Cập nhật ngày: 12/12/2021

 Chọn cho mình một nghề chẳng giống ai, nhưng với Phạm Thị Tấm, việc nâng cao kỹ năng tay nghề chăn nuôi, thú y cho sinh viên và lao động nông thôn góp phần phát triển kinh tế mới là điều quan trọng.

Bén duyên với nghề "chẳng giống ai"

Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn nghèo và theo bố mẹ đi làm kinh tế mới ở vùng đất Tây Nguyên nên ngay từ khi học lớp 12, cô Tấm đã có định hướng học ngành chăn nuôi - thú y để góp phần đóng góp phát triển kinh tế nông nghiệp nơi đây.

Cô giáo Kon Tum chia sẻ: "Năm mình học lớp 12, bạn bè cùng khối ai cũng chọn các ngành như: cơ khí, điện lực, kinh tế, sư phạm…; không ai chọn ngành chăn nuôi - thú y.

Cô giáo Tấm tận tụy truyền kỹ năng nghề chăn nuôi, thú y cho sinh viên - 1

 

Nhấn để phóng to ảnh

Ngành Thú y - chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế và phát triển vùng.

Trong khi đó, mình thấy người dân lao động nông thôn xung quanh rất vất vả, họ sản xuất canh tác còn chưa có kỹ năng nghề để phát triển kinh tế. Hơn hết là mình mong muốn sau khi ra trường có thể dùng kiến thức áp dụng vào thực tế của gia đình".

"Ngành Thú y được xem là ngành bảo vệ sức khỏe, không những cho con vật mà còn cho con người. Ngành Thú y giải quyết các vấn đề về thực phẩm từ gốc, trong khi đó ngành Y tế giải quyết vấn đề sau khi tiêu dùng thực phẩm mà phát sinh bệnh như ngộ độc thực phẩm. 

Từ trang trại đến khi ăn vào là ngành Thú y có trách nhiệm. Do vậy, nghề thú y có tầm quan trọng đặc biệt trong việc bảo vệ vật nuôi gắn liền với phát triển chăn nuôi, nhất là trong thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế mạnh mẽ", cô Tấm nhấn mạnh.

Cô giáo Tấm tận tụy truyền kỹ năng nghề chăn nuôi, thú y cho sinh viên - 2

 

Nhấn để phóng to ảnh

Ngay sau khi ra trường, cô Tấm đã chọn làm việc không lương để có thêm nhiều kinh nghiệm.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên với tấm bằng Xuất sắc, cô Tấm đã xin được theo học nghề và làm không lương cùng các cô chú tại trạm thú y Đắk Hà để được trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng. 

"Mình không nề hà bất cứ một công việc gì, dù chữa bệnh hay tiêm phòng cho gia súc, gia cầm… Rồi cơ duyên khi mình được Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum mời đi dạy nghề chăn nuôi - thú y cho lao động nông thôn của trường", cô Tấm nhớ lại.

Mỗi ngày đi 60 cây số để dạy nghề cho người lao động

Theo chia sẻ của cô Tấm, mỗi ngày cô phải đi 60km cả đi cả về để có thể tới được nơi để dạy cho những người lao động của Kon Tum. Vất vả là thế nhưng điều cô Tấm nhận lại là sự yêu mến và ham học hỏi của học viên.

Cô Tấm bộc bạch: "Nhiều khi cũng cảm thấy vô cùng vất vả, nhưng ngược lại, mình được các học viên vô cùng yêu quý, họ nói thương mình vì mình nhỏ bé nhưng sao nghị lực quá, dạy bài thực tế và dễ hiểu".

Cũng chính nhờ sự nỗ lực mang tới cho học viên những bài giảng, kiến thức thực tế và yêu mến của học viên, tháng 12/ 2006, cô Tấm chính thức được biên chế trở thành giảng viên ngành Chăn nuôi của Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum.

Cũng nhiều lần muốn rời trường để ra ngoài làm, nhưng cô Tâm lại suy nghĩ: "Nếu mình ra ngoài làm thì mình chỉ giúp được mình và một số ít người chăn nuôi. Còn ở lại giảng dạy thì sẽ giúp được nhiều em học sinh có kỹ năng tay nghề và nhiều người chăn nuôi hơn.

