Cập nhật ngày: 03/06/2022

 Trước bộc bạch của công nhân về sự chạnh lòng với câu nói: “Tưởng làm gì chứ làm công nhân”, Thủ tướng chia sẻ, khi làm việc hết trách nhiệm, vì sự đam mê, khát vọng và mong muốn cống hiến… đóng góp cho đất nước, xã hội thì đều cao quý.

Sáng nay (12/6), Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ 4.500 người lao động tại tỉnh Bắc Giang và đối thoại trực tiếp, trực tuyến với công nhân cả nước qua 63 điểm cầu các tỉnh, thành với chủ đề "Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”.

Tham dự buổi đối thoại cùng Thủ tướng còn có Bộ trưởng Lao động- Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung, đại diện Ban Dân vận Trung ương; ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam...

Ngoài ra còn có đại diện lãnh đạo các Ban Đảng; Ủy ban của Quốc hội; bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ cùng một số tập đoàn kinh tế, hiệp hội ngành nghề; lãnh đạo tỉnh, thành ủy, hội đồng nhân dân, UBND các tỉnh, thành phố. 

Trước buổi đối thoại, Thủ tướng và đoàn công tác đến thăm hỏi tình hình đời sống, thu nhập, động viên và tặng quà cho công nhân lao động tại khu nhà trọ; thăm khu nhà ở xã hội dành cho công nhân của Công ty TNHH Fuji tại Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang).

Thủ tướng truyền thông điệp đến công nhân cả nước

Phát biểu kết luận buổi gặp gỡ đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước chăm lo cho công nhân hết sức rõ ràng. Khi phát triển công nghiệp hiện đại có nhiều chủ thể tham gia, trong đó có đội ngũ công nhân.

 

Thủ tướng mong đội ngũ công nhân tiếp tục phát huy truyền thống, vai trò lịch sử của giai cấp công nhân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Thủ tướng đánh giá cao việc tổ chức, tập hợp các ý kiến; các ý kiến của công nhân đúng, trúng, cần quan tâm giải quyết. Thủ tướng cảm ơn sự đóng góp của công nhân tại cuộc đối thoại này và khẳng định: “Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị, trong đó có Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp thu, lắng nghe các ý kiến, tập hợp các vấn đề để tập trung rà soát lại các cơ chế, thể chế chính sách, nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện. Trong đó chú ý tâm tư nguyện chính đáng của công nhân lao động”.

Qua đây, người đứng đầu Chính phủ mong đội ngũ công nhân tiếp tục phát huy truyền thống, vai trò lịch sử của giai cấp công nhân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng giải quyết kịp thời các vấn đề, mang lại hiệu quả chung cho đất nước.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp thu thẳng thắn những gì công nhân gửi gắm để công nhân có điều kiện đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Các địa phương tiếp tục lắng nghe, phối hợp các bộ, ngành, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để giải quyết các nguyện vọng chính đáng của công nhân.

Tiếp đó, đại diện công nhân tại điểm cầu Bắc Giang thực hiện nghi thức tuyên thệ, thể hiện quyết tâm nỗ lực lao động, góp phần xây dựng Tổ quốc.

Đại diện công nhân ở điểm cầu Bắc Giang hô vang "Quyết tâm!"

Sau buổi đối thoại, tại đầu cầu tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính trao tặng 25 suất quà cho các công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

25 phần quà được Thủ tướng gửi tặng đến 25 trường hợp công nhân có hoàn cảnh khó khăn

Cứ làm hết mình, hết trách nhiệm, làm bằng đam mê, mang lại hiệu quả cho đất nước, xã hội, nhân dân thì cũng đều cao quý

Công nhân Lê Văn Lượng, Công ty Hacovina, tỉnh Bắc Ninh gửi đến Thủ tướng một câu hỏi và bày tỏ có thể không liên quan đến chủ đề đối thoại.

“Cháu băn khoăn, trăn trở nhiều nên xin báo cáo và mong nhận được sự chia sẻ của bác. Đó là nhiều anh em công nhân chúng cháu mỗi khi về quê nhận được đánh giá của những người xung quanh: “Tưởng làm gì chứ làm công nhân!!!”. Đôi khi chúng cháu cũng thấy chạnh lòng. Nhưng mỗi khi đến nhà máy, cùng lao động sản xuất với đồng nghiệp, tạo ra những tấn hàng hóa xuất khẩu cho công ty và đất nước cháu lại thấy rất tự hào vì mình đã làm được một việc có ý nghĩa, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp, đất nước và rồi cháu lại yêu công việc của mình hơn. Là Thủ tướng Chính phủ, bác có ý kiến gì về những quan điểm hoặc cách nhìn nhận của một số người trong xã hội về nghề công nhân của chúng cháu?”, Lượng chia sẻ.

