Cập nhật ngày: 04/04/2022

 Ngày 4/4/2022, đoàn công tác của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội do ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại tỉnh Bình Phước. Tiếp và làm việc với Đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan, lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 02 Trường Cao đẳng; 03 trường Trung cấp; 08 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên; 04 trung tâm giáo dục nghề nghiệp; 06 đơn vị có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Kết quả tuyển sinh và đào tạo giai đoạn 2016 - 2021 được 82.375 người, đạt 92,6% kế hoạch. Giai đoạn 2022-2025, Bình Phước phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS, ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tuyển sinh đào tạo khoảng 75.000 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31% và 40% đến năm 2030.

Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng phát biểu tại buổi làm việc

 

Để thực hiện mục tiêu trên, Tỉnh ủy sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề GDNN nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy địa phương với kết quả lao động qua đào tạo và giải quyết việc làm của địa phương. Đồng thời, ngoài chính sách theo quy định của TW, UBND tỉnh đang xem xét, trình HĐND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ trực tiếp phí đào tạo cho các học viên học tập trung chính quy trình độ trung cấp, cao đẳng, tùy theo nguồn lực của tỉnh để hỗ trợ với các hình thức: cho vay không lãi suất, hỗ trợ một phần học phí hoặc hỗ trợ toàn bộ học phí với các ngành mũi nhọn, cần tập trung thu hút nguồn nhân lực. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá GDNN. Điều chỉnh tỷ lệ phân luồng, từng bước tăng tỷ lệ bằng với mức tối thiểu theo quy định tại quyết định 522/QĐ-TTg. Rà soát, tái sắp xếp, nâng cao năng lực đào tạo các Trung tâm GDNN-GDTX, cơ sở GDNN đảm bảo 100% các em có nhu cầu học văn hóa, học nghề được tiếp tục theo học. Xây dựng trường cao đẳng Bình Phước thành trường nòng cốt trong công tác đào tạo nghề của tỉnh; xem xét sáp nhập các trung tâm GDNN-GDTX, giải thể các Trung tâm không hiệu quả, đảm bảo các Trung tâm sau sắp xếp trở thành các trung tâm vệ tinh của các doanh nghiệp trong đào tạo nghề nghiệp và là trung tâm kết nối thị trường lao động địa phương, thực hiện chức năng cung cấp các dịch vụ học tập suốt đời của người dân toàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị một số nội dung: Bình Phước là tỉnh còn nhiều khó khăn, nguồn lực còn nhiều hạn chế (chưa tự cân đối ngân sách) với nhiều tồn tại về nguồn nhân lực, trong bối cảnh kinh tế xã hội đang tăng tốc phát triển, có nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực, nhất là lao động có trình độ kỹ thuật, do vậy, đề nghị quan tâm hỗ trợ vốn đầu tư để hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu về quy mô, chất lượng đào tạo của Trường Cao đẳng Bình Phước, tiếp tục tạo điều kiện bố trí nguồn lực và điều phối nguồn lực từ các chương trình, dự án cho tỉnh để đầu tư tập trung đồng bộ đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn. Thực hiện mục tiêu phân luồng, giai đoạn 2022-2025 sẽ có lực lượng lớn học sinh chuyển hướng học nghề, cần có các chính sách khuyến khích, thu hút học viên, đề nghị có các gói hỗ trợ cho học sinh tiếp tục tham gia học nghề, có thể bằng hình thức vay vốn ưu đãi qua ngân hàng chính sách, ưu tiên cho các tỉnh chưa cân đối được ngân sách và có xu hướng phát triển mạnh ngành công nghiệp. Hỗ trợ xây dựng chương trình đào tạo, phương pháp đánh giá đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng khẳng định, phát triển GDNN phải là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực, là trọng tâm đột phá của Bình Phước thời gian tới, cần có nghị quyết của Tỉnh ủy về GDNN. Đề nghị UBND tỉnh khảo sát, xác định rõ nhu cầu nhân lực kỹ năng theo từng ngành nghề, số lượng, quy mô trong ngắn, trung và dài hạn để xây dựng kế hoạch phát triển GDNN gắn với kế hoạch phát triển KTXH của địa phương; tập trung đề xuất những cơ chế đặc thù trong công tác đào tạo, giáo dục nghề nghiệp của tỉnh. Thành lập hội đồng giáo dục nghề nghiệp với vai trò là cơ quan liên ngành tư vấn chính sách, khuyến nghị và điều phối, xây dựng, giám sát các chương trình hỗ trợ đổi mới giáo dục nghề nghiệp của tỉnh. Tăng cường truyền thông tư vấn hướng nghiệp, kết nối đồng bộ giữa đào tạo gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo. Không ngừng ưu tiên đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực phát triển giáo dục nghề nghiệp. Trong vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, tỉnh cùng các ngành liên quan rà soát, tham mưu những hạng mục cần thiết để có đề xuất hỗ trợ nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm phục vụ cho công tác đào tạo nâng cao chất lượng học sinh, sinh viên học nghề trên địa bàn tỉnh./.

 

VP TCGDNN