Cập nhật ngày: 26/04/2022

Ngày 27/4/2022, tại Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Phó tổng cục trưởng Đỗ Năng Khánh đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Đại học RMIT để trao đổi kinh nghiệm triển khai đào tạo nguồn nhân lực. Tham dự buổi làm việc về phía Đại học RMIT có Bà Mish Eastman - Phó Chủ tịch phụ trách Giáo dục và Đào tạo nghề nghiệp, Bà Claire Macken -  Giám đốc cao cấp (phụ trách đào tạo và sinh viên); Bà Kylie Dillon - Giám đốc kế hoạch và nguồn nhân lực; Ông Paul Oppenheimer - Giám đốc dự án và chiến lược toàn cầu; Bà Dương Hồng Loan - Giám đốc chiến lược và quan hệ đối ngoại.

    

 

   Phó tổng cục trưởng Đỗ Năng Khánh (ngồi giữa) trao đổi thông tin về giáo dục nghề nghiệp Việt Nam

Thay mặt đoàn công tác của Đại học RMIT, Bà Mish Eastman bày tỏ mong muốn tìm hiểu về hệ thống GDNN Việt Nam định hướng chiến lược phát triển, và quá trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp. Qua đó, RMIT có cơ hội để tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam.

Phó tổng cục trưởng Đỗ Năng Khánh cảm ơn sự quan tâm và chuyến thăm của Đoàn công tác. Hiện nay, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đã có sự kết nối với giáo dục nghề nghiệp của Úc, thể hiện qua việc Việt Nam đã nhận chuyển giao và đào tạo thành công 12 nghề của Úc; có nhiều cán bộ quản lý, nhà giáo được đào tạo tại Úc. Với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, sự thay đổi của thế giới việc làm, không chỉ Việt Nam mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều cần nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, nhu cầu nhân lực các lĩnh vực đều thiếu. Những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiếu chính sách để phát triển giáo dục nghề nghiệp và qua công tác truyền thông đã góp phần làm thay đổi nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp, do đó số ngườ học tham gia vào giáo dục nghề nghiệp đã có xu hướng tăng. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế về nội dung, chương trình đào tạo, khối ngành kỹ thuật mặc dù ra trường có việc làm ngay, nhưng tuyển sinh vẫn còn nhiều khó khăn.

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến năm 2045, Chiến lược chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, Việt Nam sẽ phát triển một hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiện đại để đáp ứng nhu cầu người học, nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế, xã hội. Việt Nam sẽ tiến hành đầu tư, phát triển hệ thống các trường chất lượng cao, tiếp cận với Asean 4 và G20. Tập trung vào các nghề công nghệ mới, công nghệ số. Về chuyển đổi số là một yêu cầu khách quan, là nhu cầu của quản lý hệ thống. hiện nay, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã và đang triển khai nhiều hoạt đông cho quá trình chuyển đổi số như: Xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các phần mềm ứng dụng, đổi mới chương trình đào tạo có gắn với công nghệ thông tin, đào tạo lại các kỹ năng số, sư phạm số cho đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo… Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẵn sàng hợp tác với RMIT để triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam. 

Bà Mish Eastman cảm ơn những thông tin chia sẻ của Phó tổng cục trưởng Đỗ Năng Khánh. Bà cũng cho biết hiện RMIT có trên 100.000 sinh viên, trong đó cao đẳng nghề là 20.000 sinh viên. Hiện RMIT đang tiến hành khảo sát nhu cầu nhân lực tại một số địa phương để xây dựng kế hoạch, chương trình đào tại phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Về quá trình chuyển đổi số, bà cũng cho biết, RMIT có nhiều kinh nghiệm triển khai giáo dục trên môi trường số. Theo đó cần chú ý đến năng lực của nhà giáo, phải xây dựng được đội ngũ nhà giáo có năng lực giảng dạy trên môi trường số. Giáo dục nghề nghiệp của Úc luôn thực hiện với sự mệnh học tập suốt đời. Giáo dục nghề nghiệp là mấu chốt của mỗi người, học đúng kỹ năng để phục vụ cho công việc, lao động … 

 

   Đoàn công tác của Đại học RMIT tại buổi làm việc

Phó tổng cục trưởng Đỗ Năng Khánh cảm ơn Đoàn công tác đã tới làm việc, chia sẻ thông tin và sự hợp tác của RMIT với giáo dục nghề nghiệp Việt Nam. Hy vọng với sự kết nối này sẽ mang lại sự hợp tác thành công, hai bên cùng có lợi và có một điểm chung đó là mong muốn xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam có chất lượng đáp ứng nhu cầu phục vụ và phát triển nền kinh tế.