Trước bộc bạch của công nhân Lê Văn Lượng, Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên và nói: “Trước tiên, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc yêu cầu sự chung tay, đóng góp của của tất cả mọi công dân và tất các lực lượng công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức và lực lượng vũ trang.

Thứ hai, mỗi người đều có quyền tự do lựa chọn công việc phù hợp với năng lực, sở trường, sở thích, điều kiện cá nhân… Đây là đường lối được Đảng, Nhà nước khẳng định và thực hiện rất rõ.

Thứ ba, chúng ta làm việc gì hết trách nhiệm, vì đam mê, vì sự khát vọng và mong muốn được cống hiến trên cơ sở chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, hoàn thành tốt, đóng góp cho đất nước, xã hội và cho bản thân mình một cách tốt nhất thì đều cao quý.

Thực hiện nghĩa vụ công dân là vinh dự, trách nhiệm, quyền hạn của chúng ta, miễn chúng ta làm hết sức mình, với đam mê và năng lực của mình, làm sao hết trách nhiệm, cống hiến được nhiều nhất cho đất nước. Chúc cháu thành công trong công việc!"

Khi có tay nghề cao thì sẽ có thu nhập cao...

Tại điểm cầu Bắc Giang, công nhân Bùi Văn Trường (SN 1983), Công ty TNHH Luxshare-ICT, Bắc Giang bày tỏ với Thủ tướng, mong muốn có tay nghề vững để có thể có thu nhập cao và đời sống ổn định, đóng góp được nhiều cho doanh nghiệp và đất nước. 

Tuy nhiên, theo công nhân này, việc học nghề của nhiều công nhân rất khó khăn, vì điều kiện thời gian, kinh phí, quãng đường từ nơi làm việc đến chỗ học. 

“Đề nghị Chính phủ có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để công nhân lao động tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp thích ứng với bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, công nhân Bùi Văn Trường nói.

Công nhân ở Bắc Giang phát biểu tại hội trường

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đào tạo lại nghề đang có sức ép rất lớn. Giải pháp tới đây là phải đào tạo nhanh, phân luồng học sinh cấp 2, cấp 3, vừa học nghề, vừa học văn hóa. Đây cũng là kinh nghiệm các nước làm rất thành công. Hiện 23 tỉnh đang thực hiện mô hình này rất tốt. Tuy nhiên, vừa qua có văn bản nên các địa phương đang tạm dừng lại. 

Ngoài ra, theo ông Dung, trong thời gian tới cần bắt buộc DN sử dụng lao động có chuyên môn. Cùng đó đào tạo lao động chất lượng cao. Hiện có chương trình 2.000 tỷ đồng xây dựng ngành nghề có tính chất dẫn dắt.

Ngoài ra còn đào tạo theo chương trình 34 giáo trình của một số nước, thí điểm tại 45 trường chất lượng cao để có lực lượng lao động chất lượng cao. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, phải phát triển sản xuất kinh doanh thì mới có công ăn việc làm, mới giải quyết lao động nói chung. Nhưng muốn vậy phải nâng cao năng suất chất lượng lên, phải đào tạo nâng cao tay nghề. Ngoài nỗ lực cố gắng của công nhân phải có sự quản lý nhà nước, tăng cường trách nhiệm các cơ quan liên quan, dành nguồn lực, cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo. 

“Khi có tay nghề cao thì sẽ có thu nhập cao, đời sống của công nhân được cải thiện, lúc đó mới có hạnh phúc và ấm no”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Giải pháp xử lý tội phạm tín dụng đen hoạt động ở nơi công nhân làm việc, sinh sống

Tại điểm cầu Bình Phước, công nhân Trần Thị Toan (SN 1987), cán bộ Công đoàn cơ sở công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam kể lại câu chuyện bản thân bị đối tượng cho vay nặng lãi đe dọa, bôi nhọ danh dự do công nhân công ty của chị vướng vào tín dụng đen. 

Thực tế rất nhiều công nhân đang gặp khó khăn về tài chính, nhưng lại rất khó tiếp cận với các khoản vay cá nhân từ ngân hàng nên buộc phải tìm đến tín dụng đen. Tín dụng đen đang hoành hành gây hậu quả rất nghiêm trọng ở các tỉnh, thành phố. 

