Cập nhật ngày: 07/01/2022

 Nhiều người mặc định “nghề cơ khí dành cho nam giới”, thế nhưng, suy nghĩ ấy sẽ thay đổi khi có dịp gặp gỡ cô giáo Phạm Thị Linh, Khoa Cơ khí chế tạo, Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc - người đã dành mọi tâm huyết cho công việc giảng dạy, nỗ lực thực hiện mong muốn, mục tiêu “giúp học sinh, sinh viên có tay nghề vững chắc để tạo lập tương lai”.

 

 

Cô giáo Phạm Thị Linh hướng dẫn học sinh vận hành máy gia công cơ khí tự động

Mặc dù vừa đầu tư nhiều thời gian, tâm sức tham dự và giành giải Nhất cấp tỉnh, giải Ba cấp quốc gia tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp năm 2021, nhưng khi chúng tôi đến trường tìm gặp, cô Linh vẫn say sưa dạy học online trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19 và tích cực bồi dưỡng học sinh chuẩn bị dự thi kỹ năng nghề quốc gia. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về cô Linh là dáng người nhỏ nhắn, sự dịu dàng, khác hẳn với ngành nghề mà cô gắn bó gần 20 năm qua.

Cô Linh cho biết, ban đầu theo học chuyên ngành Sư phạm Kỹ thuật cơ khí, Trường đại học Công nghiệp Hà Nội bởi suy nghĩ đơn giản ngành này phù hợp với lực học của cô. Quá trình học thực tế, cô mới thấy đây là ngành học khô khan, đòi hỏi sức khỏe, kỹ thuật, nên rất vất vả đối với nữ giới; nhưng càng học, cô càng thấy sự khô khan ấy hấp dẫn, sự vất vả ấy kích thích ý chí kiên trì, nhẫn nại của cô. Tuy nhiên, bước ngoặt trong tâm lý, nhận thức khiến cô Linh yêu thích, đam mê và dành tâm huyết cho công tác dạy nghề là từ năm 2005 khi trực tiếp đứng lớp giảng dạy.

Cô Linh tâm sự: “Khi chính thức đứng trên bục giảng, thấy hầu hết học sinh, sinh viên đều khao khát, hy vọng học được một nghề để tạo lập tương lai, tôi càng thấy rõ vai trò, trách nhiệm của người thầy".

Để thực hiện phương châm cũng là mục tiêu “đào tạo học sinh, sinh viên có nghề chứ không phải có bằng”, cô Linh chú trọng phương pháp dạy học kết hợp thực tiễn. Ngoài hình thức dạy học chung cả lớp, cô tăng cường hình thức học nhóm để học sinh, sinh viên hỗ trợ, bổ sung kiến thức cho nhau và rèn kỹ năng làm việc nhóm - là kỹ năng rất cần thiết khi làm việc tại doanh nghiệp; dạy học theo hình thức 1 thầy - 1 trò nhằm giúp học sinh, sinh viên phát huy thế mạnh và khắc phục hạn chế.

Quá trình dạy, cô Linh “miệng nói, tay làm”, dạy lý thuyết song song dạy thực hành; đặc biệt, dù là máy cơ phải vận hành thủ công vất vả hay máy tự động, cô đều tự thực hiện các thao tác, kỹ thuật một cách tỉ mỉ, chính xác để học sinh, sinh viên nắm chắc kiến thức, kỹ năng.

Cô Linh còn thường xuyên liên hệ với học trò đang làm việc tại các doanh nghiệp để cập nhật các sản phẩm mới, kỹ thuật tiên tiến ứng dụng vào dạy nghề. Bên cạnh đó, cô tăng cường rèn cho học sinh, sinh viên ý thức, tác phong công nghiệp, các kỹ năng mềm để thuận lợi tìm việc làm trong doanh nghiệp.

Khi được nhà trường giao các đơn đặt hàng gia công các chi tiết máy của doanh nghiệp, cô hướng dẫn học sinh, sinh viên làm cùng, tạo cơ hội cho các em rèn luyện tay nghề và tiếp cận dần với sản xuất thực tế.

Đối với học sinh , sinh viên hạn chế về tư duy toán học, cô Linh hướng dẫn nhiều lần giúp các em tính toán chính xác các thông số, thuần thục kỹ năng… Nhờ đó, học sinh, sinh viên của cô có kết quả học tập, rèn luyện tốt, nhiều em được nhận học bổng của nhà trường; kết thúc khóa học, các em được đánh giá đúng năng lực, tự tin ứng tuyển vào các doanh nghiệp có tiếng như Công ty TNHH công nghiệp chính xác Việt Nam 1, Công ty TNHH Công nghệ Cosmos, Công ty Honda Việt Nam, Công ty Toyota Việt Nam, Piaggio…; nhiều em sau thời gian làm việc tại doanh nghiệp có tay nghề cao, được đề bạt vị trí quản lý.

Không chỉ dạy nghề giỏi, cô Linh còn là giáo viên chủ nhiệm giỏi, trách nhiệm, tận tâm. Cô nghiêm khắc nhưng cũng rất tâm lý, luôn kịp thời nắm bắt tình hình học sinh, sinh viên; tích cực phối hợp với phụ huynh học sinh và các phòng chức năng, tổ chức chính trị - xã hội nhà trường nâng cao hiệu quả quản lý, giáo dục, đào tạo cũng như thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho học sinh, sinh viên…

Cùng với công tác dạy nghề, cô Linh tích cực nghiên cứu khoa học, có nhiều sáng kiến được đánh giá cao và ứng dụng vào thực tiễn giảng dạy như “Nâng cao hiệu quả dạy học nghề cơ khí”, “Các giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề cắt gọt kim loại tại Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc”, “Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo viên chủ nhiệm tại Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc”; sáng kiến làm thiết bị dạy học như làm gá (giá đỡ) sản phẩm, chế tạo mô hình máy tiện, máy phay...

Cô Linh cho biết: “Để đáp ứng yêu cầu dạy nghề trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tôi chú trọng cập nhật công nghệ thông tin, kỹ thuật vận hành hệ thống máy móc tự động hóa và nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp để có định hướng, phương pháp giảng dạy hiệu quả, góp phần đào tạo ra lực lượng lao động có tay nghề giỏi, trình độ công nghệ cao, cung ứng cho doanh nghiệp".

Đánh giá về cô giáo Phạm Thị Linh, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc Nguyễn Trung Thiện cho biết: “Cô Linh là giáo viên giỏi, tâm huyết với công việc, hết lòng vì học sinh; luôn nỗ lực học hỏi, nghiên cứu, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng giảng dạy. Nhiều năm liền, cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Với những thành tích đã đạt được, năm học 2021 - 2022, nhà trường đề nghị UBND tỉnh tặng Bằng khen cho cô Phạm Thị Linh”.

Bài, ảnh: Minh Hường - http://baovinhphuc.com.vn/