Cập nhật ngày: 27/10/2021

 Giờ lên lớp của cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Hưng, giáo viên Khoa Chăm sóc sắc đẹp, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội im ắng giữa mùa dịch. Vẫn ngồi bục giảng quen thuộc nhưng giờ đây cô và trò chỉ có thể giao tiếp với nhau qua màn hình máy tính.

Với cách dạy truyền thống giáo viên chỉ cần soạn giáo án, chuẩn bị bài giảng, đến trường thao tác để học sinh theo dõi. Tuy nhiên, dịch COVID-19 buộc các trường nghề phải thay đổi phương thức đào tạo, chuyển từ dạy trực tiếp sang trực tuyến.

“Mình cần hiểu phần mềm phục vụ bài giảng, cách quay một clip thì cần làm gì để chuyển tải nội dung bài học tốt nhất, đầy đủ thông tin, đáp ứng nhu cầu của người học”, cô Hưng chia sẻ.

Một tiết học online của cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Hưng

Thách thức với giáo viên trường nghề trong đại dịch là phần lớn nội dung chương trình yêu cầu thực hành. Làm sao học để học online nhưng sinh viên vẫn thực hiện được các kỹ năng nghề?

Để chuẩn bị cho một buổi dạy online giáo viên vất vả hơn nhiều so với trước đây. Cầu kỳ từ giáo án cho đến chọn góc quay máy quay, âm thanh, ánh sáng cũng phải được chú ý để chuyển tải hình ảnh tốt nhất đến người học.

“Có những hôm quay dựng những đoạn video để hôm sau phục vụ cho bài giảng, mình thức cả đêm”. Tuy nhiên theo cô Hưng, nhờ thế, giáo viên cũng được nâng cao kỹ năng tay nghề, thành thạo công nghệ.

Từ nhà làm phim hoạt hình đến cô giáo dạy nghề

Từng có 10 năm làm phim hoạt hình trước khi trở thành một giáo viên dạy nghề nên quá trình dạy học online là lúc những sáng tạo, kỹ năng làm phim được cô Hưng vận dụng triệt để.

Nguyễn Thị Cẩm Hưng bén duyên với hãng phim hoạt hình Việt Nam khi còn là sinh viên năm cuối Khoa thiết kế mỹ thuật Trường ĐH Sân khấu điện ảnh. "Đam mê từ bé của mình là vẽ vời, sáng tạo ra những nhân vật hoạt hình đáng yêu, có tính giáo dục cho các em nhỏ. Có lẽ bởi vậy mà lúc nào mình cũng nghĩ mình trẻ. Năm thứ 4 khi thực tập ở hãng phim hoạt hình, mình được nhận vào làm việc. Cứ thế gắn bó với việc sản xuất phim hoạt hình hơn chục năm", cô Hưng kể.

Làm nghề sản xuất phim hoạt hình, cái máu hội họa còn đưa đẩy cô Hưng tự tìm tòi lấn sân với nghề make-up (trang điểm). “Thời gian còn làm phim mình cũng thích cả nghề make-up nữa. Thế là tự tìm tòi, học hỏi rồi theo học các khóa đào tạo. Mình còn mua cả bộ đồ nghề, trang điểm cho những người xung quanh, hàng xóm, những người trong hãng phim”, cô Hưng chia sẻ.

Hơn 10 năm làm phim hoạt hình, chưa lúc nào cô Hưng nghĩ rằng rồi một ngày mình trở thành giáo viên dạy nghề Chăm sóc sắc đẹp.

“Thời gian đó mình có con nhỏ, nhà chuyển về khá xa trung tâm. Từ nhà lên hãng phim cách 20 km nên không đảm bảo thời gian và sức khỏe để theo nghề. Đó cũng là thời điểm trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội mở khoa Chăm sóc sắc đẹp”, cô Hưng chia sẻ về cái duyên trở thành một giáo viên dạy nghề.

Bây giờ, thỉnh thoảng cô Hưng vẫn cộng tác với những dự án phim ngắn. Nhưng lần này vai trò của cô không phải là nhà thiết kế mỹ thuật mà là một chuyên gia trang điểm.

“Nghề hóa trang phim trường thú vị và có nhiều đất sáng tạo. Bạn bè cũng rủ đi hóa trang cho phim nọ phim kia nhưng công việc tốn nhiều thời gian, có khi phải theo đoàn dài ngày, đi sớm về khuya. Do đó, mình có thể hỗ trợ trong các tập phim ngắn trong ngày hoặc nhiều nhất 2-3 ngày khi sắp xếp được công việc và gia đình”, cô Hưng chia sẻ.

Tuy nhiên, cô Hưng cảm thấy may mắn vì khi trở thành giáo viên dạy nghề cô vẫn phát huy được sở trường, được làm công việc mà mình yêu thích, đồng thời lan tỏa những đam mê của mình đến với nhiều thế hệ học trò.  

Ấp ủ về kho học liệu bằng video

Thời gian dạy học online cũng là lúc cô Nguyễn Thị Cẩm Hưng ôn lại những kỹ năng thời còn sản xuất phim hoạt hình.

“Làm phim thì sử dụng phần mềm dựng phim hoạt hình, mình còn làm những chuyển động dài tập, ứng dụng nhiều kỹ thuật, kỹ xảo, thậm chí làm 1 cảnh phim cũng mất cả đêm. Còn tạo ra những clip để dạy học sinh đơn giản hơn nhiều, chỉ là cắt ghép, sắp xếp cho hợp lý”.

Với những clip đã sản xuất, cô Hưng cho rằng mình có thể còn làm tốt hơn nữa. Cô đang ấp ủ hoàn thiện thành hệ thống bài giảng, học liệu có thể sử dụng cho những khóa học sinh tiếp theo.

Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp không đơn giản nhưng đó cũng là quá trình buộc giáo viên phải thay đổi, thích ứng và trau dồi thêm nhiều kỹ năng hơn nữa bên cạnh kỹ năng chuyên môn. Và cần cả đam mê nhiệt huyết với nghề của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.


Phương Lan /VOV2