Cập nhật ngày: 29/04/2022

Trượt công lập, Tùng Dinh (Hải Phòng) được khuyên học trường tư, nhưng cậu nộp hồ sơ vào Trung tâm giáo dục thường xuyên với mục tiêu theo tiếp cao đẳng nghề.

Bốn năm trước, khi trượt lớp 10 THPT công lập, Phạm Tùng Dinh, hiện 19 tuổi, cho rằng mình không đủ khả năng theo học tại các trường tư bởi học phí đắt đỏ. Trong những lựa chọn còn lại, Dinh nghĩ tới trung tâm giáo dục thường xuyên.

Sau khi tìm hiểu, Dinh đánh giá giáo dục thường xuyên là mô hình phù hợp. "Em vừa học văn hóa, lại được học nghề". Dinh cho rằng, điều này sẽ giúp cậu có lợi thế, có thể đi làm sớm hơn so với bạn bè ở trường công lập.

Ngay khi mới vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên An Dương, Dinh xác định mục tiêu thi vào cao đẳng nghề. Chương trình bảy môn văn hóa bắt buộc, ít hơn năm môn so với trường công lập, cho phép Dinh có nhiều thời gian ôn tập.

Ngoài chương trình văn hóa, Dinh học nghề kế toán tại trung tâm. Chương trình với 50% lý thuyết, 50% thực hành nên cậu có cơ hội rèn tay nghề. Kết thúc ba năm giáo dục thường xuyên, Dinh đánh giá mình đủ khả năng để xin việc tại một công ty hoặc doanh nghiệp với vị trí kế toán.

Năm 2021, Dinh đăng ký vào ngành Điện, trường Cao đẳng Hàng hải I, bằng cả hai phương thức xét học bạ và sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Giải thích lý do chuyển ngành, nam sinh cho biết muốn trang bị nhiều kỹ năng nhất có thể để tăng cơ hội việc làm.

Cũng như Dinh, biến cố gia đình xảy ra vào cuối năm lớp 9 khiến Trần Thị Nhung (19 tuổi, TP HCM) quyết định học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An.

Nhiều người cho rằng "đường học" của Nhung sẽ kết thúc do giáo dục thường xuyên vẫn bị mặc định là môi trường chủ yếu dành cho học sinh kém và ngỗ nghịch. Nhưng Nhung nghĩ môi trường không quyết định tất cả.

Không có điều kiện học thêm, nữ sinh chủ yếu tự học và tận dụng thời gian trên lớp. Nhung đánh giá, thầy cô giảng chậm, dễ hiểu, việc học ít môn cũng tạo điều kiện cho Nhung có thêm thời gian ôn bài. Hiện, Nhung là sinh viên năm nhất, khoa Giáo dục Mầm non, Đại học Sài Gòn.


Sinh viên trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, tháng 12/2021. Ảnh: Mạnh Tùng

 

Hệ thống giáo dục quốc dân cung cấp ba lựa chọn cho học sinh sau hoàn thành chương trình THCS: Tiếp tục con đường học vấn (vào các trường trung học phổ thông công lập hoặc tư thục), Vừa học vừa làm (hệ giáo dục thường xuyên) và Học nghề (trung tâm giáo dục nghề nghiệp, các trường trung cấp, cao đẳng nghề).

Dinh và Nhung thuộc 20-30% học sinh lớp 9 hàng năm chọn giáo dục thường xuyên sau khi tốt nghiệp THCS. Cả nước có gần 700 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có ít nhất một cơ sở. Không chỉ dạy chương trình THPT hệ giáo dục thường xuyên, các trung tâm có nhiều chương trình để học sinh lựa chọn: vừa học giáo dục thường xuyên, vừa học nghề hoặc chỉ học nghề.

Theo số liệu cuối năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2020-2021, hơn 300.000 học viên tham gia chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và THPT, tăng 53.000 so với năm trước đó. Bộ đánh giá, ngoài góp phần thực hiện phân luồng sau THCS, các trung tâm cũng tham gia đào tạo nhân lực tại chỗ cho địa phương.

Ông Nguyễn Công Dương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Ba Đình (Hà Nội), cho biết tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp hàng năm của trung tâm là 95%, trong đó gần một nửa trúng tuyển các trường đại học, cao đẳng.

Theo ông Dương, nếu có thể tận dụng thời gian ở trung tâm giáo dục thường xuyên, học sinh sẽ có lợi thế khi thi tốt nghiệp THPT hoặc liên thông lên cao đẳng (với những em chọn thêm chương trình nghề). Hiện, đơn vị của ông dạy chương trình văn hóa vào buổi sáng, còn ba buổi chiều trong tuần đào tạo nghề.

Học viên hệ trung cấp "9+3" trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TP HCM trong giờ học tháng 2. Ảnh: Mạnh Tùng

Cũng trượt cấp ba công lập, nhiều học sinh chọn học nghề để làm thợ, thay vì "sống chết" theo đuổi bằng cấp như số đông.

Đức Minh, 18 tuổi, ở ngoại thành Hà Nội, học liên thông lên cao đẳng nhờ tấm bằng trung cấp nghề khi theo học mô hình 9+. Sau khi tốt nghiệp THCS, cảm thấy khó có thể trúng tuyển một trường THPT công lập tốt ở Hà Nội, Minh chủ động tìm hiểu và đăng ký học chương trình chuyên ngữ 9+ tại một trường trung cấp.

"Thông thường, để được học chuyên sâu ngoại ngữ, em cần vào được trường chuyên. Việc này bất khả thi với em. Theo học nghề 9+, Minh được đào tạo thành thạo tiếng Anh hoặc một ngoại ngữ khác", Minh nói.

Sau ba năm học, nam sinh có thể sở hữu đồng thời bằng tốt nghiệp THPT và trung cấp chính quy. Nhờ đó, Minh chỉ mất thêm 1,5 năm khi học liên thông cao đẳng và đi làm sớm hơn 0,5-1,5 năm so với bạn bè học đại học hoặc cao đẳng chính quy.

Đề án năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt mục tiêu 25-30% học sinh tốt nghiệp THCS học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, do tâm lý trọng bằng cấp vẫn còn phổ biến cả trong quan niệm lẫn thực tế tuyển dụng, nên tỷ lệ học sinh chọn hướng học nghề, đặc biệt là từ sau cấp THCS vẫn còn thấp. Số học sinh tốt nghiệp THCS vào hệ thống trường nghề chỉ hơn 10%.

Cũng lựa chọn học nghề sau khi tốt nghiệp THCS, chị Nguyễn Thị Huế, 35 tuổi, quê Hải Phòng, học làm nail (nghề vẽ móng), rồi quyết tâm mở cửa hiệu của riêng mình. Sau 10 năm lăn lộn, hiện chị đã có một cơ sở Nail & Spa khang trang, giúp chị có thu nhập ổn định, và đào tạo được nhiều học viên đam mê học nghề như mình ngày trước.

"Tôi nghĩ, thay vì cố để theo số đông, ép bản thân học mà không hiệu quả thì có thể học nghề để sớm đi làm, ổn định công việc", chị Huế nói, đồng thời cho rằng quá sớm để đánh giá sự thành, bại của một người mà chỉ căn cứ vào kết quả học tập ở tuổi 15.

theo vnexpress.vn