Cập nhật ngày: 29/03/2022

 Ngày 30/03 tới, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn chính sách Quốc gia đối với thanh niên năm 2022, với chủ đề “Đào tạo nghề cho thanh niên”. Diễn đàn này sẽ lắng nghe những đóng góp quý báu về mặt giải pháp cho công tác đào tạo nghề phù hợp với tình hình mới.

Mời các bạn xem phóng sự tại đây

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, dân số trong nhóm thanh niên từ 15-29 tuổi trong cơ cấu lao động giảm. Đây chỉ là một trong những thách thức đối với việc đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực trong tương lại. Ông Trương Anh Dũng, TCT Tổng cục GDNN sẽ chia sẻ thêm những nhận định về cơ hội và thách thức đối với công tác đào tạo nghề cho thanh niên. 

Thời gian qua Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thanh niên. Đào tạo nghề cho đối tượng thanh niên nông thôn cũng được lồng ghép trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu QG Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2010-2015 và trong chương trình mục tiêu QG Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Sau hơn 10 năm thực hiện đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, nhiều địa phương chia sẻ đạt được những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, để công tác đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn hiệu quả hơn, vẫn còn nhiều khó khăn cần giải quyết. 

 

NHIỀU VƯỚNG MẮC TRONG ĐÀO TẠO NGHỀ

Vườn cam này của gia đình anh Nguyễn Văn Trạch ở thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi theo học lớp đào tạo nghề cho lao động thanh niên nông thôn ở trường TC Nghề Lý Tự Trọng, thu nhập của anh tăng lên đáng kể.

Anh NGUYỄN VĂN TRẠCH, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh
“Chuyển giao kĩ thuật, năng suất cao hơn trước đây là 15%, phát triển đều cân đối hơn, bệnh tật tít hơn… nhờ học nghề….”

Nhìn thấy hiệu quả sau khi tham gia các khóa đào tạo, ngày càng nhiều thanh niên nông thôn tìm tới các khóa đào tạo nghề ngắn hạn như anh Trạch. Tuy vậy, không phải cơ sở đào tạo nào, xã nào cũng thành công. Bởi, chất lượng nguồn lao động qua đào tạo nghề ở nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu. 

Em BỜ LIN LÝ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam
“Em ở nông thôn, khi tốt nghiệp lớp 9, em muốn có việc làm, em biết là học nghề ở đây 3 tháng thôi, không mất kinh phí, xong ra trường lại được giới thiệu công ty đi làm luôn…”

Sau hơn 10 năm triển khai đề án 1956, câu hỏi làm thế nào để khai thác nguồn đầu tư hiệu quả, phù hợp với từng địa phương, tránh thất thoát lãng phí, tránh triển khai theo kiểu dàn trải, hô hào sẽ vẫn phải tiếp tục đi tìm câu trả lời. 

Ông NGUYỄN PHÚC LONG, Giám đốc TT GD nghề-GDTX huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh
“Khó khăn là đội ngũ giảng viên. Bài toán hầu như không có GV nghề, ít ỏi nên đáp ứng được chất lượng đầu ra là khó khăn... 

Tỷ lệ thanh niên qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ vẫn thấp hơn so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước. Số thanh niên nông thôn được đào tạo nghề chủ yếu là đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, tỷ lệ chưa qua đào tạo còn lớn. 

Bà TRẦN THỊ NHƯ QUỲNH : Trưởng ban Phong trào thanh niên tỉnh Đoàn tỉnh Quảng Trị
“tôi có đề xuất là đề nghị các cấp các nghành cần quan tâm đến vấn đề đầu ra cho các lớp nghề mà chúng ta đã tổ chức bên cạnh đó vấn đề đào tạo nghề gắn với các dự án trọng điểm qui hoạch của tỉnh cũng như trung ương để cho các bạn thanh niên sắp xếp định hướng biết được việc học nghề của mình và có thêm động lực để các bạn học nghề.

Bà LÊ NGUYỄN HUYỀN TRANG, Phó giám đốc sở LĐTBXH tỉnh Quảng Trị
“Để triển khai có hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp đề nghị Bộ LĐTB và XH tiếp tục rà soát hoàn thiện các cơ chế chính sách ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để các địa phương dễ trong việc tổ chức thực hiện như sẽ tổ chức đào tạo nghề cho 3 nhóm đối tượng liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia rồi liên quan đến chính sách đào tạo nghề cho nhóm thanh niên xuất ngũ theo hướng dẫn của thông tư số 43 và nghị định 61”

Tính đến quý I năm 2021, tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo là 16,3%, tương đương với gần 2 triệu thanh niên, tăng 51,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Đây là thách thức không nhỏ, đòi hỏi nhiều hơn sự đồng lòng nỗ lực, những chính sách và các chương trình đầu tư tích hợp nhằm hỗ trợ quá trình thanh niên chuyển tiếp sang làm những công việc hiệu quả.

Trong thư kêu gọi Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam nhân ngày kỹ năng lao động Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cùng các các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan ưu tiên nguồn lực, cơ chế chính sách và hành động quyết liệt để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao, phổ cập nghề cho thanh niên. Chúng ta sẽ tiếp tục nghe những chia sẻ của ông Trương Anh Dũng, TCT Tổng cục GDNN về những cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên, đặc biệt là các đối tượng thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thanh niên tình nguyện. Và tới đây, Tổng cục GDNN sẽ ưu tiên những giải pháp nào để góp phần thực hiện mục tiêu trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực có chất lượng? 

Về vấn đề này, chúng tôi cũng xin được kết nối điện thoại với ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn TNCSHCM. Thưa ông, tổ chức Đoàn và Hội LHTNVN sẽ có những chính sách hỗ trợ như thế nào với thanh niên, làm sao để công tác tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên thực sự hiệu quả, chứ không chỉ là hô hào tuyên truyền?

Thưa quý vị, Thanh niên, lao động trẻ là một bộ phận quan trọng trong nguồn nhân lực quốc gia (hiện chiếm 24,8% dân số và khoảng 25% lực lượng lao động). Tuy nhiên, nhìn tổng thể, hiện nay tỷ lệ lao động thanh niên được đào tạo có văn bằng, chứng chỉ trong tổng số thanh niên còn thấp, nhất là thanh niên nông thôn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cho phát triển KT-XH đất nước. Thực hiện Luật Thanh niên, Thủ tướng Chính phủ đã Ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030, trong đó, “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề và tạo việc làm bền vững cho thanh niên; phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao” là một trong những mục tiêu ưu tiên với nhiều tiêu chí cụ thể. Nâng cao kỹ năng của lao động thanh niên, tạo điều kiện cho thanh niên học nghề, tham gia vào chuỗi cung ứng nhân lực toàn cầu là yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay.

Góc nhìn hôm nay của chúng tôi cũng xin tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong các chương trình sau, vào lúc 20h45 trên sóng Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
 

Thực hiện : Phan Hằng Nguyễn Duyên Cao Hoàng