“Đề nghị Chính phủ có chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động, để công nhân không phải đi vay nặng lãi hoặc hỗ trợ vốn cho Quỹ CEP một mô hình của Công đoàn hỗ trợ tín dụng hiệu quả, thuận tiện cho công nhân nhưng nguồn lực hạn chế nên không đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của công nhân?”, chị Toan đề nghị.

Tiếp nhận câu hỏi này, Thủ tướng yêu cầu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trả lời.

Theo Phó Thống đốc, tín dụng đen ảnh hưởng đến nhiều đời sống xã hội và mỗi người. Ông Tú cho biết Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt để xử lý tín dụng đen. Thời gian qua các cơ quan chức năng đã dẹp bỏ nhiều, giảm nhiều câu chuyện đau lòng nhưng trên thực tế vẫn còn diễn ra, một số địa phương có nguy cơ tăng cao.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

NHNN có trách nhiệm làm sao để người dân không tiếp cận tín dụng đen mà có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng chính thức. Thực tế nhu cầu tín dụng chính đáng của người dân cần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận. Còn nhu cầu tín dụng không có tính chất chính thức phục vụ nhu cầu bất chính như lô đề, cá độ… thì các lực lượng cần dẹp bỏ cả người có nhu cầu và người đáp ứng. 

Ông Tú cho biết, NHNN có nhiều giải pháp về việc này, trong đó có việc cắt giảm thủ tục để người dân tiếp cận dễ dàng các nguồn vốn vay cho sinh hoạt đời sống.

Trả lời thêm với công nhân Bình Phước, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin thêm về giải pháp xử lý tội phạm tín dụng đen hoạt động ở nơi công nhân làm việc, sinh sống.

Theo đó, Bộ Công an xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm để đấu tranh tội phạm. Ông Quang cũng cho biết, các đối tượng rất tinh vi, cho vay không thế chấp, huy động vốn, có thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo công nhân, vay tiền trực tiếp qua app, mạng xã hội, vay lãi suất cao bất thường, có lãi suất 90 - 100% tháng…

Thượng tướng Lương Quang Tam

Chúng dùng nhiều thủ đoạn như đe dọa, khủng bố tinh thần,… Trong 3 năm qua, Bộ Công an phát hiện xử lý 2.740 vụ, khởi tố gần 2.000 vụ với 4.000 bị can, có nhiều bị hại là công nhân. Do đó, thời gian qua, tình trạng tín dụng đen đã cơ bản không gây bức xúc.

Về giải pháp, Thứ trưởng Công an Lương Tam Quang cho biết, Bộ tập trung tuyên truyền phổ biến pháp luật, thông tin phương thức thủ đoạn tín dụng đen và khuyến cáo đề cao cảnh giác. Cùng với đó, kiểm tra hành chính các cơ sở doanh nghiệp có liên quan hoạt động này, phát hiện tội phạm vi phạm để xử lý cá nhân, DN lợi dụng chính sách để thực hiện tín dụng đen… Đồng thời mở các cuộc cao điểm tấn công trấn áp tội phạm liên quan tín dụng đen.

Tổ chức thực hiện hiệu quả để công nhân được tiếp cận y tế từ xa, từ cơ sở, sớm nhất, nhanh nhất

Công nhân Vũ Thị Kim Anh (SN 1981), Công ty TNHH Cơ khí Chính xác Việt Nam I, tỉnh Vĩnh Phúc: "Công nhân chúng cháu thường xuyên phải tăng ca ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng rất khó khăn trong việc khám chữa bệnh do bệnh viện ở xa nơi làm việc. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo cơ quan chức năng quy hoạch phát triển bệnh viện tại các khu công nghiệp, trước mắt tổ chức cơ sở khám chữa bệnh trong các khu công nghiệp để thuận tiện cho chúng cháu đến khám chữa bệnh và cấp cứu kịp thời khi có sự cố, tai nạn tại các nhà máy. Đồng thời cho phép các cơ sở khám, chữa bệnh vào chủ nhật và được thanh toán bảo hiểm y tế vì hầu hết công nhân đều đi làm từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, qua chống dịch, ngoài những cái được vẫn còn những hạn chế như hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng còn yếu và thiếu. Chỗ này Chính phủ đang cho rà soát lại, Quốc hội cũng đang cho sửa Luật Khám chữa bệnh. Chính phủ đang rà soát lại để tăng cường hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng, làm sao cho người bệnh được tiếp xúc từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở.

Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo Thủ tướng, trong chương trình phục hồi kinh tế xã hội có đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng với nguồn 14.000 tỷ đồng. Về lâu dài, theo người đứng đầu Chính phủ, phải giải quyết cả vấn đề pháp lý, tổ chức hệ thống y tế này, trong đó có tại các khu công nghiệp. 

Thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu nội dung này. Những gì thuộc về cơ chế, chính sách, thể chế thì phải bổ sung ngay vào Luật Khám chữa bệnh theo hướng làm sao để bố trí nguồn lực, nhân lực, tổ chức thực hiện hiệu quả nhất để công nhân được tiếp cận y tế từ xa, từ cơ sở, sớm nhất, nhanh nhất có thể.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang: Việc khám chữa bệnh cho công nhân lao động có hai cái vướng.

Thứ nhất, cơ sở khám chữa bệnh tại các khu công nghiệp hiện nay chưa được quy định trong mạng lưới y tế.

Thứ hai, khám chữa bệnh ngoài giờ cho công nhân trong các khu công nghiệp thì bảo hiểm thanh toán hay không? Và tiền lương ngoài giờ cho cán bộ y tế khám chữa bệnh ngoài giờ cũng là vấn đề cần làm rõ.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sau này sẽ tổng hợp những vướng mắc trên và có báo cáo, kiến nghị lên Thủ tướng.

Chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, nợ BHXH

Từ đầu cầu Bắc Giang, công nhân Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1981), Công ty CP May xuất khẩu Hà Bắc: "Hiện nay, tình trạng vi phạm pháp luật của chủ doanh nghiệp còn diễn ra nhiều. Dịp gần Tết Nguyên đán vừa qua, công ty nơi bạn cháu làm việc chủ bỏ trốn, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội nên công nhân không có lương và thưởng Tết"... Công nhân này đề nghị xử lý nghiêm những doanh nghiệp này.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Trong những năm qua, người sử dụng lao động và người lao động gắn bó tốt, lúc dịch bệnh cơ bản chia sẻ cùng nhau.

Tuy nhiên, theo ông Dung, cũng còn một bộ phận người sử dụng lao động chưa chấp hành pháp luật về lao động. Vẫn còn tình trạng nợ lương, trốn đóng BHXH, có cả doanh nghiệp FDI cũng rơi vào tình trạng này. Ông dẫn chứng vừa qua có một địa phương ở Bắc Trung Bộ, 1/4 doanh nghiệp vừa và nhỏ trốn đóng BHXH. Nhưng khi kiểm tra thì thấy khái niệm giữa trốn đóng và chậm đóng để xử lý hình sự rất mong manh.

Vì vậy, vừa qua Bộ phối hợp với Hội đồng thẩm phán ra nghị quyết để xử lý tình trạng này, cố gắng làm tốt công tác thanh tra, xử lý các vi phạm.

Qua đây, Thủ tướng giao Bộ trưởng LĐ-TB&XH cùng bộ ngành liên quan đánh giá lại tình hình này trên phạm vi cả nước để xác định mức độ, tình hình, trên cơ sở đó rà soát quy định pháp luật, khâu tổ chức thực hiện, phân tích rõ nguyên nhân, đưa ra giải pháp xử lý dứt điểm.

Nhiều vấn đề khó khăn về nhà ở

Công nhân Nguyễn Đình Biên (SN 1986, Công ty TNHH Woosin Vina, tỉnh Nghệ An) nêu vấn đề: Hiện nay công nhân còn gặp nhiều vấn đề khó khăn về nhà ở. Nhu cầu thuê nhà của công nhân là rất lớn. 

“Chúng cháu chỉ cần thuê, nếu có nhà để mua thì mong muốn được vay mua nhà trả góp. Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác quy hoạch, triển khai xây dựng nhà ở. Hiện nay nhiều doanh nghiệp và cả tổ chức Công đoàn muốn làm nhà cho công nhân của đơn vị mình thuê hoặc cho ở miễn phí nhưng vẫn chưa có cơ chế”, Công nhân Nguyễn Đình Biên kiến nghị.

Thứ trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Chính phủ rất quan tâm thúc đẩy đầu tư nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân. Giai đoạn này cả nước đầu tư 73 triệu m2 nhà ở xã hội, trong đó nhà ở công nhân có 122 dự án.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh 

Tuy nhiên con số này chỉ đáp ứng 49% nhu cầu nhà ở công nhân trên cả nước. Đây là hạn chế, trong khi nhu cầu nhà ở công nhân rất lớn. Ông Sinh cho biết, thời gian qua, Thủ tướng, Chính phủ có nhiều chỉ đạo rất quyết liệt triển khai các dự án nhà ở xã hội. Trong đó Thủ tướng nhấn mạnh công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách thúc đẩy đầu tư như sửa đổi các nghị định liên quan…

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu làm rõ nguyên nhân vì sao thiếu, vướng mắc cái gì? Ông Phạm Văn Lực, Chủ đầu tư một công ty chuyên làm nhà ở xã hội tại Bắc Giang cho biết, hiện có 2 nội dung vướng mắc. Đó là việc xác định đối tượng để xác định giá bán, giá cho thuê “chúng tôi gặp nhiều khó khăn”.

