Cập nhật ngày: 18/01/2022

Ngày 18/01/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, đến dự và chỉ đạo trực tiếp Hội nghị có đồng chí Đào Ngọc Dung - Ủy viên ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; đồng chí Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, về phía Tổng cục có Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng, các Phó Tổng cục trưởng Đỗ Năng Khánh, Nguyễn Thị Việt Hương, Phạm Vũ Quốc Bình, thủ trưởng các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục; Lãnh đạo các Vụ đơn vị và công chức, viên chức, người lao động của Tổng cục; các phóng viên, báo chí… tham dự theo hình thức trực tuyến.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng và Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng chủ trì Hội nghị

  Tại Hội nghị, các đại biểu đã xem Video Clip tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 trong đó nhấn mạnh các nội dung đã đạt được như:

Về kết quả tuyển sinh: Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát trở lại song các địa phương, cơ sở GDNN đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyển sinh. Tính đến 31/12/2021, cả nước tuyển sinh được 1.915.548 người, đạt 85,14% kế hoạch (trình độ cao đẳng, trung cấp: 375.108 người, đạt 65,81%; trình độ sơ cấp và các chương trình nghề nghiệp khác: 1.540.440 người, đạt 91,69%). Tốt nghiệp ước đạt 1.658.400, đạt 80% kế hoạch (trình độ cao đẳng, trung cấp: 314.720 người; trình độ sơ cấp và các chương trình nghề nghiệp khác: 1.343.680 người). Một số ngành, nghề có kết quả tuyển sinh tốt như máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, du lịch... Nguyên nhân tỷ lệ tuyển sinh không đạt chỉ tiêu do việc tổ chức đào tạo chuyển sang hình thức trực tuyến, việc thực hành, thực tập tại doanh nghiệp khó thực hiện; công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông không thực hiện theo hình thức trực tiếp; việc di chuyển của người học đến các địa phương gặp khó khăn, ngân sách nhà nước đầu tư cho GDNN còn hạn chế, các chương trình mục tiêu quốc gia được phê duyệt muộn.

Về mạng lưới cơ sở GDNN: Năm 2021, cả nước giảm 08 cơ sở GDNN công lập (gồm: 03 trường cao đẳng và 05 trường trung cấp) và tăng 01 trung tâm GDNN, theo đó cả nước có 1.904 cơ sở GDNN (giảm được 07 cơ sở so với năm 2020 và giảm được 11% số lượng cơ sở GDNN công lập); từng bước giảm sự trùng lắp về ngành, nghề đào tạo, giảm đầu mối quản lý để tập trung các nguồn lực đầu tư, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ sở GDNN.

Toàn cảnh Hội nghị tại đầu cầu trực tiếp

Về  hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách về GDNN, đảm bảo tính đồng bộ, khả thi, hiện đại và hội nhập quốc tế: Năm 2021, Tổng cục GDNN triển khai xây dựng 43 văn bản, trong đó 17 văn bản chính thức, 07 văn bản chuẩn bị, 10 văn bản chuyển từ năm trước sang, 09 văn bản cần sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ (gồm: 01 Chỉ thị của Ban Bí thư; 02 Nghị định của Chính phủ, 09 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 31 Thông tư của Bộ trưởng). Đến nay, đã trình ban hành 05 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 07 Thông tư của Bộ

Về rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN

Hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mạng lưới các trường được đầu tư trở thành trường chất lượng cao đã từng bước được nâng cao năng lực; đội ngũ giáo viên được nâng cao cả về kỹ năng nghề và sư phạm; cơ sở vật chất được tăng cường, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đào tạo theo yêu cầu của thị trường và người sử dụng lao động; năng lực đội ngũ cán bộ quản lý ngày càng được nâng cao; công tác quản trị nhà trường được đổi mới và hiệu quả hơn. Tổng cục cũng tiếp tục rà soát, đánh giá, lựa chọn trường nghề có năng lực đào tạo tốt để hỗ trợ đầu tư tập trung, đồng bộ theo quy định để đạt tiêu chí của trường nghề chất lượng cao.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Công tác truyền thông, hướng nghiệp, khởi nghiệp, gắn kết thị trường lao động và việc làm bền vững: Tham mưu trình Bộ hướng dẫn các địa phương ban hành Kế hoạch phát triển GDNN và nhân lực có kỹ năng nghề; Kế hoạch truyền thông GDNN giai đoạn 2021-2025. Trong bối cảnh ứng phó với dịch Covid-19, đã kịp thời tuyên truyền các yêu cầu, chỉ thị về phòng chống dịch và gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ, Bộ. Hầu hết các cơ sở GDNN đã ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác các công cụ truyền thông và mạng xã hội vào công tác tuyên truyền, tư vấn, tuyển sinh. Công tác thông tin tuyên truyền cũng được các cơ sở GDNN quan tâm, thúc đẩy. Hầu hết cơ sở GDNN đã xây dựng và duy trì cổng/trang thông tin điện tử, tăng cường các tin, bài phản ánh hoạt động của cơ sở GDNN; có liên kết, cung cấp tin bài lên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục; sử dụng hiệu quả mạng xã hội phục vụ cho công tác tuyên truyền, giải đáp thắc mắc và tương tác nhanh nhất... đã tác động mạnh mẽ tới đối tượng người học, gia đình và người sử dụng lao động. Nhận thức của học sinh và phụ huynh học sinh đã có nhiều thay đổi, thông điệp “Thực học, thực hành - Vững khởi nghiệp, sáng tương lai” được lan tỏa và phổ biến mạnh mẽ trong xã hội.

