Cập nhật ngày: 29/12/2021

 Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh, kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp phải thấm sâu thành văn hóa, hiệu quả thiết thực chứ phải giấy chứng nhận treo tường là xong.

 

Ngày 27/12, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Tổ chức hợp tác quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức (GIZ) tổ chức hội thảo "Thực trạng hệ thống kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp".

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác Việt Đức với chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam. Hội thảo tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, nhằm đánh giá, nhận định hiện trạng chung và các vấn đề đặt ra đối với hệ thống kiểm định chất lượng và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp Việt Nam.

Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp: Phải thấm sâu thành văn hóa - 1

TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại hội thảo.

Nhận thức của cán bộ quản lý các cấp về kiểm định chất lượng chưa đầy đủ

Hiện, kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp đã được quy định trong các chính sách cụ thể như Nghị quyết 29, Trung ương khóa XI, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Lần thứ XII, XIII Ban chấp hành trung ương Đảng, Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH, Thông tư số 28/2017/TT-BLĐTBXH…

Trong giai đoạn 2019-2021, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp đã kết hợp với các trung tâm kiểm định để đào tạo, bồi dưỡng được 769 kiểm định viên. Mặc dù mới có 4 tổ chức kiểm định nhưng công tác kiểm định đã được thực hiện ở hàng trăm trường.

Bà Trần Thị Thu Hà, chuyên viên cao cấp, Phó Cục trưởng Cục kiểm định chất lượng Giáo dục Nghề nghiệp đánh giá, trong thực tế vấn đề kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp vẫn là nội dung mới ở Việt Nam. Nếu như tại Mỹ, vấn đề kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp đã có lịch sử 70 năm nay còn ở Việt Nam mới bắt đầu trong những năm gần đây.

"Nhận thức của cán bộ quản lý các cấp (cơ quan chủ quản, Sở LĐTB&XH), của lãnh đạo cơ sở giáo dục nghề nghiệp về tầm quan trọng, cần thiết xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đầy đủ hoặc chưa thể hiện quyết tâm cao, chưa dành nguồn lực hỗ trợ cần thiết để cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện các quy định hệ thống bảo đảm chất lượng theo Thông tư 28/2017/TT-BLĐTBXH", bà Trần Thị Thu Hà đánh giá.

Theo Phó Cục trưởng Cục kiểm định chất lượng Giáo dục nghề nghiệp, nguyên nhân của tình trạng trên là do các quy định về bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp là nội dung mới chưa được quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong theo định hướng quản trị hiện đại là yêu cầu hoàn toàn mới, không dễ thay đổi từ nhận thức đến hành động của đội ngũ cán bộ nhà trường. Chương trình, tài liệu tập huấn lần đầu tiên ban hành, chưa cập nhật, đổi mới cách thức để đảm bảo tính linh hoạt phù hợp với sự lựa chọn đa dạng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tại hội thảo, bàn về việc hoàn thiện hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, các chuyên gia cho rằng cần rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thực hiện quy định về tổ chức, quản lý việc bảo đảm chất lượng.

Ông Nguyễn Minh Khôi, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực, cho biết để nâng cao chất lượng công tác kiểm định, Thông tư 27/2018/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH nên bổ sung vấn đề "đưa ra những khuyến cáo cho các nhà trường" trong quá trình kiểm định chất lượng. Vì bản chất của công tác kiểm định chất lượng là nắm được ưu điểm, nhược điểm của trường để đưa ra các giải pháp để trường sửa đổi phù hợp, tuy nhiên hiện nay trong thông tư 27 chưa đề cập đến vấn đề này.

Một vấn đề khác đặt ra là lực lượng nhân sự thực hiện công tác kiểm định chất lượng vẫn còn thiếu. Theo thống kê, hiện nay mới có chưa đến 300 kiểm định viên, trong khi số lượng trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp rất lớn nên khó thực hiện được chỉ tiêu trong giai đoạn 2021-2025, 100% số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao xây dựng và vận hành hệ thống quản lý thông tin bảo đảm chất lượng, kết nối thông suốt với hệ thống bảo đảm chất lượng quốc gia…

Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp: Phải thấm sâu thành văn hóa - 2

Thí sinh trong một cuộc thi kỹ năng nghề. 

