Cập nhật ngày: 27/02/2022

 Từ chối cơ hội vào 2 trường ĐH để rồi trở thành thủ khoa trường nghề, tham gia chống dịch ngay khi vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, chàng trai 18 tuổi Trần Đặng Văn Tài đã trở thành một trong 14 công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2021.

Đỗ 2 trường đại học vẫn đi học nghề

Niềm vui nối tiếp niềm vui khi vừa được xướng tên trong chương trình Vinh danh thủ khoa chưa lâu, Trần Đặng Văn Tài lại tiếp tục được vinh danh là Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM.

“Cả hai danh hiệu đều khiến em bất ngờ. Em không học quá giỏi và trở thành công dân trẻ tiêu biểu là điều em chưa từng mơ tới”, Tài khiêm tốn.

Đó là bệ phóng để em phát triển hơn công tác Đoàn cũng như quá trình học tập, nhưng cũng khiến bản thân em phải chú ý hơn trong lời ăn tiếng nói, cách cư xử, nghiêm túc hơn.

Những năm cấp 3, thành tích học tập của Tài luôn ở mức khá – giỏi. Toán là môn học mà em luôn có điểm số cao nhất. Năm lớp 11, điểm trung bình toán của Tài xấp xỉ 10 phẩy. Dù vậy, em tự nhận mình “mắc” chứng sợ trở thành tâm điểm của sự chú ý và không muốn trở thành “con nhà người ta”.

“Bạn bè nhận xét em có nhiều thứ lạ lắm, có những bài toán em có thể làm 10 điểm nhưng em chỉ làm 8 điểm thôi để mình được ngồi phía sau, không phải ngồi bàn đầu gần thầy. Điểm cao quá sẽ khiến bạn bè kỳ vọng ở mình nhiều hơn, điều đó sẽ làm em gặp áp lực”, Tài chia sẻ.

Với 26.5 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, nam sinh Sài Gòn đỗ vào trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, trường ĐH Giao thông Vận tải phân hiệu TP.HCM và trường CĐ Công nghệ Thủ Đức. Từ chối ĐH để trở thành sinh viên trường nghề, quyết định của Tài gây bất ngờ cho tất cả mọi người. Lý giải về lựa chọn có phần khác biệt, Tài cho biết, quyết định của em chỉ đơn giản là vì ô tô là ngành học có tiềm năng lớn và em thực sự yêu thích.

“Mặc dù đỗ 2 trường ĐH nhưng lại là các ngành kỹ thuật điện và kỹ thuật cơ khí. Đó không thực sự là ngành em yêu thích. Nhận giấy báo trúng tuyển 2 trường ĐH, mẹ tư vấn "Thôi! học ĐH đi nhưng em nói rằng con sẽ học ô tô, vì cậu em cũng làm nghề ô tô, cậu sẽ là người dẫn dắt em theo nghề...”. Những lập luận của Tài cuối cùng đã thuyết phục được mẹ ủng hộ quyết định lựa chọn học nghề.

Sợ trở thành F0 nhưng còn nhiều người cần mình

Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 một tháng, dịch COVID-19 bùng phát ở TPHCM, thành phố thông báo tuyển tình nguyện viên cho các bệnh viện dã chiến và các khu vực phong tỏa. Vốn là phó bí thư đoàn Trường THPT Phước Long, Tài nôn nóng muốn đăng ký tham gia nhưng kỳ thi quan trọng đã cận kề, em đành gác lại nguyện vọng chống dịch để dồn sức ôn thi.

Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngay lập tức Tài viết đơn tình nguyện đi chống dịch. Điều mà em băn khoăn chỉ là lúc đó cả nhà em chưa ai tiêm vaccine và bà ngoại tuổi đã cao.

Đi chống dịch em chỉ dám nói với mỗi mình mẹ. “Mẹ tin tưởng nhưng cũng đặt ra điều kiện phải bảo đảm các biện pháp an toàn, khi chống dịch trở về nhà phải dùng nước ấm ngâm quần áo, ngày nào cũng tắm cồn xong mới về...”

Những ngày dịch căng thẳng nhất, ngày nào Tài và các bạn cũng làm việc từ 6h sáng đến 10 giờ tối mới trở về. Lúc tham gia trực chốt, lấy mẫu cộng đồng ở phường Phước Long B, khi thì tổ chức tiêm vaccine ở phường Hiệp Phú, rồi xin tài trợ nghĩa tình cho người lao động và sinh viên khó khăn... Không sợ khó, sợ khổ, việc nào Tài cũng làm.

“Kỷ niệm nhớ nhất, cho em cảm xúc bồi hồi rơi nước mắt là khi đi phát quà tài trợ ở các địa bàn khó khăn. Một xóm trọ nghèo 6-7 dãy nhà với cả trăm người nhưng chỉ có 50 phần quà. Mặc dù vậy, họ rất yêu thương nhau, họ chia đều 50 phần quà cho tất cả mọi người. Đội tình nguyện chống dịch lại càng được dân quý hơn. Trong mùa dịch tình cảm hàng xóm, tình yêu thương giữa người với người quý giá biết bao”, Tài nhớ lại.

Đi chống dịch đôi lúc cũng sợ một ngày trở thành F0 nhưng đã khoác lên mình chiếc áo Đoàn và biết còn rất nhiều người đang cần hỗ trợ thì Tài không còn sợ hãi.

Hoảng nhất là lần vừa phát quà cho người dân trên địa bàn phường Tân Phú thì nghe tin khu vực đó test ai là người đó mắc COVID-19.

“Mình lo nhưng vẫn làm, nhỡ có mắc COVID thì lại vào bệnh viện dã chiến cách ly. Điều khiến em vượt qua sợ hãi là khi nhìn vào công việc, còn nhiều người cần mình giúp đỡ thay vì chỉ ngồi đó suy nghĩ mình tiếp xúc F0 này kia”.

Tại Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, để phát triển CLB tình nguyện Nón Đỏ, Tài được giao nhiệm vụ làm phó chủ nhiệm CLB. Thầy Nguyễn Xuân Toán, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức tự hào về sinh viên đầu tiên của trường được vinh danh là công dân trẻ tiêu biểu thành phố.

“Tài là một cán bộ Đoàn tiêu biểu, tích cực tham gia hoạt động tình nguyện, điển hình đặc biệt phòng trào chống dịch thành phố. Nhà trường cũng triển khai hoạt động này. Em từng cán bộ Đoàn cấp phổ thông, trong thời gian giãn cách, em xông xáo tham gia phòng chống dịch, hỗ trợ phối hợp với Đoàn trường trong triển khai phong trào ở các địa phương, đặc biệt trên địa bàn TP. Thủ Đức (TPHCM).

Sau khi thành phố trở về trạng thái bình thường mới, Tài cũng bắt tay vào hoạt động Đoàn. Nhà trường vinh dự khi có sinh viên là công dân trẻ tiêu biểu của thành phố”.

Sau những giờ học, những buổi làm thêm rồi tham gia công tác tình nguyện, Tài trở về quán cóc dựng sát vách chung cư văn hóa phường Phước Long B, phụ mẹ bán hàng. Gần 20 chục năm qua, mẹ Tài mưu sinh bằng những tô bún, phở, hủ tiếu, nước giải khát, chiều thì bán bột chiên. 

Tài đặt mục tiêu sẽ học tập thật tốt ra đi làm để đỡ đần mẹ bớt vất vả. Xa hơn nữa là mở được một gara ô tô lớn đúng với ước mơ mà em đã chọn khi quyết định bước chân vào trường nghề.

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

PHƯƠNG LAN