Triển khai đào tạo các chương trình đào tạo chất lượng cao, đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các đối tượng chính sách khác.

 


Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị

Kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở GDNN chủ động điều chỉnh kế hoạch, tiến độ đào tạo, đa dạng hóa các phương thức tổ chức đào tạo, đẩy mạnh đào tạo trực tuyến đối với các nội dung, môn học, mô đun phù hợp; ứng dụng công nghệ số từ khâu tư vấn, tổ chức tuyển sinh, đến quá trình đào tạo, liên kết với doanh nghiệp để bảo đảm việc làm cho người học. Các cơ sở GDNN đã áp dụng linh hoạt và đa dạng các phương pháp giảng dạy nhằm phát huy cao nhất tính tích cực, chủ động và năng lực tư duy, sáng tạo của người học. Nhiều cơ sở GDNN đã áp dụng mô hình đào tạo 3 tại chỗ, “một cung đường hai điểm đến”, phối hợp chặt chẽ giữa đào tạo tại trường và đào tạo tại doanh nghiệp. Tổng cục GDNN đã tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ nút thắt đào tạo văn hóa trong các cơ sở GDNN. Hội đồng nhân dân nhiều địa phương ban hành chính sách hỗ trợ học phí và giải quyết việc làm cho HSSV trên địa bàn nhằm khuyến khích học sinh học trung cấp, cao đẳng.

 

 

 Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng phát biểu tại Hội nghị

Tiếp tục thực hiện các giải pháp đổi mới và phát triển GDNN: Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyên môn, kỹ năng cho cán bộ Tổng cục GDNN và Lãnh đạo Sở LĐTBXH, Lãnh đạo Phòng Quản lý GDNN của 63 tỉnh, thành phố, Hiệu trưởng 50 trường cao đẳng được đầu tư phát triển thành trường chất lượng cao. Tổ chức chuỗi Hội thảo về chia sẻ các phương pháp đào tạo trực tuyến/kết hợp trong GDNN cho gần 200 đại biểu là công chức của Tổng cục GDNN và cán bộ quản lý, giảng viên của các trường cao đẳng.

 

 Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ LĐTB&XH) Phạm Quang Phụng phát biểu tại Hội nghị

 Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, bước đầu thực hiện chuyển đổi số trong GDNN: Ngay từ đầu năm, Tổng cục đã ban hành Kế hoạch công tác cải cách hành chính năm 2021 với các nhiệm vụ trọng tâm là sửa đổi, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ ngày 12/5/2020; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành. Kết quả đã áp dụng việc xử lý văn bản điện tử trên Hệ điều hành Egdnn, kết nối liên thông trục văn bản quốc gia; ứng dụng chữ ký số khi ban hành văn bản. Năm 2021, Tổng cục đã ban hành và áp dụng Hệ thống tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2015 tại Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; ban hành 24 quy trình ISO nội bộ và quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2015. Ngoài ra, Ban chỉ đạo ISO Tổng cục đã lập kế hoạch mở rộng Hệ thống quản lý chất lượng giao nhiệm vụ cho các Vụ, đơn vị xây dựng 50 quy trình ISO nội bộ và tiếp tục xây dựng các quy trình giải quyết thủ tục hành chính còn lại trong năm 2022. Xây dựng và vận hành 18 dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin một cửa đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Hoàn thiện phần mềm kết nối, chia sẻ dữ liệu và hệ thống thông tin quản lý, cơ sở dữ liệu GDNN; làm việc với một số doanh nghiệp viễn thông và CNTT lớn để nghiên cứu các phương án hợp tác triển khai trong quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN.

