Cập nhật ngày: 12/12/2021

 Đó là thông điệp được các chuyên đưa ra tại buổi thảo luận về “Một số chủ trương, định hướng chiến lược phát triển GDNN và khuyến nghị của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các chuyên gia về chính sách tài khóa - tiền tệ hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ cho đào tạo nghề”. Theo đó, cần có một nghiên cứu sâu, cụ thể về mức độ đóng góp của GDNN trong phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia thông qua nguồn lực là lao động có kỹ năng và kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang sử dụng lao động đã qua đào tạo, từ đó, có sự đầu tư thích đáng cho GDNN.

 Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng phát biểu. Ảnh: Đức Kiên

Buổi thảo luận do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức chiều 10.12, tại Hà Nội.

TS. Cấn Văn Lực góp ý vào Chiến lước phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030. Ảnh Đức Kiên

Góp ý vào Chiến lước phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, các đại biểu cho rằng, phải coi phát triển GDNN là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế, xã hội đất nước, nhằm tranh thủ thời cơ dân số vàng; hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao; thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động và yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Phát triển GDNN cần chú trọng cả quy mô, cơ cấu và chất lượng đào tạo; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp và lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo trọng điểm; phải bám sát nhu cầu của thị trường lao động gắn kết với việc làm thỏa đáng, an sinh xã hội và phát triển bền vững, bao trùm; phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của người học; thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo. Đặc biệt, Nhà nước cần có chính sách phổ cập nghề cho thanh niên; ưu tiên phân bổ ngân sách cho GDNN trong ngân sách giáo dục - đào tạo và trong các chương trình, dự án của ngành, địa phương; tăng cường xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp ở những địa bàn, ngành, nghề phù hợp. Đặc biệt, phải coi phát triển GDNN là trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở GDNN và người dân; chú trọng trong các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển ngành, địa phương.

PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê (trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Đức Kiên

Đánh giá về hoạt động đào tạo nghề, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân sách cho rằng, thời gian qua GDNN đã có nhiều đóng góp trong cung ứng nguồn nhân lực chất lượng thị trường lao động và sự phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia. Đồng thời khẳng định, trong bối cảnh hiện nay và thời gian tiếp theo, lao động sẽ là cấu phần quan trọng nhất trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. “Do đó, tôi đánh giá cao việc xây dựng Chiến lược phát triển cho GDNN của Tổng cục GDNN” – TS. Cấn Văn Lực nói.
 
Toàn cảnh buổi thảo luận. Ảnh: Đức Kiên

Theo đó, TS. Cấn Văn Lực cho rằng Chiến lược cần phải xem xét lại một số vấn đề như: Mục tiêu đào tạo cụ thể; việc lựa chọn chuẩn đầu ra làm căn cứ đánh giá có còn phù hợp; nghiên cứu lại cung cầu lao động theo vùng miền… Đặc biệt, TS. Cấn Văn Lực khuyến cáo, cần cân nhắc thêm về vấn đề tài chính để đầu tư cho lĩnh vực GDNN cung như cơ chế chia sẻ dữ liệu thông tin với các bộ ngành liên quan nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đồng quan điểm với TS. Cấn Văn Lực, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê (trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội) lưu ý thêm, Chiến lược cần quan tâm sâu sắc tới nâng cao năng lực của đội ngũ nhà giáo; phát triển trình độ tiếng Anh của người học; đẩy mạnh thu hút đặt hàng đào tạo của doanh nghiệp và làm rõ vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo lao động.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng mong muốn, các chuyên gia sẽ luôn đồng hành với Tổng cục để cùng xây dựng một chiến lược phát triển GDNN xứng tầm, có giá trị, đóng góp hiệu quả vào việc nâng tầm kỹ năng lao động cũng như tăng năng suất lao động cho quốc gia. Ông Trương Anh Dũng yêu cầu các Cục, vụ liên quan và Ban soạn thảo Chiến lược lưu ý các ý kiến phát triển GDNN nhìn từ góc độ kinh tế và thị trường lao động để tiếp tục nghiên cứu, đưa vào Chiến lược.

 Bình Nhi