Cập nhật ngày: 29/04/2022

Giáo dục nghề nghiệp với sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp nhân lực có kỹ năng cho lực lượng lao động Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đã đề ra định hướng và nhiệm vụ cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp là mở rộng quy mô để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% trong tổng lực lượng lao động.

Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại Hội nghị
Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại Hội nghị

Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao về nhân lực có kỹ năng phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới thì giáo dục nghề nghiệp vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Đó là, Việt Nam hiện có 98 triệu dân, 55 triệu lao động nhưng chỉ có 64,5% qua đào tạo; trong đó 24,5% có bằng cấp chứng chỉ; tuyển sinh trong giáo dục nghề nghiệp chỉ đạt khoảng 2,2 triệu người/năm, còn quá thấp so với nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề đặc biệt là kỹ năng nghề cao cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Lào Cai tham luận tại Hội nghị

Bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Lào Cai tham luận tại Hội nghị

 

Trước những bất cập này, ngày 30/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2239/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quyết định nêu rõ: Phát triển giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực để tranh thủ thời cơ dân số vàng, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập, chú trọng cả quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo; quan tâm đầu tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ngành, nghề đào tạo đạt trình độ tương đương với khu vực và thế giới...

Phấn đấu đến năm 2030, thu hút 50 - 55% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp

Phấn đấu đến năm 2030, thu hút 50 - 55% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp

Trong đó, đưa ra những mục tiêu cụ thể như: Phấn đấu đến năm 2030, thu hút 50 - 55% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; tỷ lệ lao động là người DTTS qua đào tạo nghề nghiệp đạt 50%... Phấn đấu có khoảng 90 trường nghề chất lượng cao; trong đó, có 60 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và 6 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; khoảng 200 ngành, nghề trọng điểm; trong đó 20 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực ASEAN và thế giới…

Để đạt được mục tiêu này, sẽ có 8 nhóm giải pháp; trong đó, giải pháp đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp được xác định là nhóm giải pháp có tính đột phá.

Theo baodantoc.vn