Cập nhật ngày: 06/02/2022

 TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết với quá trình chuyển đổi số, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp xác định coi doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số.


Trao đổi cùng Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Bình nhấn mạnh quá trình chuyển đổi số sẽ tác động thay đổi cốt lõi hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên nhiều khía cạnh.


-Ông có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?

Quá trình chuyển đổi số sẽ tác động có tính thay đổi cốt lõi đến hoạt động GDNN theo các góc độ sau đây:

Thứ nhất, tác động đến cách thức quản lý, chỉ đạo điều hành trong của các cơ quan quản lý nhà nước, hướng đến cách thức quản lý và ra quyết định trên nền tảng công nghệ số và dữ liệu lớn.

Thứ hai, tác động trực tiếp đến các đối tượng tham gia hoạt động GDNN, thay đổi cách quản lý hoạt động GDNN, cách dạy của giáo viên, cách học, cách thực hành kỹ năng nghề của học sinh sinh viên tại các cơ sở GDNN từ môi trường truyền thống lên môi trường số.

Thứ ba, bản thân quá trình vận động xã hội khi chuyển đổi số sẽ sản sinh ra nhiều ngành nghề mới, nhiều lĩnh vực mới. Đây là thị trường mới tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức đối với hoạt động GDNN.

 
-Nhưng vẫn có những ý kiến cho rằng, giáo dục nghề nghiệp đơn thuần chỉ là việc dạy và học hoặc đơn giản chỉ là chuyển từ học trực tiếp sang học online do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc thực hiện chuyển đổi số dường như là điều gì đó lãng phí và có phần cường điệu hoá. Cá nhân ông đánh giá như thế nào về quan điểm này?

Tôi cho rằng, một số thầy cô nghĩ rằng chuyển các bài giảng của mình đã là chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, hoặc các thầy cô sử dụng các bài giảng hàng ngày giảng dạy trực tiếp và giờ giảng dạy qua các hệ thống như Zoom, Google meeting... đã gọi là đào tạo trực tuyến là chưa đúng. Đào tạo trực tuyến phải là một hệ thống thống nhất đồng bộ từ quản lý nội dung, quản lý học tập, kiểm tra đánh giá kết quả học tập.

Tôi muốn nhấn mạnh, đào tạo trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp không có nghĩa là nghề nào, nội dung nào, môn học nào cũng có thể đào tạo trực tuyến, tuy nhiên việc sử dụng đào tạo trực tuyến sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc đào tạo trực tiếp, đặc biệt là những môn học về lý thuyết, các nguyên lý, cấu tạo… cung cấp kiến thức cho người học.


Việc đào tạo trực tuyến kết hợp với các mô hình, mô phỏng, thực tế ảo sẽ giúp thành thục kỹ năng nhanh hơn.

Do vậy, không thể đánh giá phiến diện chuyển đổi số là điều gì đó lãng phí và có phần cường điệu hoá bởi chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu của thực tế mà đại dịch COVID-19 chỉ là chất xúc tác để quá trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn.

-Như ông nói, chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu của thực tế. Vậy, với vấn đề hạ tầng, nền tảng và học liệu số của chúng ta hiện nay đã đáp ứng được với yêu cầu của chuyển đổi số chưa? Thưa ông?

Vấn đề hạ tầng, nền tảng và học liệu số của chúng ta hiện nay là một vấn đề rất lớn, được đưa thành một giải pháp trong chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong những năm vừa qua, đã có nhiều dự án, nội dung đầu tư của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua chỉ “mạnh ai, nấy làm”, chưa có định hướng hoạt động cụ thể, nay với các giải pháp trong đề án, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ được sử dụng nền tảng dùng chung của giáo dục nghề nghiệp và có thể bổ sung các học liệu trong quá trình đào tạo, giảng dạy.

Ngoài ra, còn có sự vào cuộc, hỗ trợ của các doanh nghiệp công nghệ số trong lĩnh vực này.


-Vậy, đối với vấn đề dạy và học, việc chuyển đổi số sẽ tác động ra sao, thưa ông?

Trước sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ, nhất là của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, việc đào tạo nhân lực chất lượng cao trong GDNN cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30/12/2021, Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, giáo dục nghề nghiệp cần: Phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp làm quen, tiếp cận với giảng dạy, quản trị trên môi trường số; Đổi mới và phát triển chương trình đào tạo tích hợp năng lực số, có nội dung đào tạo phù hợp với phương thức chuyển đổi số.

Hình thành nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia và kho học liệu, tài nguyên số dùng chung phục vụ cho hoạt động dạy và học.