Các công cụ kiểm định đều phải hướng đến hiệu quả thực tế

Kết luận hội thảo, TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp khẳng định, từng bước một, kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp đã bắt đầu thấm vào hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp như một văn hóa. Điển hình là năm 2020 hệ thống cơ sở có hơn 680 cơ sở đã thực hiện kiểm định chất lượng và báo cáo (ngoài ra còn nhiều trường khác chưa tổng hợp).

Ông Bình đánh giá đây là con số rất đáng mừng. Mặc dù mới có 4 tổ chức kiểm định và bối cảnh dịch bệnh khiến mọi mặt đình trệ nhưng năm học 2020-2021, chúng ta đã thực hiện kiểm định được hơn 40 trường và rất nhiều chương trình. Điều này thể hiện hệ thống vận hành đã thực hiện tốt.

"Chúng ta đã đánh giá song song hai khía cạnh. Hệ thống đảm bảo trong (nhận thức các trường về đảm bảo chất lượng) và hệ thống đảm bảo ngoài (hệ thống kiểm định chất lượng ngoài đã vận hành được)", ông Bình chia sẻ.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, cần tiếp tục xem lại và rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Tiếp cận công nghệ, ứng dụng số hóa, thấm nhuần 4.0 trong công tác kiểm định.

Về tiêu chí tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, hệ thống tiêu chí tiêu chuẩn, đặc biệt về tự chủ phải đánh giá những thứ nhà trường đã làm theo cơ chế tự chủ của họ. Đây là ý tưởng mà năm nay chúng ta phải sửa. Chúng ta sẽ biến định lượng thành định tính.

Về năng lực của cơ quan quản lý các cấp, ông Bình lưu ý thực trạng không ít Sở LĐ-TB&XH chưa tin học hóa, số hóa được các hệ thống quản lý, kiểm định chất lượng.

"Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang triển khai hệ thống phần mềm dữ liệu. Những dữ liệu thuộc về nhà trường thì nhà trường phải xây dựng như hệ thống quản lý sinh viên, giáo viên, quản lý giờ giảng, quản lý bằng cấp. Chúng tôi cũng đang triển khai cho 88 hệ thống trường trọng điểm và đến năm 2022, tất cả các trường cao đẳng phải nhập vào hệ thống mạng. Tổng cục xây dựng một nền tảng chung chung nhưng không có nghĩa là các trường không làm nữa mà các trường cần phải làm chi tiết hơn để đấu nối vào hệ thống chung đó.

Tất cả các thông tin về nhà trường là hệ thống quản lý chất lượng. Vấn đề đảm bảo trong là của các nhà trường, thay vì làm giấy tờ thì các trường phải tin học hóa dữ liệu nhưng cũng cần tránh bệnh máy móc, quan liêu", ông Bình nhấn mạnh.

Thêm nữa, việc đào tạo kiểm định viên một phần do Tổng cục nhưng một phần là do các tổ chức kiểm định chất lượng bởi điều này liên quan đến uy tín của các tổ chức. Kiểm định viên phải là những nhà kiểm định chất lượng giỏi chứ không phải một người thầy giỏi vì người thầy giỏi chỉ đánh giá chương trình thôi còn kiểm định viên phải quản trị được quá trình.

Khẳng định và đánh giá cao hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp đang ngày càng bền vững, chất lượng mặc dù vẫn còn những điều phải bàn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, phải biến kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp thành văn hóa.

"Nói đến văn hóa nghĩa là rất từ từ, ngấm sâu vào tiềm thức của mỗi con người, mỗi tổ chức. Cho nên chúng ta đặt ra kỳ vọng rất lớn về văn hóa trong kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp nhưng chúng ta cũng phải tự đánh giá năng lực, điều kiện của mình. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện từng bước làm, nhưng mỗi bước đều phải thiết thực và tránh bệnh hình thức, hời hợt.

Không phải trường cứ được cấp cái giấy treo lên tường là được rồi. Chúng ta phải tuyển sinh tốt hơn, dạy học tốt hơn, nguồn lao động trường đào tạo ra phải được doanh nghiệp chấp nhận, chào đón hơn. Chúng ta phải luôn luôn không ngừng cải tiến, cải tạo mình. Các công cụ này, công cụ kia đều phải hướng đến hiệu quả, còn xét đến cùng đánh giá trong, đánh giá ngoài cũng chỉ giới hạn trong một khoảng thời điểm".

Lệ Thu