thay mặt lãnh đạo các cơ sở GDNN, thầy Đồng Văn Ngọc kiến nghị: "Các trường cần có sự hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để các trường như trường tôi tổ chức đào tạo bậc THPT (hay còn gọi là hệ 9+) một cách bài bản và đồng thời không cần phải liên kết đào tạo với các trung tâm GDTX khác, gây nên bất cập".

Khi được hỏi rằng liệu cơ sở vật chất, hạ tầng, đội ngũ cũng như tổ chức của nhà trường có thể đáp ứng việc triển khai dạy học bậc THPT hay không, thầy Ngọc khẳng định: "Về cơ bản các trường cao đẳng, đặc biệt là chất lượng cao như trường chúng tôi có thể đảm bảo cơ sở vật chất ngang chuẩn và trên chuẩn giáo dục THPT do Bộ và Sở GD&ĐT đưa ra. Thậm chí chúng tôi vẫn có năng lực đầu tư hơn nữa.

Về đội ngũ giáo viên, chúng tôi có những nhân sự đạt trình độ cử nhân là thấp nhất, đa số là trình độ thạc sĩ. Chúng tôi đang xây dựng thương hiệu nhà trường lớn, không chỉ đảm bảo chất lượng đủ yêu cầu mà còn cần đạt chất lượng cao. Vấn đề này, mỗi một cơ sở GDNN sẽ có mục tiêu và định vị riêng".

Trong thời gian vừa qua, việc cơ sở GDNN này phải liên kết đào tạo văn hóa cho học sinh 9+ cùng với một TTDGTX đã gây nên "sự bất tiện và lòng vòng về vấn đề quản lý" - theo thầy Đồng Văn Ngọc.

"Tôi nghĩ rằng cần phải có sự can thiệp, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ mới giải quyết được bài toán này. Bởi vì chúng tôi - các cơ sở GDNN đã trông chờ hàng chục năm để được tháo gỡ nút thắt, giúp cho người học thuận tiện hơn.

Tôi kỳ vọng luật sớm được làm rõ ràng, nếu có sự vướng mắc thì cần phải sửa đổi để đảm bảo tất cả các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân có sự thống nhất để cơ quan quản lý nhà nước điều hành một cách nhất quán".

Văn phòng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp