Cập nhật ngày: 08/07/2022

Trong xu thế hiện nay, người học quan tâm đến cơ hội việc làm, mức lương sau khi tốt nghiệp; còn nhà tuyển dụng cần kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và thái độ làm việc chứ không đặt nặng bằng cấp. Vì thế, nhận thức của xã hội về việc đi học nghề đã có sự chuyển biến. Chính vì vậy, việc không lựa chọn cánh cửa đại học mà hướng đến các trường nghề của nhiều bạn trẻ hiện nay cũng không phải là điều quá bất ngờ.

Dù đại học là con đường an toàn nhưng nhiều bạn trẻ vẫn muốn việc học phải song song với thực hành, đó là lý do các bạn lựa chọn trường nghề cho tương lai của mình. Ảnh: Quang Vinh
Dù đại học là con đường an toàn nhưng nhiều bạn trẻ vẫn muốn việc học phải song song với thực hành, đó là lý do các bạn lựa chọn trường nghề cho tương lai của mình.

Hơn 920 nghìn người đi học nghề trong khoảng 6 tháng đầu năm 2022 là thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Với việc mở rộng các hình thức đào tạo chính quy và thường xuyên cũng như nhiều cấp độ đào tạo từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các trình độ đào tạo dưới 3 tháng, hệ thống GDNN đã và đang đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân.

Trong xu thế hiện nay, người học quan tâm đến cơ hội việc làm, mức lương sau khi tốt nghiệp; còn nhà tuyển dụng cần kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và thái độ làm việc chứ không đặt nặng bằng cấp. Vì thế, nhận thức của xã hội về việc đi học nghề đã có sự chuyển biến. Không ít trường hợp sinh viên bỏ học đại học (ĐH) chuyển sang học nghề vì cảm thấy sự phù hợp cũng như cơ hội rộng mở khi được học và thực hành nghề nghiệp ngay trong quá trình đào tạo.

Bỏ đại học... đi học nghề

Những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ĐH ra trường thất nghiệp và làm không đúng ngành nghề ngày càng nhiều. Không ít sinh viên bỏ ĐH đi học nghề; thậm chí có người đã ra trường, đi làm nhưng cũng nghỉ ngang để học nghề.

Nguyễn Hải Sơn hiện là sinh viên năm thứ nhất ngành Công nghệ ô tô Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội. Ngay từ khi còn là học sinh Trường THPT Hòa Bình La - Botre (Hà Nội), Sơn đã có sở thích học tiếng Anh và đạt chứng chỉ IELTS 6.5 ngay từ khi học phổ thông. Mặc dù có cơ hội xét tuyển vào nhiều trường ĐH với kết quả học tập ở bậc phổ thông cũng như điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng Sơn đã quyết định chọn học nghề trong sự ngạc nhiên của nhiều người.

“Dù không ngăn cản quyết định của em nhưng bố mẹ em ban đầu cũng lo lắng, phân tích kỹ càng về việc chọn trường, chọn ngành sau khi rời trường phổ thông. ĐH là con đường an toàn nhưng bản thân em lại không muốn gò bó trong những giờ học mang tính hàn lâm, nặng về lý thuyết mà muốn việc học phải song song với thực hành để hiểu sâu, nhớ lâu ngay kiến thức mình vừa nạp được theo hướng ứng dụng vào thực tế ra sao. Vì vậy, em chọn học nghề với cam kết về quyết tâm học tập, lộ trình, kế hoạch hành động cụ thể khi chọn ngành học này, trường này. Khi nhìn thấy được những nỗ lực của em, bố mẹ đã hoàn toàn ủng hộ” - Sơn chia sẻ.

Hiện tại, ngoài “lăn xả” với chương trình học trên lớp, Sơn còn học thêm những kiến thức mình cảm thấy cần như Toán - môn học Sơn cho rằng sẽ giúp mình có tư duy nhạy bén, suy nghĩ logic hơn. Sơn tự tin với ý chí và quyết tâm cũng như tinh thần không ngại khó, ngại khổ để cải thiện những kỹ năng cần cho công việc sau này, em sẽ không phải hối hận về quyết định “khác người” khi rẽ hướng sang học nghề.

