Cập nhật ngày: 12/11/2021

 “Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Tổng cục GDNN nhìn nhận, mục đích, ý nghĩa này của Hội giảng Nhà giáo GDNN càng cần được quan tâm, nhấn mạnh hơn nữa. Và chúng ta chỉ có một phương án, đó là chuẩn bị tốt nhất, an toàn nhất, để thích ứng nhất chứ không để dịch bệnh đứt gãy chuỗi hoạt động của GDNN”, bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Trưởng Ban tổ chức Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc 2021 chia sẻ về những nội dung liên quan đến Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc 2021.

Bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Trưởng Ban tổ chức Hội giảng thông tin đến báo chí về những điểm mới của Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc 2021

Không để dịch bệnh đứt gãy chuỗi hoạt động GDNN.

 

 

-PV: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có quan điểm cho rằng nên hoãn việc tổ chức các sự kiện lớn như Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc. Vì sao, Tổng cục GDNN vẫn quyết định tổ chức Hội giảng thưa bà?

+ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN: Hội giảng Nhà giáo GDNN là hoạt động chuyên môn thường xuyên của GDNN từ khi tái thành lập Tổng cục GDNN đến nay. Cứ 3 năm, chúng ta tổ chức Hội giảng Nhà giáo GDNN một lần và từ đó đến nay, việc tham gia Hội giảng đã trở thành thói quen trong nếp sinh hoạt của nhà giáo GDNN.

Mỗi lần tổ chức Hội giảng, GDNN đều có cải tiến thích ứng để phù hợp với tình hình mới. Mỗi kỳ Hội giảng, chúng ta đều tự tin báo cáo với xã hội, GDNN không dừng lại với thành tựu đã đạt được mà luôn cố gắng, nỗ lực phát triển.

Năm nay, Hội giảng nhà giáo GDNN diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với những khó khăn, thách thức nhất định. Tổng cục GDNN cũng đã cân nhắc vấn đề tổ chức Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc 2021 và đi đến quyết định vẫn tổ chức Hội giảng theo đúng thông lệ.

Quyết định vẫn tổ chức Hội giảng dựa trên nhiều căn cứ. Căn cứ đầu tiên là xuất phát từ vai trò, mục đích, ý nghĩa của Hội giảng. Hội giảng Nhà giáo GDNN bao giờ cũng đặt mục tiêu lớn nhất là tôn vinh nỗ lực của đội ngũ nhà giáo GDNN. Qua đó, tạo sự lan tỏa, tạo phong trào thi đua dạy tốt, đổi mới phương pháp giảng dạy trong hệ thống GDNN. Từ sự lan tỏa này, khiến hoạt động GDNN luôn được hệ thống chú ý, hưởng ứng. Đây cũng là cơ hội thu hút sự chú ý toàn xã hội, báo cáo toàn xã hội về năng lực của hệ thống GDNN, về chất lượng đội ngũ nhà giáo GDNN, thu hút sự ưu tiên, đầu tư, quan tâm chỉ đạo của các cơ quan liên quan.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Tổng cục GDNN nhìn nhận, mục đích, ý nghĩa này của Hội giảng Nhà giáo GDNN càng cần được quan tâm, nhấn mạnh hơn nữa. Và chúng ta chỉ có một phương án, đó là chuẩn bị tốt nhất, an toàn nhất, để thích ứng nhất chứ không để dịch bệnh đứt gãy chuỗi hoạt động của GDNN.

Thông điệp “Đổi mới – Sáng tạo – Thích ứng – Hội nhập”  – Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam.

-PV: Diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, Hội giảng Nhà giáo GDNN năm nay có những điểm mới nổi bật nào so với các Hội giảng được tổ chức ở những năm trước đó, thưa bà?

+ Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Việt Hương:

Năm nay là lần đầu tiên Hội giảng được tổ chức theo hình thức trực tuyến với mục tiêu duy trì hoạt động chuyên môn và đảm bảo quyền lợi của đội ngũ nhà giáo trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ban tổ chức sẽ tập trung ở một địa điểm tại Hà Nội (Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội), thực hiện điều hành, giám sát thông qua cổng thông tin Hội giảng. Nhà giáo thực hiện bài trình giảng tại địa điểm trình giảng do các địa phương chuẩn bị và kết nối với cổng thông tin Hội giảng. Giám khảo thực hiện đánh giá tại nơi làm việc của giám khảo qua máy tính cá nhân kết nối cổng thông tin Hội giảng.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cùng với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, Hội giảng năm nay lần đầu tiên đặt ra yêu cầu thích ứng với bối cảnh công nghệ số.