Thủ tướng hỏi nội dung này vướng ở khâu nào?, ông Lực khi trả lời cho biết vướng ở khâu tổ chức thực hiện, mặc dù công ty phối hợp rất chặt chẽ với tỉnh. DN bày tỏ mong muốn các Bộ, ban ngành sửa luật để phối hợp tốt hơn, không vi phạm sau này. Nghe vậy, Thủ tướng chốt lại: “Nói tóm lại vướng ở luật”.

Ông Lực cho biết thêm, vướng cả ở thủ tục thuế sử dụng đất. Thủ tướng mời Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, qua thực tiễn địa phương chỉ rõ những vướng mắc, ai giải quyết những vướng mắc này?

Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, Bắc Giang có 8 KCN, 45 cụm CN với 250.000 công nhân, trong đó có 1/3 công nhân ở tỉnh ngoài nên nhu cầu nhà ở rất lớn. Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết về phát triển nhà ở cho công nhân. Thủ tướng ngắt lời, “Bắc Giang quảng cáo thế đủ rồi” và yêu cầu Bí thư nói trực tiếp về những vướng mắc.

Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ông Dương Văn Thái nói tiếp, Bắc Giang đang triển khai 14 dự án, giải quyết chỗ ở cho 100.000 công nhân. Vướng nhất hiện nay là quy định về việc thuê nhà, thuê lại vì theo quy định, doanh nghiệp xây dựng nhà ở nhưng phải ký trực tiếp với từng công nhân, trong khi một khu nhà ở có 20.000 công nhân mà DN ký trực tiếp từng người thì rất khó, chưa kể công nhân hay thay đổi công việc, chỗ ở.

Bên cạnh đó là việc xác định giá, các bộ ngành chưa hướng dẫn cụ thể. Hay như hướng dẫn tiền thuê đất cũng đang gặp khó khăn. Từ đó, ông Thái đề nghị sớm sửa các Luật: Nhà ở, Đất đai, Đầu tư công theo hướng rút gọn 1 luật sửa nhiều luật trình kỳ họp thứ 4 tới để gỡ nút thắt nhà ở công nhân hiện nay. Thủ tướng hoang nghênh Bắc Giang làm tốt chủ trương này và đưa ra các đề xuất.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN Nguyễn Đình Khang bổ sung thêm, thời gian qua “chúng tôi cũng đau đáu mấy năm nay trong quá trình thực hiện đề án về nội dung này”.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang

Ông Khang cho biết, động đến nội dung này vướng nhiều lắm. Cụ thể là vướng luật Đất đai, giao đất sạch, giải phóng mặt bằng nhưng vướng thủ tục đấu thầu, giá đấu thầu. Luật Nhà ở, thu hút DN xây dựng nhà ở xã hội rất khó, cần sự vào cuộc các cấp chính quyền, nhà nước thì vướng Luật Đầu tư công. Ngoài ra còn vướng Luật kinh doanh bất động sản liên quan vận hành nhà sau khi xây dựng...

Sau ý kiến của Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động về vấn đề còn vướng nhiều luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, vấn đề này rất quan trọng, “có an cư mới lạc nghiệp”.

Đảng nhà nước luôn trăn trở có nhiều chính sách hỗ trợ… Nhưng vẫn chưa giải quyết căn cơ bài bản. Qua trao đổi vừa rồi, cho thấy đang vướng về pháp lý: Luật đất đai, nhà ở, đầu tư công, bất động sản… Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì xem xét toàn bộ vướng mắc của luật pháp, nhu cầu nhà ở công nhân. Trên cơ sở đó, những nội dung nào thuộc nghị định của Chính phủ như Nghị định 49, Nghị định 100 thì sửa ngay.

“Cái gì liên quan luật thì tập hợp cùng các bộ ngành đánh giá tác động, đề xuất sửa phù hợp thực tiễn làm sao nhanh nhất, giải quyết căn cơ bài bản cả trước mắt và lâu dài, đảm bảo quyền lợi ích chính đáng của người lao động, phù hợp với tình hình đất nước”, Thủ tướng yêu cầu.