Xây dựng các bộ công cụ thích hợp để phân tích dữ liệu lớn để dự báo các năng lực và kỹ năng số cần có của ngành, nghề, đặc biệt là các ngành nghề phục vụ cuộc các mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa và xây dựng mới chuẩn kiển thức, năng lực thực hiện cho các ngành nghề đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.

 


-Được biết, trong quá trình chuyển đổi số, giáo dục nghề nghiệp sẽ lấy doanh nghiệp là trọng tâm trong chiến lược. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này? Vì sao trong quá trình này doanh nghiệp lại là trung tâm chứ không phải là các trường nghề, các học sinh, sinh viên hoặc đối tượng khác?

Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, tuy nhiên giải pháp gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp.


Trên thực tế, thị trường lao động được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hết sức quan tâm vì các cơ sở giáo dục nghề nghiệp kết nối với doanh nghiệp trong việc đào tạo sẽ giúp người học được tiếp xúc với công việc thực tế ngay khi còn đang đi học như vậy sẽ giúp người học hiểu biết rõ hơn về công việc thực tế, giúp người học tập trung vào các nội dung học quan trọng để nâng cao năng lực của chính mình, phục vụ tốt công việc trong tương lai.

Vì vậy, chúng tôi rất mong các doanh nghiệp hãy đồng hành cùng giáo dục nghề nghiệp để học viên có thời gian tiếp xúc thực tế với các vị trí việc làm trong cuộc sống nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của toàn xã hội.

-Nhưng nói như vậy không có nghĩa rằng việc chuyển đổi số sẽ không gặp những khó khăn nhất định, thưa ông?

Tôi không phủ nhận thực tế này. Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực (Tiểu ban Giáo dục Nghề nghiệp) vừa tiến hành khảo sát đối với 997 cán bộ quản lý các cấp, 2.108 nhà giáo, 16.671 học sinh, sinh viên các cơ sở GDNN và 138 trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm GDNN với các nội dung chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp.

Kết quả cho thấy, hệ thống đã thực hiện việc chuyển đổi số nhưng nhận thức không đồng bộ.

Cụ thể, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã bước đầu áp dụng công nghệ và học liệu số trong việc dạy, đặc biệt là các khối ngành kỹ thuật, có một số ngành như cơ điện, ô tô... ứng dụng các chương trình mô phỏng, và học liệu điện tử của các hãng lớn (Daikin, Electrolux ...), hoặc được tài trợ (chương trình cơ điện lạnh do Úc tài trợ của Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội) vào dạy học. Tuy nhiên số lượng này còn ít; xét trên yếu tố tương tác qua lại giữa người dạy và người học, phần lớn các công nghệ sử dụng chỉ mang tích chất một chiều: thầy cô sử dụng công nghệ và học liệu để trình diễn cho học viên xem.

Theo kết quả khảo sát online của giáo viên, có 87,8% giáo viên áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông và giờ dạy lý thuyết, 70,7% vào giờ dạy thực hành. Tuy nhiên, có đến 80% giải pháp đưa ra là sử dụng thiết bị và phần mềm trình chiếu, demo video, hình ảnh,...


Cùng với đó, một số nơi ứng dụng công nghệ thông tin một cách rất đơn sơ. Cứ đưa powerpoint lên rồi gọi là chuyển đổi số. Một số nơi khác thì dùng Zoom, Canvas... và gọi là chuyển đổi số mà quên đi cấu phần phương pháp và chương trình. Đơn thuần chỉ có đưa lên, một ông lên cứ nói và ông dưới cứ nghe.

Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã bắt đầu số hóa học liệu, một số trường đã hợp tác với các tổ chức bên ngoài để sử dụng thư viện số, ví dụ Trường CĐ Công nghiệp Hà Nội, Trường CĐ Cồng động Kon Tum... Tuy nhiên, phần lớn học liệu cũng mới chỉ được số hóa dưới dạng các bản PDF, Microsoft Word... và không có tính tương tác.

Ngoài ra, như tôi đã nói hạ tầng nền tảng đào tạo trực tuyến tại các cơ sở cũng đang theo kiểu “trăm hoa đua nở”. Hiện, mỗi trường có một hạ tầng, nền tảng số, chỗ thì dùng Zoom, chỗ dùng Teams, nơi thì Canvas,... Chẳng trường nào kết nối trường nào. Tính ưu việt nhất của chuyển đổi số là chia sẻ, kết nối thì không được thể hiện, kể cả sự tận dụng nguồn lực, cách tiếp cận trong hệ thống giáo dục, chia sẻ cũng không,....

Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo còn áp dụng phương pháp cũ. Nhà giáo thiếu, thậm chí không có các kỹ năng liên quan đến phát triển chương trình, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng phát triển chuyển đổi số,... Đặc biệt thiếu kỹ năng liên quan đến phương pháp giảng dạy mớ.


Trong thời gian giãn cách xã hội do Covid-19, nhiều giáo viên đã sử dụng internet để giảng bài, giao bài từ xa. Tuy nhiên phương pháp truyền đạt vẫn như khi giảng bài trực tiếp trên lớp và chưa có thay đổi nào đáng kể về mặt sư phạm cho phù hợp với điều kiện mới. Hầu hết giáo viên còn chưa biết đến các phương pháp giảng dạy online, kể cả các thay đổi đơn giản như lớp học đảo ngược (flipped class) - tức một số nội dung không giảng dạy trước mà để các học viên tự học, tất nhiên trước đó phải cung cấp cho các em những nền tảng nhất định.

Cùng với đó, vấn đề quản trị, bài toán dữ liệu,... cũng là bài toán nan giải. Chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề. Vẫn giấy tờ là chính, vẫn báo cáo giấy là chính. Nhưng làm sao đầy đủ dữ liệu được khi mà báo cáo giấy. Không có sự đồng bộ từ dưới lên trên nên báo cáo lên cứ khập khà khập khiễng.

-Cuối cùng, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp sẽ có những giải pháp như thế nào để thực hiện thành công việc chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp? Thưa ông?

Đối với giáo dục nghề nghiệp muốn thực hiện thành công việc chuyển đổi số cần tập chung các nhóm giải pháp sau:

Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp sẽ xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách gồm: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; Ban hành các tiêu chuẩn về trường học số, hạ tầng số, phòng học thực hành số, chương trình, giáo trình số, ứng dụng thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, thực tế ảo hỗn hợp.


Đối với quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cần xây dựng các dịch vụ công trực tuyến, phầm mềm quản lý phúc vụ công tác quản lý, điều hành về giáo dục nghề nghiệp; Điều hành hoạt động giáo dục nghề nghiệp dựa trên hệ thống thông tin thông qua Trung tâm thông tin thích hợp (IOC); Xây dựng và phát triển công cụ và triển khai các hoạt động đảm bảo chất lượng, kiểm tra, đánh giá kỹ năng nghề thông qua môi trường số.

Nâng cấp cổng thông tin điển tử Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, phần mềm kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác báo cáo, thông kê định kỳ, chia sẻ dự liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Bộ, Chính phủ.

Với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung phát triển chương trình, nội dung đào tạo các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với nền kinh tế và hội nhập quốc tế. Xác định kiến thức và kỹ năng cơ bản và nâng cao đối với người lao động trên môi trường số, lồng ghép vào chương trình đạo tạo, môn học, mô đun liên quan tới kỹ năng số để sau khi ra trường người học có thể tiếp cận ngay với các công việc cần kỹ năng số. Cập nhập, bổ sung, chỉnh sửa các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số. Phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao các ngành nghề liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của người dân và xã hội. Đào tạo bồi dưỡng, cập nhật liến thức, kỹ năng số cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Chú trọng các phương pháp dạy và học mới cho nhà giáo và người học.

Phát triển, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất, đảm bảo kết nối, khai thác phục vụ theo yêu cầu quản lý, quản trị. Số hóa hoạt động nhà trường, trong đó chú trọng đến quản lý tuyển sinh, đào tạo, đảm bảo chất lượng, phát triển chương trình, quản lý nhà giáo, quản lý học sinh, sinh viên, kết nối doanh nghiệp.

Đẩy mạnh việc đảm bảo chất lượng đối với việc dạy học trực tuyến kết hợp triển khai đánh giá kết quả học tập, đánh giá kỹ năng nghề trên môi trường số. Tăng cường vận động sự ủng hộ từ các tổ chức quốc tế.

Cả hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần đảm bảo an toàn, an ninh mạng, quản lý, giám sát an toàn thông tin; bảo mật dữ liệu, cơ chế sao lưu, phục hồi đối với các thiết bị đầu cuối; xây dựng hạ tầng, nền tảng số, dữ liệu số đảm bảo thông tin tin cậy, an toàn, lành mạnh; tổ chức lực lượng ứng cứu sự cố an toàn, an ninh mạng.

Ngoài ra, chúng ta cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi số, tăng cường tuyên truyền, phổ biến về tầm quan trọng của nguồn nhân lực có kỹ năng số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để người dân hiểu được tầm quan trọng của chuyển đổi số với cuộc sống trong tương lai.

-Trân trọng cảm ơn ông!