Cập nhật ngày: 21/07/2022

Ngày 20/7, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo khoa học “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trước tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư".

Kiến nghị nâng cao độ tuổi đào tạo nghề lao động nông thôn

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, sau 13 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ) cả nước đã tổ chức đào tạo nghề cho khoảng gần 10 triệu lao động nông thôn. Trong đó trên 80% sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn; trên 24% được doanh nghiệp tuyển dụng; 23,8% tổng số hộ nghèo có người tham gia học nghề có việc làm và thoát nghèo…

Kết quả trong công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho nông dân đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu lao động, tỷ trọng lao động nông, lâm nghiệp, thủy sản trong tổng số lao động cả nước giảm từ 49,5% năm 2010 xuống còn 33,5% năm 2020.

Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển biến tích cực trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, miền, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, bền vững.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, hiệu quả của công tác đào tạo nghề lao động nông thôn góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt mức khá cao (2,95%/năm); Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện; kim nghạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng trưởng nhanh (8,17%/năm); nông sản Việt Nam có mặt tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa Việt Nam trở thành một trong những cường quốc nông sản; bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, giảm nghèo bền vững.


Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng (Ảnh: Quang Trường)

Tuy nhiên ông Dũng thừa nhận, đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn nhiều hạn chế, bất cập. Đặc biệt là những hạn chế trước tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư và biến đổi khí hậu.

Cụ thể, việc dự báo nhu cầu ngành, nghề cần đào tạo trên thị trường gắn với nhu cầu phát triển địa phương, công tác hỗ trợ việc làm và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa tốt; Hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đồng đều giữa các vùng trong cả nước; Việc đào tạo cho lao động nông thôn phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp tiên tiến hiện đại còn chậm; công tác tư vấn, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, tự làm cho lao động nông thôn gặp nhiều rào cản, tư tưởng trọng bằng cấp cao vẫn diễn ra ở khu vực nông thôn…

“Cần phải làm rõ những hạn chế yếu kém trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt, đánh giá những ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

Cho ý kiến tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Trung ương Hội nông dân Việt Nam kiến nghị nâng độ tuổi lao động nông thôn tham gia học nghề. Bởi theo ông, ở vùng nông thôn, miền núi, hơn 70 tuổi người lao động vẫn tham gia sản xuất, vẫn lăn lộn ngoài đồng, vẫn có thể áp dụng CNTT vào trồng trọt, chăn nuôi. Nếu chỉ giới hạn đến độ tuổi 60 thì nhiều lao động nông thôn không có cơ hội tham gia học nghề.

Ngoài ra, ông Định kiến nghị cần nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn liền với xây dựng các cơ sở thực hành “vệ tinh”. Người học được thực hành trực tiếp ở ngay nhà xưởng, trang trại, nhà máy, doanh nghiệp.

“Hình thức đào tạo phải linh hoạt, phong phú. Trong đó tăng cường ứng dụng CNTT trong đào tạo. Ngoài chuyên môn phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng người lao động biết cách quản lý, kinh doanh. Khi quy mô sản xuất tăng lên, liên kết sản xuất tốt hơn thì người lao động phải có tư duy quản trị, kinh tế”, ông Nguyễn Xuân Định nêu ý kiến.


Ngoài chuyên môn, tay nghề, người lao động rất cần được trang bị những kiến thức về kinh doanh, quản trị. (Ảnh: minh họa)

Trong khi đó, TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội cho rằng công nghệ, quy trình sản xuất ngày một hiện đại, tiên tiến và lao động nông thôn phải được tiếp cận với công nghệ mới, quy trình mới. Nhưng để làm được điều này thì các cơ sở đào tạo phải có tư duy xây dựng chương trình, module đào tạo có tính liên ngành, tiên tiến.

Qua nghiên cứu, khảo sát, ông Hiệp tính toán, riêng đối với ngành dệt may đến năm 2030 cần phải đào tạo, chuyển đổi công việc mới thích ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư cho khoảng 850 nghìn lao động. Do vậy, Đảng, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đào tạo cụ thể.

"Đối với các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao, đặc thù cần đẩy mạnh việc đào tạo theo đơn đặt hàng với cơ chế 3 bên cùng tham gia: Doanh nghiệp, nhà trường và cơ quan quản lý", ông Hiệp nêu quan điểm.

Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải đồng bộ

Phát biểu kết luận Hội thảo khoa học, ông Phùng Xuân Nhạ, Phó Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương cho rằng, nhu cầu của người học, nhu cầu của xã hội là yếu tố quan trọng, quyết định tính hiệu quả trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nếu chỉ quan tâm tới “cung” mà không trú trọng “cầu” thì chỉ làm được 49% công việc.


Ông Phùng Xuân Nhạ, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương

Do vậy, theo ông Nhạ, đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn tới đây phải có chính sách cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận lao động nông thôn đã qua đào tạo nghề vào làm việc.

“Phải thúc đẩy đòn bẩy lợi ích. Đối với doanh nghiệp là hiệu quả công việc, đối với người lao động là tiền lương, tiền thưởng, cơ hội phát triển”, ông Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định, chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải đồng bộ, tránh chỉ tập trung vào 1, 2 khâu trong một chuỗi quy trình. Chưa thông được quy trình, chưa có sự đồng bộ về chính sách thì vẫn tồn tại bất cập, hạn chế và công tác đào tạo nghề sẽ khó lòng đạt được hiệu quả như mong đợi.

Bá Duy - vov2.vov.vn