Đề nghị tháo gỡ nhiều khó khăn cho công nhân hậu Covid-19

Công nhân Lê Nguyễn Ngọc Thủy (Công ty TOTO Việt Nam, TP. Hà Nội), đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc giải quyết chế độ, chính sách cho công nhân lao động bị nhiễm Covid-19; chính sách trợ cấp đối với trẻ mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân lao động vì đến nay còn nhiều người chưa được hưởng, nhất là tiền hỗ trợ thuê nhà.

Lắng nghe câu hỏi trên, Thủ tướng cho biết đây là vấn đề nóng bỏng hiện nay. Nội dung này phân công Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương đề xuất Quốc hội một số cơ chế chính sách về vấn đề này.

Sau đó, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong 2 năm qua, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt ban hành chính sách liên quan người lao động, người yếu thế. Chính phủ phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội tham mưu Chính phủ ban hành nhiều chính sách liên quan, trong đó có nhiều chính sách chưa có tiền lệ, nhanh nhất, sớm nhất.

Cụ thể, triển khai hiệu quả nhất Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 cho 55 triệu người với tổng vốn 81.000 tỷ đồng. 

Bộ trưởng LĐ-TB&XH giải đáp nhiều thắc mắc của công nhân

Trong 12 nhóm chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 68 đã triển khai 11 nhóm, chỉ còn chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đang thực hiện. Nghị quyết 116 cũng tương tự.

Đối với chính sách hỗ trợ lao động, con em lao động bị Covid-19, Bộ trưởng Dung khẳng định, “tất cả các cháu mồ côi cha mẹ đều có chính sách riêng”. 

Còn chính sách hỗ trợ nhà trẻ, đây là 1 trong những chính sách triển khai nhanh nhất, sớm nhất. Hiện chỉ có Điện Biên, Lai Châu không có chính sách hỗ trợ, còn 61 địa phương thống kê có 3,4 triệu lượt người được hỗ trợ. 

Ngoài ra còn có chính sách hỗ trợ người kiên trì bám trụ sản xuất, hỗ trợ người quay lại lao động sản xuất. 

Lý giải tại sao chính sách chưa đến với một số người lao động, Bộ trưởng LĐ-TB&XH cho biết, có 2 lý do. Cụ thể nhiều địa phương cũng sợ nên quá trình triển khai tự thêm thủ tục. Một bộ phận công nhân, DN chọn hỗ trợ cả 3 tháng, thì theo trình tự đến hết tháng 6 mới tiến hành hỗ trợ 1 lần. 

Số tiền hỗ trợ chính sách này khoảng 6.600 tỷ lấy từ tăng thu ngân sách Trung ương hỗ trợ. “Hôm qua, tôi thống nhất với Bộ trưởng Tài chính xin phép Thủ tướng trình xin ý kiến Quốc hội cho phép ứng 70% nguồn này để triển khai đúng hạn với anh em công nhân”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ đã ban hành mấy Nghị quyết liên quan đến nội dung này. Các chính sách này phải thực hiện khẩn trương. 

Trong mấy tháng qua đã triển khai thực hiện hơn 55 triệu người hưởng với hơn 80.000 tỷ. 

“Chúng tôi băn khoăn là vẫn còn có nơi, có lúc triển khai chưa kịp thời”, Thủ tướng đề nghị địa phương chủ động triển khai các chính sách này kịp thời.

Theo Thủ tướng, tiền có rồi, làm thủ tục cho nhanh, các địa phương căn cứ nghị quyết, quy định của Chính phủ triển khai sớm, hoàn thành các thủ tục, không để anh chị em công nhân băn khoăn lo lắng.

Giảm dần thời gian đóng BHXH, có thể còn 10 năm

Từ đầu cầu TP.HCM, công nhân Nguyễn Thị Thúy Hà (SN 1982, Hợp tác xã Mây Tre Lá Ba Nhất, Quận Bình Thạnh) nêu: "Luật Bảo hiểm xã hội còn nhiều bất cập, nhất là thời gian đóng rất dài mới được hưởng lương hưu, trong khi nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân khi chúng cháu mới 40 - 45 tuổi".

Công nhân Nguyễn Thị Thúy Hà ở điểm cầu TP.HCM hỏi 

Nữ công nhân Nguyễn Thị Thúy Hà đề nghị Chính phủ sửa đổi chính sách, pháp luật để bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động, hạn chế tình trạng công nhân rút bảo hiểm xã hội 1 lần…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trên khán đài có tất cả bộ, ngành liên quan, các bộ ngành sẽ trả lời để thể hiện trách nhiệm của mình đối với công nhân về những vấn đề mà người lao động còn lo lắng. Thủ tướng mời Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời.