Với mong muốn truyền đi thông điệp “Nhà giáo GDNN sẵn sàng đón nhận, thích ứng với những thay đổi do công nghệ, bối cảnh dịch bệnh tạo nên”, Hội giảng sẽ tập trung phát động, lan tỏa hình ảnh, thông tin về hệ thống GDNN thông qua năng lực thích ứng của nhà giáo khi sử dụng công nghệ và áp dụng phương pháp mới trong tổ chức giảng dạy.

Ban tổ chức đã mạnh dạn đề nghị đưa vào Phiếu đánh giá bài giảng của Hội giảng năm nay tiêu chí chấm điểm rất cao đối với việc cập nhật các phương pháp mới trong giảng dạy. Bối cảnh hiện tại đặc biệt khuyến khích những sáng tạo đó của nhà giáo cho dù đó không không phải là thang điểm thông thường.

Chúng tôi cũng bổ sung vào Hội giảng năm nay yêu cầu cập nhật kiến thức công nghệ đối với ngành nghề mình giảng dạy. Bởi trong bối cảnh này, nếu nhà giáo không cập nhật công nghệ cũng như các thông tin mới tiến bộ, hiện đại trong ngành, nghề mình giảng dạy thì không thể chuyển tải được đến người học khối lượng kiến thức phù hợp.

Điểm mới thứ hai là lần đầu tiên, chúng ta có sự tham gia của các đoàn dự thi đến từ các bộ, ngành, gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Công thương; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam).

Ở các kỳ hội giảng trước, thành viên tham gia đều theo đoàn các địa phương. Trong một bối cảnh thi đặc biệt, ngay lần đầu tiên tham gia dự thi đã phải làm quen ngay với hình thức thi đặc biệt, sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành là rất đáng trân trọng, khích lệ.

Điểm mới tiếp theo là ở Hội giảng năm nay, lần đầu tiên Ban tổ chức ứng dụng công nghệ lựa chọn số ngẫu nhiên để tổ chức bốc thăm thứ tự bài trình giảng. Việc bốc thăm được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự chứng kiến trực tiếp của đại diện Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Sở LĐTB&XH TP Hà Nội và trực tuyến của đại diện Lãnh đạo 61 đoàn tham gia Hội giảng.

Năm nay cũng là năm đầu tiên điểm đánh giá bài trình giảng được công khai trên cổng thông tin của từng tiểu ban ngay sau khi nhà giáo kết thúc bài trình giảng tối đa 05 phút. Với việc công khai điểm thi ngay sau buổi thi, các nhà giáo có thể yên tâm, kết quả chấm đánh giá của Ban giám khảo là cơ sở duy nhất, quan trọng nhất quyết định thành tích cá nhân và thành tích của từng đoàn. Đây cũng là sự ghi nhận, động viên kịp thời đối với các nhà giáo tham gia Hội giảng.

Việc công khai ngay điểm thi như vậy cũng đặt ra yêu cầu đối với các thành viên Ban giám khảo là phải rất thận trọng, khách quan, công bằng, chính xác trong công tác chấm điểm của mình để đảm bảo kết quả thi phản ánh khác quan, thực chất năng lực nhà giáo cũng như động viên được các thầy, các cô.

Các bài trình giảng và đánh giá bài trình giảng cũng sẽ được livestreams trên kênh thông tin của các tiểu ban để các đại biểu, nhà giáo và học sinh, sinh viên theo dõi. Hoạt động trình giảng và chấm trình giảng theo đó sẽ được giám sát bởi tất cả các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan (các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở GDNN có nhà giáo dự thi, nhà giáo, học sinh sinh viên,…) đảm bảo sự  “Khách quan – Công bằng – Chính xác” của Hội giảng.