Còn Trần Thị Thiên Trúc, sinh viên năm 3 ngành du lịch Trường CĐ Du lịch Hải Phòng lại bỏ ngang ĐH để đi học nghề bởi sau 1 năm học trong trường ĐH, em nhận thấy rõ sự không phù hợp. Nhớ về quãng thời gian đó, Trúc kể mình đã trăn trở rất nhiều. Người thân cũng đưa ra nhiều lời khuyên, phân tích… nhưng khi đã thực sự hiểu rõ mình muốn gì, cần gì, Trúc quyết tâm thay đổi với lộ trình cụ thể nên nhận được sự ủng hộ của gia đình.

“Hồi học ĐH, em học ngành ngôn ngữ Anh nhưng lo lắng với những kiến thức hàn lâm đó, người rụt rè như em sẽ không biết áp dụng ra sao vào thực tế. Ngược lại, học nghề với thời gian thực hành nhiều, em thấy rõ về cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường nên thấy hào hứng, tự tin hơn rất nhiều” - Trúc bày tỏ.

Nhiều con đường dẫn người học tới việc lựa chọn trường nghề. Mỗi người là một câu chuyện khác nhau nhưng hầu hết đều có chung một điểm đó là khi vừa học vừa thực hành trực tiếp tại các doanh nghiệp (DN), các em sẽ nhìn thấy rõ công việc này, lĩnh vực này có phù hợp với mình hay không. Thời gian đào tạo ngắn và linh hoạt giúp người học sớm tham gia vào thị trường lao động, có thu nhập ổn định và cơ hội thăng tiến cũng như tiếp tục học nâng cao đáp ứng yêu cầu của công việc mà không phải lo về gánh nặng tài chính do đã tự chủ được về kinh tế.

Kĩ thuật điện tử đang là lựa chọn của nhiều thanh niên.
Kĩ thuật điện tử đang là lựa chọn của nhiều thanh niên.

Quan trọng là phù hợp

Một điểm khác biệt lớn của chương trình đào tạo nghề đó là các trường TC, CĐ hiện nay đều theo hướng 30-40% lý thuyết, 60-70% thực hành. Hầu hết các trường nghề đều chủ động liên kết với các DN về việc đào tạo và giải quyết việc làm cho sinh viên. Các DN không chỉ tiếp nhận sinh viên thực tập mà còn tham gia cùng đào tạo học viên, góp phần điều chỉnh chương trình đào tạo của nhà trường. Từ đó, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của chính DN mình.

Trần Anh Cường (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) cho biết, em rất mê nghề công nghệ thông tin trong khi học các môn văn hóa ở trường với khối lượng nhiều và nặng khiến em cảm thấy quá sức. Vì vậy, khi giáo viên chủ nhiệm lớp 9 gợi mở, giới thiệu về mô hình học 9+, em đã chủ động cùng bố đến trường để được tư vấn, tìm hiểu kỹ càng về chương trình đào tạo, hướng đi sau khi tốt nghiệp…

“Sau hơn 1 năm theo học tại Trường CĐ nghề Lào Cai, em cảm thấy đây đúng là sự lựa chọn sáng suốt khi học nghề mình thích, được thực học, thực hành, thực nghiệp sớm. Song song với đó em vẫn được học văn hóa nhưng được giảm tải, phù hợp với sức học của em”- Cường cho biết.

Sự phù hợp, niềm yêu thích khi làm bất cứ công việc gì là yếu tố quan trọng để làm nên thành công. Chia sẻ từ Đại sứ nghề Việt Nam 2020 Nguyễn Văn Thiết cũng là tâm sự của rất nhiều người trẻ khi còn đang băn khoăn với lựa chọn của mình. Học ĐH ngành mình không thực sự thích, đầu ra mờ mịt, gánh nặng học phí… khiến Thiết quyết định bỏ ngang và rẽ hướng sang học nghề với ngành học mình thực sự đam mê đã giúp em thành công.

“Học nghề có nhiều lợi ích. Tôi và nhiều bạn học đã có thể tự chủ được tiền học phí cũng như trang trải được cuộc sống cho bản thân mình mà không cần xin tiền gia đình. Đừng quan niệm học gì cho sang. Giờ đây, tôi nhận ra rằng học gì có thể kiếm được “miếng cơm manh áo”, miễn hợp pháp thì ngành nghề nào cũng đáng được tôn vinh” - Thiết bày tỏ.

Về phía các phụ huynh, Thiết cho rằng hãy thường xuyên trò chuyện với con, nếu con không thích và không đủ khả năng đừng ép đi học ĐH. Hãy định hướng cho con hướng đi khác phù hợp, có thể là học nghề vì mới học xong phổ thông thì rất khó có thể làm gì để tạo ra nhiều giá trị.