Đó là lý do chính mà mình không thể xa được bục giảng nhà trường. Nhìn vào các thế hệ sinh viên học mình hầu hết các em đều có ý thức nghề nghiệp, các em có định hướng rõ ràng và có khát khao thành đạt. Điều đó đã khiến mình càng khó từ bỏ và quyết tâm theo nghề đến sau này". 

Vì là dạy nghề ở một môi trường ở phía bắc Tây Nguyên nên cô Tấm đã được các cấp lãnh đạo tỉnh Kon Tum và Ban Giám hiệu nhà trường luôn quan tâm đến chất lượng giảng dạy, nên luôn ưu tiên cho việc nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức và kỹ năng tay nghề cho giảng viên. 

Bên cạnh đó cũng còn những khó khăn như Kon Tum vẫn đang là một tỉnh nhỏ nghèo, đặc biệt vùng núi sâu và xa. Hầu hết những người dân tộc thiểu số nơi đây trình độ học vẫn còn thấp, kinh tế khó khăn, nên việc học nghề nghiệp và ứng dụng nghề nghiệp vào thực tế sản xuất tại địa còn rất hạn chế. Giáo viên dạy nghề phải rất vất vả trong công cuộc dạy ngành nghề của mình.

Kể về một kỉ niệm khó quên nhất trong suốt 15 năm giảng dạy, cô Tấm cho hay: "Mình nhớ có một học viên, đã ngoài tuổi lao động, không biết chữ, nhưng ngày nào mình đến lớp cũng thấy bà cùng cháu, dù nắng dù mưa, dù ban ngày hay buổi tối, hai bà cháu vẫn đến lớp đều đặn.

Cô giáo Tấm tận tụy truyền kỹ năng nghề chăn nuôi, thú y cho sinh viên - 3

 

Nhấn để phóng to ảnh

Cô Tấm cùng sinh viên thực hành môn chăn nuôi.

Có lần, mình nghe bà nói: "Bà không biết chữ, nhưng bà nghe được, cháu bà sẽ ghi chữ hộ". Mình ngỡ ngàng trước sự ham học hỏi của bà, chưa hết bà còn dành lời khen cho mình khiến mình vô cùng cảm động: Cô giáo là người tốt, nhiệt tình, siêng năng, bà mến cô giáo lắm, cô giảng bài hay quá, bà rất hiểu bài, bà cứ muốn nghe mãi, nên nhiều hôm bà đau chân đau lưng bà vẫn đi bà không muốn nghỉ, bà nghe để về dạy con cháu chăn nuôi và học tập".

Với mong muốn để nâng tầm kỹ năng lao động nghề trong thời đại hội nhập kinh tế, cô Tấm luôn học tập, lắng nghe và tiếp thu những kiến thức mới của những chuyên gia đầu ngành, sau đó tự nghiên cứu rèn luyện kỹ năng nghề để áp dụng linh hoạt, sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương mình.

"Mình đi dạy luôn trong tâm thế đặt bản thân mình vào vị trí của sinh viên. Ngày xưa đi học mình là một học sinh sinh viên nghèo, luôn khát khao được học, và điều gì mình khát khao từ cô giáo thì giờ mình dạy sinh viên của mình như thế, ngày xưa mình khát khao được cô thầy quan tâm chia sẻ như thế nào thì bây giờ mình nên quan tâm chia sẻ với sinh viên của mình như thế. 

Cô giáo Tấm tận tụy truyền kỹ năng nghề chăn nuôi, thú y cho sinh viên - 4

 

Nhấn để phóng to ảnh

Đặt mình vào vị trí của sinh viên để lắng nghe, chia sẻ và cảm thông là cách cô Tấm chọn để gần gũi với sinh viên.

Mình luôn là "bạn" của sinh viên. Đó là phương pháp dùng yêu thương để tạo ra nghị lực cho sinh viên. Sinh viên dù giàu hay nghèo mà không có nghị lực thì cũng sẽ không có thành công", cô Tấm khẳng định.

Nữ giảng viên trường nghề cũng mong muốn rằng, mình sẽ đào tạo được nhiều sinh viên giỏi có nghị lực, có kỹ năng tay nghề cao, có khả năng tự tạo ra việc làm có thu nhập tốt với nghề chăn nuôi - thú y trong thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Lệ Thu - Văn Hiền