Phúc đáp ý kiến của công nhân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong những năm qua Bộ cùng Tổng Liên đoàn Lao động gắn bó chặt chẽ với nhau, xác định những công việc của công nhân “là công việc của chúng tôi”.

Để có Nghị định hôm nay về tăng lương tối thiểu vùng, ngày hôm qua (11/6) các thành viên Chính phủ đã họp cho ý kiến để kịp thời ký ban hành.

Liên quan BHXH, hiện cả nước có 55 triệu lao động, trong đó hơn 20 triệu người có ký giao kết lao động. Có gần 16 triệu người tham gia BHXH bảo hiểm bắt buộc. 

Ông Dung cho biết, vừa qua, trong quý 1, 2, có tình trạng một tỷ lệ nhất định rút BHXH 1 lần, đây là điều không tốt, gây hệ lụy lâu dài khi nghỉ hưu. 

Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành chia sẻ với công nhân, người lao động tại buổi đối thoại.

Về giải pháp, Bộ trưởng LĐ-TB&XH cho rằng, việc đầu tiên phải nâng cao đời sống, phúc lợi của công nhân lao động, sửa đổi Luật BHXH. Việc này Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, đã hoàn tất hồ sơ với 11 nhóm cải cách, sau khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Theo ông Dung, dự kiến năm 2023 sẽ trình luật này ra Quốc hội.

Cùng với đó là giảm dần thời gian đóng BHXH, trước đây đóng 20 năm, sẽ rút dần còn 15 năm, tiến tới 10 năm để người lao động tiếp cận được, tránh 20 năm dài quá, người lao động không theo được, còn tinh thần “đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít”. 

Đồng thời, tăng gắn kết nhóm BHXH với nhau, chia sẻ giữa người đóng nhiều với người ít, người dài với người ngắn. 

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cùng với đó sẽ có cơ chế chính sách khuyến khích người lao động tham gia dài hơn; xử nghiêm lợi dụng lúc khó khăn ép công nhân mua bán sổ BHXH. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, đến nay tình trạng rút BHXH 1 lần giảm so với những tháng đầu năm.

Luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng các ý kiến, đặc biệt là ý kiến của người lao động

Phát biểu tại buổi đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mục tiêu lý tưởng mà Đảng, Nhà nước, cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi ra đi tìm đường cứu nước đặt ra là làm sao chăm lo đời sống của nhân dân được ấm no hạnh phúc. Chúng ta xác định quyền con người xuyên suốt, lấy con người làm chủ thể, trong đó đều có chủ thể là công nhân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

“Luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng các ý kiến, đặc biệt là ý kiến của người lao động. Tất cả là vì mục tiêu vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Đây là trách nhiệm chung của các bộ, ngành, địa phương”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng điểm lại 2 năm qua do dịch bệnh chưa có dịp đối thoại trực tiếp, nhưng Đảng, nhà nước, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm đến đời sống của công nhân lao động, luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân. Đồng thời có những chính sách tháo gỡ khó khăn vướng mắc về chế độ, chính sách, quyền lợi công nhân lao động, trong đó có công nhân.

Hôm nay, tiếp nối chuỗi công việc như thế, Tổng Liên đoàn Lao động cùng các cấp, các ngành lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu và có trách nhiệm thực hiện mục tiêu cao cả nhất của Đảng và Nhà nước đặt ra.

Thủ tướng mong muốn các công nhân chia sẻ thẳng thắn, chân thành, xây dựng. Từ đó các ngành, các cấp làm sao thực hiện mục tiêu ấm no, hạnh phúc của người dân, trong đó có công nhân.

Đã nhận gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị, đề xuất của cán bộ, công nhân cả nước

Phó Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu báo cáo với Thủ tướng về tình hình đời sống của công nhân lao động.

Theo ông Hiểu, năm 2021, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ khôi phục sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, trong đó quan tâm chăm lo, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Đồng hành cùng Chính phủ, tổ chức Công đoàn dồn toàn lực chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động, chia sẻ với doanh nghiệp, vượt mọi khó khăn. Trong khó khăn, quan hệ bền chặt, hướng tới mục tiêu chung giữa Chính phủ với tổ chức Công đoàn và người lao động được khẳng định hơn bao giờ hết.

Công nhân lao động tham gia buổi gặp gỡ đối thoại tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bắc Giang.

Ông Hiểu khẳng định, Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động ngày hôm nay là minh chứng sinh động cho quan hệ phối hợp hiệu quả, là hoạt động cụ thể hóa Nghị quyết số 02 ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Đó là “Người đứng đầu chính quyền các cấp định kỳ đối thoại và chỉ đạo giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động”.