Các hoạt động hợp tác quốc tế và triển khai các dự án ODA được thúc đẩy mạnh mẽ: Năm 2021, lần đầu tiên Kế hoạch hợp tác quốc tế trong GDNN giai đoạn 2021-2025 được xây dựng và ban hành, qua đó, đánh giá tình hình HTQT thời gian qua và xác định các hoạt động HTQT trọng tâm giai đoạn tới. Việc tham gia vào các diễn đàn khu vực và thế giới với tư cách thành viên ngày càng chủ động, nổi bật là việc tham gia Hội đồng GDNN ASEAN với tư cách là đầu mối kênh lao động tại Việt Nam và nhiều hoạt động trong khuôn khổ ASEAN và UNESCO.

 

Công bố dịch vụ công mức độ 4 trong giáo dục nghề nghiệp

 Hội nghị đã nghe các ý kiến tham luận của Thủ trưởng các Vụ: Pháp chế – Thanh tra; Đào tạo chính quy; Tổ chức cán bộ và Kế hoạch – Tài chính trong đó có các trọng tâm như: Hoàn thiện thể chế, chính sách; Đào tạo chất lượng cao, Xây dựng mô hình Tổng cục với tổ chức bộ máy khoa học, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; Ủy quyền, phân cấp về công tác tài chính…

Hội nghị cũng nghe các ý kiến phát biểu của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ: Vụ Kế hoạch – Tài chính bộ, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp chế – Thanh tra, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục quản lý lao động ngoài nước…  các ý kiến đã trao đổi, giải đáp các vấn đề Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp kiến nghị, đề xuất.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đã trao đổi các thuận lợi trong giáo dục nghề nghiệp như: Giáo dục nghề nghiệp đã được sự quan tâm nhất định của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đã được đưa vào các Nghị Quyết của Quốc hội, Chính phủ, Ban cán sự Đảng của Bộ đã có Nghị Quyết riêng về Giáo dục nghề nghiệp; Nhận thức về giáo dục nghề nghiệp từng bước được cải thiện; đội ngũ cán bộ, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tâm huyết… Thứ trưởng cũng chỉ ra những khó khăn của Giáo dục nghề nghiệp như: Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến Giáo dục nghề nghiệp; trình độ cán bộ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế; Phân luồng học sinh phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp chưa cao.. Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới, Tổng cục cần lưu ý tránh để nợ, lùi văn bản; cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị thuộc Bộ; xử lý nhanh các công việc sự vụ…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã biểu dương tập thể Lãnh đạo Tổng cục Đoàn kết, đeo bám công việc, chịu khó lắng nghe, đội ngũ cán bộ được đào tạo căn bản, năm 2021 đã đổi mới phương thức đào tạo, đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến, kết nối doanh nghiệp; Phát triển hệ thống dịch vụ công mức độ 4. Tuy nhiên Bộ trưởng cũng nêu những nội dung còn chưa đáp ứng được yêu cầu như: Vị thế giáo dục nghề nghiệp trong xã hội thấp, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực thấp; Phân luồng, kết nối doanh nghiệp có tiến bộ nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của Thị trường lao động. Bộ trưởng yêu cầu trong năm 2022, Tổng cục cần tăng cường đầu tư cho Thể chế, hoàn thiện toàn bộ nội dung Thể chế: Chiến lược, quy hoạch, Chương trình; Nâng cao năng lực đội ngũ, nâng tầm chất lượng đội ngũ cán bộ…nhất là các địa phương, các cơ sở; Sắp xếp bộ máy, mạng lưới; Đối mới công tác đào tạo, chú trọng đào tạo mới, đào tạo lại, Doanh nghiệp phải đào tạo, Tiến tới Doanh nghiệp phải trả tiền cho đào tạo, Đặt hàng đào tạo; Tập trung chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, giáo dục nghề nghiệp cần đi trước một bước trong chuyển đổi số.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng đã cảm ơn sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ đã giành nhiều thời gian cho giáo dục nghề nghiệp, trong năm 2021, Bộ trưởng đã có nhiều cuộc hợp chuyên đề và kết hợp về giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục trưởng cũng tin rằng với sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Tổng cục sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao năm 2022.

Nhân dịp này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã công bố cổng dịch vụ công giáo dục nghề nghiệp tại địa chỉ http://dichvucong.gdnn.gov.vn/, được kết nối liên thông lên Cổng dịch công quốc gia và Cổng dịch vụ công của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện các thủ tục hành chính giáo dục nghề nghiệp 24/24 giờ, tiết kiệm chi phí trong việc thực hiện dịch vụ công.

 Văn phòng TCGDNN