Cập nhật ngày: 23/12/2021

 Tại Hội thảo "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các mô hình học nghề, tập nghề tại doanh nghiệp", ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Chính quy (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp), cho biết năm 2021, mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tuy nhiên các hoạt động đào tạo vẫn duy trì thực hiện nhằm cung ứng nguồn nhân lực lao động cho các doanh nghiệp và thị trường lao động, góp phần làm giảm nguy cơ thiếu hụt nhân lực lao động khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới.

Mối liên kết 3 nhà

“Đặc biệt trong bối cảnh việc tổ chức đào tạo, nhất là đào tạo thực hành của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì vai trò của doanh nghiệp trong việc phối hợp, hỗ trợ trong tổ chức đào tạo, tiếp nhận người học đến thực hành, thực tập càng trở nên hết sức quan trọng. Việc này đồng thời cũng tạo ra một lực lượng lao động cho doanh nghiệp khi mà thị trường lao động đang chịu nhiều biến động do làn sóng dịch chuyển lao động do dịch bệnh”, ông Hùng chia sẻ.

Tiêu biểu như việc Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp đã hợp tác với Daikin Việt Nam trong việc đào tạo giáo viên chuyên nghiệp cho đơn vị. Sau khi được đào tạo, các giáo viên này sẽ đào tạo đội ngũ kỹ thuật chất lượng, giúp doanh nghiệp có đội ngũ kỹ thuật tay nghề cao và rải khắp các tỉnh thành trên cả nước. Hay việc Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp đã phối hợp với Tập đoàn Hoàng Long Group xây dựng mô hình dịch chuyển lao động quốc tế, tuyển dụng trên 30.000 lao động chất lượng cao…

Có thể thấy, việc phối hợp với doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề giúp doanh nghiệp có nguồn lao động như mong muốn, tăng nhân lực lao động cho doanh nghiệp khi người học đến học, thực hành và việc ngay tại doanh nghiệp.

Screenshot-20211223-090011-Zoo-9069-3161

Hội thảo "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các mô hình học nghề, tập nghề tại doanh nghiệp" được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng Thư ký kiêm Giám đốc văn phòng Giới sử dụng lao động (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI), cho biết doanh nghiệp tham gia công tác đào tạo nghề nghiệp cũng chính là một giải pháp mang tính đột phá nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và đóng góp cho việc nâng cao năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.

Nhận thấy vai trò của việc liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong đào tạo nghề, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư kêu gọi đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng. Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Điều này cho thấy, Nhà nước, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp đều quan tâm đến vấn đề đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động vì đây là nguồn tài nguyên vô giá, là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các mô hình học nghề, tập nghề tại doanh nghiệp, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp đã chú trọng kết nối các doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục đào tạo. Vụ trưởng Vụ Đào tạo Chính quy Vũ Xuân Hùng cho biết ông từng nhận được chia sẻ của các doanh nghiệp rằng họ rất muốn đào tạo nghề, nâng cao chất lượng cho người lao động nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Chính vì vậy, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp đã trở thành cầu nối kết nối các doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục đào tạo, đồng thời tham mưu cho các Bộ ngành về việc hoàn thiện chính sách về đào tạo nghề.

Ông Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ thuật Hưng Yên, cho biết nếu doanh nghiệp kết hợp với các trường đào tạo nghề thì người lao động thích ứng và chuyển đổi rất nhanh. “Trong nghề dệt may, nếu kèm cặp cho người lao động thì họ chỉ biết một vị trí công việc đó thôi nhưng nếu tham gia đào tạo trong vài tháng, người lao động có thể làm nhiều vị trí, giúp doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sản phẩm mà không ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng”, ông Hà cho biết.

Tháo gỡ rào cản

Hiện nay, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các mô hình học nghề, tập nghề tại doanh nghiệp đã nhận được sự quan tâm của Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Tuy nhiên theo ông Vũ Xuân Hùng, vẫn có doanh nghiệp chưa thực sự nhận thức được vai trò của việc đào nghề cho người lao động nên chưa tận dụng được hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước, gần đây nhất là Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Bà Trần Thị Lan Anh cho biết hiện Nhà nước đã thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chính sách như giảm trừ thuế, ưu đãi thuế nhưng đến nay những hỗ trợ này chưa đến được với doanh nghiệp. “Vậy, làm sao có thể khơi thông được vấn đề này mới là quan trọng”, bà Lan Anh đặt vấn đề.

Dao-tao-nghe-5366-1640237607.jpg

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cần chủ động trong việc nâng cao các kỹ năng cho người lao động bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Để giải quyết những khó khăn này, theo các chuyên gia, nhu cầu tự thân trong đào tạo nghề của doanh nghiệp là rất quan trọng, bởi chỉ có doanh nghiệp mới biết mình thiếu lao động gì, chất lượng ra sao. Ông Phạm Minh Tuấn (Công ty Toyota Việt Nam) cho biết nhờ chủ động hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo nghề đã giúp doanh nghiệp có nguồn lao động chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu công việc. “Hợp tác với các trường nghề chính là cách giúp chúng tôi bảo đảm nguồn lao động. Chính vì vậy, ngoài các chính sách của Nhà nước, chúng ta cũng nên chủ động trong việc đào tạo nguồn lao động”, ông Tuấn cho biết.

Theo ông Vũ Xuân Hùng, thực chất mô hình học nghề, tập nghề tại doanh nghiệp thì lợi ích của người học sẽ tăng dần qua các năm và đi cùng với đó là chi phí cho học viên mà doanh nghiệp phải bỏ ra cũng tăng dần qua các năm. Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, doanh nghiệp có thể xây dựng kế hoạch hàng năm và kinh phí cho việc đào tạo, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động. Bên cạnh đó, các địa phương cần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận các chính sách về đào tạo nghề cũng như quyền lợi của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.

“Các chính sách, quy định của pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp sẽ làm cơ sở cho việc tiếp tục thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong thời gian tới”, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Chính quy nhấn mạnh.

Như Yến