Cập nhật ngày: 17/12/2021

 Nghề xây dựng hiện đại là điều khiển các thiết bị cơ khí để thi công, chỉ những việc mà máy móc không làm được thì con người mới phải làm.

Nghề xây dựng không còn vất vả như xưa

Chia sẻ về xu hướng thị trường nghề xây dựng tại Việt Nam và nước ngoài trong hội thảo Chuyện nghề xây dựng tại Đức, ông Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TPHCM cho biết, ngành xây dựng đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, luôn được dự báo tăng trưởng mạnh tại Việt Nam.

Theo ông Tuấn, dù 2 năm qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, nhiều ngành đóng băng nhưng riêng ngành xây dựng vẫn phát triển, các công trình nhà ở, hạ tầng vẫn rầm rộ xây dựng.

Phó chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TPHCM cho rằng, thị trường xây dựng nước ta phát triển theo từng năm và cần nguồn lao động rất lớn, đặc biệt là lực lượng lao động có tay nghề được đào tạo bài bản, biết điều khiển các thiết bị thi công hiện đại.

Trong khi đó, thợ xây dựng ở nước ta hầu như đều là tay ngang, học việc từ vị trí thợ hồ làm lên, chưa có tay nghề để sử dụng các thiết bị công nghệ cao dẫn đến ngành xây dựng vẫn còn lạc hậu, dù máy móc có thể nhập về nhưng không có người điều khiển.

Theo Phó chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TPHCM, vì thợ tay nghề thấp, hiệu quả lao động không cao dẫn đến nhân lực ngành này đông nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng của đất nước. Do đó, bức xúc lớn nhất hiện nay là thiếu thợ có tay nghề.

Nghề xây dựng hiện đại, máy móc đã thay thế nhân công phu hồ, xách vữa - 1

 

Nhấn để phóng to ảnh

Bức xúc lớn nhất hiện nay của ngành xây dựng là thiếu thợ có tay nghề (Ảnh: Cao đẳng Xây dựng TPHCM).

Ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: "Nhiều người vẫn nghĩ nghề xây dựng là bụi bặm, dơ bẩn, cực nhọc nên chê nghề này. Đó là ngộ nhận từ thời ông cha xa xưa rồi. Giờ thợ xây dựng điều khiển thiết bị thi công hiện đại, máy móc tối tân nên không vất vả như ngày xưa".

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Tuấn Long - Giám đốc trung tâm đào tạo nghề xây dựng Việt Đức, trường Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị - cũng đồng ý là nhiều phụ huynh nhầm tưởng nghề xây dựng là lao động tay chân, vất vả nên không coi trọng.

Ông Trần Tuấn Long khẳng định, nghề xây dựng đúng là nghề tay chân nhưng không còn vất vả, không phải là xách vữa, trộn hồ như xưa mà là một nghề có nhiều kỹ thuật, sử dụng thiết bị máy móc hiện đại theo tác phong công nghiệp.

Giám đốc trung tâm đào tạo nghề xây dựng Việt Đức cho biết: "Xây dựng hiện đại thì cái gì máy móc làm sẽ được tận dụng tối đa, máy móc không làm được mới dùng đến con người".

Ông Huỳnh Văn Ngọc, nhân viên công ty xây dựng Tiefbau (Đức) cho biết ông đã hơn 60 tuổi nhưng vẫn có thể làm nghề thoải mái vì không đòi hỏi nhiều sức lực.

Ông Ngọc chia sẻ: "Ở đây quy định vật nặng từ 25kg trở xuống mới được dùng sức người, trên 25kg phải dùng máy. Dùng máy móc hết nên hiệu quả lao động rất cao, công trường ở mình cần 30 người thì ở Đức chỉ cần 3 người vì phần việc nặng là máy móc làm".

Đào tạo nghề xây dựng theo công nghệ Đức

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Bá Khiêm - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Xây dựng TPHCM cho biết, hiện có 2 trường được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) cho thí điểm đào tạo nghề xây dựng theo công nghệ Đức là Cao đẳng Xây dựng TPHCM và Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị.

Chương trình thí điểm này không chỉ đào tạo lao động tay nghề cao cho ngành xây dựng Việt Nam mà còn có thể đáp ứng nhu cầu xuất khẩu lao động sang Đức.

Ông Nguyễn Bá Khiêm cho biết, sau khi học chương trình này, sinh viên được cấp 2 bằng là bằng Cao đẳng tại Việt Nam và một chứng nhận nghề bậc 4 tại Đức. Khi có bằng này, sinh viên tốt nghiệp có thể sang Đức làm việc ngay mà không phải đào tạo chuyển đổi ngành.

Nghề xây dựng hiện đại, máy móc đã thay thế nhân công phu hồ, xách vữa - 2

 

Nhấn để phóng to ảnh

Nghề xây dựng hiện đại chủ yếu sử dụng các máy móc, thiết bị thay sức người (Ảnh: Cao đẳng Xây dựng TPHCM).

Theo ông Nguyễn Ngọc Vinh, Giám đốc Điều hành WBS Training Việt Nam (đơn vị chuyên hợp tác đào tạo và cung ứng lao động cho Đức), Đức là một thị trường rất tiềm năng cho lao động Việt Nam và thu nhập ngành xây dựng cũng rất cao.

"Sinh viên đang học nghề thực hành tại công ty được trợ cấp từ 850 - 950 Euro/tháng. Khi ra trường thì mức lương dao động từ 2.500 - 3.000 Euro/tháng tùy vào tay nghề", ông Vinh cho hay.

Theo ông Vinh, Đức đang rất thiếu thợ xây dựng nên họ có nhiều chương trình hỗ trợ Việt Nam đào tạo nghề này để tìm kiếm lao động.

Ông Udo John - Giám đốc điều hành công ty xây dựng Tiefbau (Đức) chia sẻ rằng, ông rất thích lao động Việt Nam vì làm việc cần cù, thông minh và chịu khó. Trong công ty của ông chỉ có một người Việt là ông Ngọc nên ông muốn tìm kiếm nhiều lao động Việt Nam hơn. Ông nói: "Nếu có nhiều ông Ngọc thì hay quá!".

Nghề xây dựng hiện đại, máy móc đã thay thế nhân công phu hồ, xách vữa - 3

 

Nhấn để phóng to ảnh

Ông Udo John - Giám đốc điều hành công ty xây dựng Tiefbau (bên phải) mong muốn có nhiều thợ xây dựng người Việt như ông Ngọc (bên trái) (Ảnh: Tùng Nguyên).

Theo Hiệu trưởng Cao đẳng Xây dựng TPHCM, thị trường xây dựng Đức rất tiềm năng nhưng trở ngại lớn nhất là ngôn ngữ. Rất khó để một sinh viên xây dựng sang đó học 1 năm mà rành tiếng Đức để giao tiếp và làm việc.

Do đó, ông Nguyễn Bá Khiêm mong muốn sẽ có nhiều chương trình kết nối các trường nghề tại Việt Nam với các trường nghề đào tạo ngành xây dựng hiện đại như nước Đức để liên thông đào tạo lao động tay nghề cao.

Ông ví dụ: "Mình có thể xây dựng một chương trình cho sinh viên học tiếng Đức ngay từ đầu. Trong 1 - 2 năm đầu, sinh viên sẽ học một số môn nghề và tiếng Đức ở Việt Nam. Khi đã thành thạo ngôn ngữ, các em sẽ chuyển tiếp sang học các môn ứng dụng thiết bị, công nghệ cao tại Đức. Học chương trình này, các em sẽ được phía Đức công nhận chứng chỉ nghề nghiệp như học ở Đức".

Theo ông Nguyễn Bá Khiêm, cách làm này không chỉ thuận tiện, tận dụng được thiết bị dạy nghề tại 2 nước, đẩy nhanh quá trình chuyển giao kỹ năng nghề xây dựng cho lao động Việt Nam mà còn thúc đẩy cung cấp lao động Việt cho ngành xây dựng Đức.

Tùng Nguyên