Cập nhật ngày: 30/03/2022

 Trong lực lượng lao động qua đào tạo nghề, thanh niên chiếm tỷ lệ chủ yếu nhưng vẫn còn thấp, chỉ khoảng 20 - 21%, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực đất nước. Vì vậy, đào tạo nghề cho thanh niên có tầm quan trọng đặc biệt, nhất là trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế hiện nay. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục TẠ VĂN HẠ, đó cũng là lý do Diễn đàn Chính sách quốc gia đối với thanh niên năm 2022 chọn chủ đề “Đào tạo nghề cho thanh niên”.

 

Chất lượng lao động thanh niên còn thấp

- Chuẩn bị cho Diễn đàn Chính sách quốc gia đối với thanh niên năm 2022 diễn ra tại Nhà Quốc hội sáng 30.3, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã xây dựng báo cáo tổng quan về đào tạo nghề cho thanh niên. Qua báo cáo này nổi lên những vấn đề gì, thưa ông?

- Theo số liệu thống kê, năm 2021, dân số thanh niên (từ 16 - 30 tuổi) của Việt Nam là gần 24 triệu người, chiếm 24,3% tổng dân số cả nước. Theo số liệu điều tra lao động - việc làm quý II.2021 của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động thanh niên (từ 15 - 24 tuổi) khoảng 5,22 triệu người, chiếm 43% tổng dân số thanh niên và 10,2% tổng lao động thanh niên cả nước.

Về cơ cấu lao động, tỷ lệ thanh niên đã qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ là 18,12% lao động thanh niên, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo chiếm trên 81%. Tỷ lệ thanh niên tốt nghiệp tiểu học trở xuống chiếm 21%, tỷ lệ lao động thanh niên tốt nghiệp THCS chiếm 32,92%. Như vậy có thể thấy chất lượng lao động thanh niên còn thấp, cản trở sự tiếp thu khoa học - công nghệ, ảnh hưởng đến chất lượng việc làm của thanh niên.

- Thực tế này đặt ra yêu cầu gì đối với hướng nghiệp, đào tạo việc làm cho thanh niên để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước cũng như quá trình hội nhập quốc tế?

- Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cứ sau 5 năm 30% kỹ năng nghề nghiệp hiện tại của người lao động sẽ không được sử dụng nữa, phải thay thế bằng những kỹ năng mới. Điều này đòi hỏi người lao động trẻ trong các doanh nghiệp cần được trang bị không chỉ kỹ năng nghề nghiệp mà còn phải được trang bị kỹ năng thích ứng với sự thay đổi.

Bên cạnh đó, Cách mạng Công nghiệp 4.0 khiến nhiều nghề truyền thống sẽ mất đi, nhiều nghề mới, công việc mới sẽ xuất hiện. Vì vậy, thanh niên, ngoài trang bị kỹ năng nghề nghiệp thông qua đào tạo nghề để có việc làm thỏa đáng, phải trang bị những kỹ năng mềm, kỹ năng thích ứng để có thể làm việc trong môi trường 4.0.

Trong bối cảnh đó, đào tạo nghề cần được nhìn nhận trong mối quan hệ tổng hòa với giáo dục - đào tạo, thị trường lao động, việc làm, nguồn nhân lực, phát triển kinh tế - xã hội; hài hòa giữa nhu cầu cá nhân thanh niên và nhu cầu xã hội. Phát triển đào tạo nghề theo hướng hiện đại, đa dạng, mở, linh hoạt, liên thông, dễ tiếp cận về cơ cấu ngành/nghề, trình độ và phương thức đào tạo (đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao...), tạo ra nhiều cơ hội, mở ra nhiều con đường cho mọi người, nhất là thanh niên có thể lựa chọn để phát triển năng lực cá nhân và thành công trong suốt cuộc đời lao động nghề nghiệp.

Hạn chế chồng chéo, sử dụng hiệu quả nguồn lực

- Thời gian qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thanh niên. Tác động của những chính sách này đối với lao động thanh niên ra sao?

- Gần đây nhất, năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật Thanh niên, có quy định về trách nhiệm của thanh niên trong học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng; chính sách học tập, nghiên cứu khoa học, lao động, việc làm, khởi nghiệp… đối với thanh niên. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, ngành và tổ chức thanh niên đề ra cơ chế, chính sách và giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thanh niên.

Thực hiện Luật Thanh niên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, trong đó đưa ra mục tiêu “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề và tạo việc làm bền vững cho thanh niên; phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao”. Chiến lược cũng đề ra các cơ chế, chính sách, giải pháp về tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm; đồng thời có cơ chế, chính sách đối với các nhóm thanh niên đặc thù như người khuyết tật, người nhiễm HIV, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...

Trong bối cảnh hội nhập, đồng thời để giảm bớt áp lực về việc làm trong nước, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (năm 2020).

Những cơ chế, chính sách này, cùng với các quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Việc làm… đã ban hành trước đó tạo điều kiện cho thanh niên được đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, qua đó có cơ hội tìm kiếm việc làm ở trong và ngoài nước, tham gia tích cực vào thị trường lao động.

- Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, xu thế hội nhập quốc tế mạnh mẽ, đặc biệt là những tác động của đại dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi xu hướng, phương thức làm việc và cơ cấu ngành nghề trên thị trường lao động. Những cơ chế, chính sách hiện có đã đủ bảo đảm chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho thanh niên chưa, thưa ông?

- Hoàn thiện thể chế, chính sách là một trong những nhóm giải pháp mà chúng tôi khuyến nghị để đào tạo, phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên. Theo đó, rà soát, sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Việc làm, Luật Thanh niên… theo hướng đồng bộ hóa các quy định liên quan đến đào tạo nghề và việc làm, khởi nghiệp cho thanh niên, trách nhiệm của các bên có liên quan trong đào tạo nghề, hướng nghiệp và giải quyết việc làm, nâng cao hiệu quả sử dụng nhân lực thanh niên.

Bên cạnh đó, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đối với các chủ thể có liên quan như chính sách đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người học, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề nghiệp, tổ chức hướng nghiệp; chính sách khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của thanh niên và cho thanh niên. Rà soát, điều chỉnh các chương trình, dự án có liên quan đến đào tạo nghề và đào tạo nghề cho thanh niên để hạn chế sự chồng chéo, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.

- Xin cảm ơn ông!

 
Anh Minh thực hiện