Nhiều lựa chọn, cơ hội rộng mở

Thống kê của Bộ LĐTBXH cho thấy, mạng lưới các trường TC,CĐ, Trung tâm GDNN, giáo dục thường xuyên hiện có khoảng 1.909 cơ sở. Người học có thể lựa chọn các chương trình đào tạo trong nước hoặc liên kết, chuyển giao các gói đào tạo của các nước phát triển như của Úc, Đức… với cơ hội việc làm rộng mở trên toàn cầu.

Với lối mở học nghề, HS tốt nghiệp THCS có thể đăng ký vào học theo 3 hướng: vừa học nghề và học chương trình văn hóa phổ thông với chương trình văn hóa 4 - 6 môn tùy ngành, sau khi có bằng TC nghề và hoàn thành chương trình văn hóa các em sẽ được học tiếp liên thông lên trình độ CĐ; vừa học nghề và học chương trình văn hóa THPT, sau khi tốt nghiệp học sinh đủ điều kiện học liên thông lên CĐ, ĐH; chỉ học TC nghề. Với HS tốt nghiệp THPT, các em có thể đăng ký theo học TC nghề hoặc CĐ nghề.

Vẫn theo Bộ LĐTBXH, mạng lưới các trường TC,CĐ, Trung tâm GDNN, giáo dục thường xuyên có khoảng 1.909 cơ sở. Nếu tính cả các làng nghề, các DN tham gia đào tạo nghề thì con số phải đến hàng trăm nghìn cơ sở. Từ đây, người học đứng trước vô vàn lựa chọn nên học nghề gì, ở đâu, theo hình thức đào tạo nào. Lời khuyên của các chuyên gia đó là cân nhắc sở thích, năng lực, điều kiện của bản thân phù hợp với ngành nghề nào và lựa chọn cơ sở uy tín để theo học. Khi đã chọn thì cần nỗ lực cố gắng, quyết tâm học và hành ngay trong mỗi tiết học, mỗi buổi thực hành.

Một tin vui cho những HS muốn lựa chọn học nghề đó là để tiến tới hội nhập thị trường lao động quốc tế, Bộ LĐTBXH đã thí điểm việc chuyển giao các gói đào tạo của các nước phát triển như của Úc, Đức. Đến nay, đã chuyển giao được 12 nghề của Úc và 22 nghề của Đức. Sau khi chuyển giao, người học có được 2 bằng song song, 1 bằng do trường Việt Nam cấp và 1 bằng của nước chuyển giao cấp. Người học có thể tham gia vào thị trường lao động quốc tế vì được công nhận trình độ, cơ hội việc làm rất rộng mở.

Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc cho biết, đối với các sinh viên ngành công nghệ ô tô của trường, thời gian học 3 năm nhưng chỉ học lý thuyết 5 tháng còn lại thời gian 2 năm rưỡi là thực hành tại nhà xưởng hiện đại của trường và thực tập tại DN. Các em đang được đào tạo theo hai chương trình của Vinfast và của Toyota Nhật bản chuyển giao. Khi tốt nghiệp, các em được nhận cả bằng tốt nghiệp (nhà trường cấp) và chứng chỉ nghề nghiệp của DN cấp. Tất cả các sinh viên đều được giới thiệu việc làm. Sau 1 năm làm việc do nhà trường giới thiệu, nếu các em không thấy thích hợp mới tự tìm đến DN khác để ứng tuyển.

Dạy nghề ở Trường Trung cấp nghề quản lý khách sạn Việt Úc (TPHCM).
Dạy nghề ở Trường Trung cấp nghề quản lý khách sạn Việt Úc (TPHCM).

Chủ động thay đổi để giữ chân người học

Đứng trước áp lực cạnh tranh không chỉ đến từ các trường ĐH trong và ngoài nước mà đến từ chính các trường nghề trong hệ thống GDNN khi người học ngày nay có những điều kiện thuận lợi hơn trước để lựa chọn nơi học, đặc biệt nhờ sử dụng các phương tiện công nghệ nên chính các trường nghề phải liên tục cải tiến chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu của DN và thị trường lao động. Gắn kết, hợp tác chặt chẽ với DN trong đào tạo là xu thế tất yếu.