Điểm mới nữa của Hội giảng năm nay là các hoạt động bên lề sẽ được tổ chức đa dạng với 3 nhóm hoạt động chính: Hoạt động chuyên môn; Hoạt động nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của các nhà giáo; Hoạt động truyền thông…

Trong đó, đối với nhóm hoạt động chuyên môn sẽ mở rộng quy mô thông qua kết nối trực tiếp đến các đoàn tham dự. Đối với nhóm các hoạt động nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, Tổng cục GDNN đã tổ chức phát động Cuộc thi “Thiết kế dạy học trực tuyến trong GDNN vào ngày 15/7/2021 và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương, cơ sở GDNN trên cả nước. Cuộc thi là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng kho dữ liệu cho học liệu mở và giáo dục chia sẻ. Học liệu mở và giáo dục chia sẻ là cốt lõi của lý thuyết giảng dạy hiện đại và phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Với nhóm hoạt động truyền thông, năm nay Ban tổ chức chú trọng đến các hoạt động giới thiệu năng lực hệ thống, đổi mới hệ thống. Bên cạnh các hình thức truyền thông truyền thống, Tổng cục GDNN đã xây dựng kế hoạch tổ chức Triển lãm số trong GDNN và một Tọa đàm quốc tế nhằm giới thiệu thành tựu trong hợp tác quốc tế về GDNN, trong đó có những nội dung liên quan đến phát triển đội ngũ nhà giáo. Tọa đàm quốc tế này sẽ được tổ chức trong diễn đàn đa phương gồm các quốc gia trong cộng đồng pháp ngữ và các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ cho hoạt động của hệ thống GDNN Việt Nam.

Các hoạt động bên lề đều hướng đến vấn đề là, nhà giáo GDNN phải tập trung vào khả năng thiết kế dạy học trực tuyến và khả năng tổ chức dạy học trực tuyến. Đây cũng là 2 nhóm hoạt động chuyên môn mà trong thời gian tới là trọng tâm của Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo GDNN.

Năm nay cũng là năm đầu tiên Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 cùng với Lễ Bế mạc Hội giảng để động viên, tôn vinh nhà giáo có nhiều đóng góp quý báu cho sự nghiệp GDNN, đặc biệt là nhà giáo đạt giải cao (Nhất, Nhì, Ba) tại Hội giảng.

Dự liệu kịch bản xử lý rủi ro phát sinh

 

 

-PV: Lần đầu tiên tổ chức theo hình thức thi trực tuyến, Ban Tổ chức Hội giảng đã có sự chuẩn bị nào để Hội giảng diễn ra thuận lợi, thành công, thưa bà?

+ Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Việt Hương: Chuẩn bị cho Hội giảng, thời gian qua, Ban Tổ chức Hội giảng đã triển khai các nhóm nội dung như: Xây dựng cổng thông tin Hội giảng trực tuyến, thiết lập nền tảng kỹ thuật (đường truyền kết nối), phòng điều hành của Ban tổ chức. Tổ chức tập huấn kỹ thuật cho cán bộ phụ trách kỹ thuật tại các điểm trình giảng ở các địa phương và Hội đồng giám khảo. Tổ chức kết nối tổng thể với các địa phương và chấm trình giảng thử…

Ban tổ chức cũng đã dự liệu những sự cố về đường truyền có thể phát sinh trong quá trình trình giảng, chấm điểm đối với nhà giáo, ban giám khảo tại Hội giảng và phương án xử lý. Chẳng hạn đối với nhà giáo gặp sự cố khi đang trình giảng, nếu dưới 10 phút khắc phục được sự cố thì tiếp tục trình giảng. Việc trình giảng tiếp chia thành 2 trường hợp. Nếu bài giảng đã giảng được 1/3 thì sẽ giảng tiếp còn nếu chưa giảng được 1/3 thì giảng lại từ đầu. Nếu trên 10 phút chưa khắc phục được sự cố thì nhà giáo sẽ thi lại vào cuối ngày thi.

Trường hợp giám khảo gặp sự cố, nhà giáo vẫn trình giảng bình thường. Nếu thời gian khắc phục dưới 5 phút thì giám khảo tiếp tục tham gia chấm điểm, đánh giá. Nếu sau 5 phút không chấm được thì xem lại file bài giảng và chấm sau…

Ban Tổ chức cũng đã xây dựng phương án livestream trên website, Fanpage của Tổng cục GDNN để tránh lỗi quá tải phòng thỉnh giảng do giới hạn số lượng người đăng nhập. Với cách làm này, Ban tổ chức cũng như đông đảo khán giả quan tâm theo dõi Hội giảng có thể chọn xem các phòng trình giảng như xem các kênh truyền hình. Đồng thời có thể thực hiện các bình chọn truyền thông đối với những phần trình giảng được nhiều người share, like….

 

 

Trân trọng cám ơn Phó Tổng cục trưởng về nội dung cuộc trao đổi!

Hải An (ghi)