Đây là dịp để Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, truyền thông điệp động viên, khích lệ công nhân lao động cả nước, phát huy truyền thống, vượt mọi khó khăn, chung sức, đồng lòng thi đua lao động sản xuất với năng suất cao hơn, chất lượng tốt, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thực hiện khát vọng dân tộc.

Ông Hiểu cho biết, đến nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nhận được gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị, đề xuất của cán bộ, đoàn viên công đoàn và công nhân lao động cả nước  đối với 126 vấn đề gửi đến người đứng đầu Chính phủ. Qua tổng hợp, các câu hỏi, kiến nghị, đề xuất tập trung chủ yếu xung quanh 10 nhóm vấn đề lớn: Tiền lương, sửa đổi chính sách bảo hiểm hay kiến nghị thúc đẩy giải quyết chính sách cho người lao động như: Chính sách hỗ trợ người lao động ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hỗ trợ con công nhân lao động, hỗ trợ tiền nhà cho người lao động…

Thủ tướng đi thăm, tặng quà cho công nhân lao động ở Bắc Giang

8h sáng, trước khi gặp gỡ, đối thoại trực tiếp, trực tuyến với công nhân cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thăm, tặng quà cho công nhân lao động tại một số nơi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Thủ tướng đến thăm gia đình công nhân Sùng Mí Ná

Đầu tiên, Thủ tướng đến thăm gia đình công nhân Sùng Mí Ná, sinh năm 2002, quê Hà Giang, đang làm việc tại Công ty TNHH in bao bì Sunny Việt Nam. Vợ chồng anh Sùng Mí Ná có 1 con nhỏ 7 tháng tuổi, hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ mất sớm, còn bà nội 85 tuổi sống một mình ở quê. Gia đình công nhân Sùng Mí Ná đang ở trọ tại thôn An Định, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, giáp TP. Bắc Giang.

Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm hỏi tình hình đời sống, thu nhập, động viên và tặng quà gia đình công nhân và tặng quà chung cho công nhân lao động tại khu nhà trọ.

Sau khi nghe công nhân chia sẻ về đời sống với mức lương (cả tăng ca) khoảng 10 triệu/tháng, Thủ tướng động viên giữ gìn sức khỏe, làm việc thật tốt. Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi nghe chủ nhà trọ nói "xem các công nhân như con cháu trong nhà".

Ảnh: Lê Anh Dũng

Người đứng đầu Chính phủ gửi gắm chủ nhà trọ "chăm lo đời sống cho các cháu cả về vật chất và tinh thần, nhất là những lúc ốm đau. Đồng thời giữ gìn vệ sinh môi trường nơi ăn ở của công nhân thật tốt".

Tiếp đó, Thủ tướng đến thăm khu nhà ở xã hội dành cho công nhân của Công ty TNHH Fuji tại Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên. Tại đây, Thủ tướng nắm bắt tình hình đời sống của công nhân, nơi ăn ở, sinh hoạt và tặng quà chung cho công nhân đang ở trọ.

Ngày 12/6: Thủ tướng gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động cả nước

Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động sẽ có 4.500 người lao động tham gia tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang và trực tuyến tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố với chủ đề "Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”.

Đây là diễn đàn để đoàn viên, công nhân lao động gặp gỡ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất những vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống với người đứng đầu Chính phủ. Thủ tướng sẽ lắng nghe, chỉ đạo giải quyết các vấn đề người lao động nêu ra.

Được biết, đã có khoảng 10.000 câu hỏi, kiến nghị và những đề xuất của công nhân lao động được gửi đến, tập trung vào 10 nhóm vấn đề như: Tiền lương, sửa đổi chính sách bảo hiểm hay kiến nghị thúc đẩy giải quyết chính sách cho người lao động như: Chính sách hỗ trợ người lao động ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hỗ trợ con công nhân lao động, hỗ trợ tiền nhà cho người lao động. 

Thủ tướng thăm hỏi cán bộ, kỹ sư và công nhân Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 ngày 8/5 (Ảnh: Dương Giang- TTXVN)

 Ngoài vấn đề tiền lương, nội dung quan tâm lớn nhất chính là vấn đề nhà ở, nhà trẻ trường học và thiết chế cho công nhân. 

Tiếp đó là vấn đề hỗ trợ tín dụng cho công nhân, người lao động nhằm khắc phục tình trạng tín dụng đen hoành hành hiện nay.

Tại chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam cũng ra mắt chương trình giải trí dành cho công nhân lao động mang tên “Giờ thứ 9+”.

Theo Vietnamnet.vn