TS Nguyễn Văn Huy - Phó Hiệu trưởng CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết, nhà trường thường xuyên phối hợp với các DN tổ chức tư vấn, truyền thông giới thiệu việc làm cho sinh viên. Tại buổi giới thiệu việc làm do nhà trường hợp tác với Tổng Công ty công trình Viettel tổ chức ngày 21/6 vừa qua, 48 sinh viên của trường đã được tuyển dụng trực tiếp. Lễ tổng kết năm học 2021-2022 vào ngày 29/6, nhà trường cũng kết hợp tổ chức “Ngày hội việc làm - Kết nối DN”. Sinh viên được tạo điều kiện tiếp xúc trực tiếp với nhà tuyển dụng, nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp, tự tin và nhanh chóng tìm được việc làm thích hợp sau khi tốt nghiệp. Đây cũng là cơ hội giúp các nhà tuyển dụng tiếp cận với nguồn nhân lực trẻ đã và đang được đào tạo có chất lượng tại nhà trường.

Theo ông Khuất Huy Bằng - Hiệu trưởng Trường TC nghề Tổng hợp Hà Nội cho biết, tính tới thời điểm hiện tại trường đã tiếp nhận hơn 300 hồ sơ HS đăng kí nhập học trên tổng chỉ tiêu 690 HS. Nhà trường cam kết giới thiệu việc làm sau tốt nghiệp cho HS với mức lương ổn định. Trong quá trình đào tạo, nhà trường liên kết với DN để đưa sinh viên đi thực tập tại công ty, thường xuyên cập nhật, chỉnh sửa chương trình đào tạo nên các em ra trường đáp ứng được ngay nhu cầu của DN.

Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội Nguyễn Hằng Nga cho biết hàng năm trường luôn tuyển đủ chỉ tiêu, trong đó nhiều em có lực học khá giỏi, điểm thi tốt nghiệp THPT cao, có khả năng đậu ĐH nhưng vẫn chọn học tại trường. Do đào tạo theo nhu cầu của DN, cho nên đa số HS, sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay.

“Sinh viên các ngành Điện - Điện tử, Tự động hóa… có việc làm chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối. Riêng ngành Điện lạnh, từ tháng 3 trở đi, các em có rất nhiều việc làm”- bà Nga thông tin và khẳng định chỉ cần các em cố gắng thì cơ hội tìm việc thu nhập khá là rất có thể.

Ông Trương Quang Trung - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng thông tin, số vị trí việc làm DN cần tuyển dụng cao hơn rất nhiều so với số sinh viên tốt nghiệp hằng năm của nhà trường. Kinh nghiệm của nhà trường đó là lý thuyết đi đôi với thực hành, sinh viên năm cuối được tham quan, thực tập tại DN và hầu hết các DN này đã tuyển dụng các em khi tốt nghiệp.

“Hàng năm, ngày nhận bằng tốt nghiệp cũng là ngày các tân cử nhân, tân kỹ sư thực hành của trường được tuyển dụng và sang bước ngoặc mới, đóng góp kiến thức, kỹ năng được học cho xã hội. Bên cạnh nỗ lực dạy và học của thầy và trò, các hoạt động tư vấn hỗ trợ, chế độ chính sách, học bổng, sân chơi học thuật và hoạt động tình nguyện cộng đồng đã giúp các em thêm tự tin và hình thành những kỹ năng cần thiết” - ông Trung chia sẻ.

 

Học nghề, nhiều lựa chọn cho tương lai - Ảnh 1

Ông Vũ Văn Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục GDNN) cho biết, để giúp các cơ sở GDNN thuận lợi trong việc tuyển sinh, Tổng cục đã đưa ra các giải pháp khác nhau để các trường tăng quy mô tuyển sinh. Cụ thể, trước đây, các trường chỉ được tuyển sinh ngành A ở mức này, nếu vượt quá 10% chỉ tiêu sẽ bị “tuýt còi”. Còn hiện nay, không khống chế như trước đây mà cho phép các trường linh hoạt tuyển sinh. Tổng cục đã ban hành Công văn 1046 hướng dẫn các trường làm sao để thực hiện linh hoạt tuyển sinh giữa các ngành nghề trong cùng nhóm ngành nghề. Thứ 2 là linh hoạt quy mô giữa các trình độ đào tạo trong cùng ngành nghề, cùng nhóm ngành nghề. Thứ 3 là giữa các trình độ đào tạo và giữa các ngành nghề đào tạo trong cùng nhóm ngành nghề.

“Để tăng cường và hỗ trợ cho các cơ sở hoạt động đào tạo, các trường được phép liên kết đào tạo với các cơ sở, các DN trong tuyển sinh, được phép thỉnh giảng 40% khối lượng chương trình đào tạo” - ông Hà cho hay.

VP-TCGDNN