Cập nhật ngày: 06/10/2021

 Thực hiện Quyết định số 1309/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, Tổng cục GDNN đã phối hợp với các chuyên gia biên soạn tài liệu bồi dưỡng kỹ năng cho tác giả biên soạn chương trình, tài liệu nội dung quyền con người vào giáo dục nghề nghiệp và tổ chức họp thẩm định bộ tài liệu vào ngày 04/10/2021. Tham dự cuộc họp có các thành viên Hội đồng thẩm định, do TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng  Tổng cục GDNN làm Chủ tịch; các  ủy viên gồm đại diện Lãnh đạo Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội, đại diện Lãnh đạo một số Vụ liên quan của Tổng cục GDNN, và một số thành viên Tổ biên soạn.
Phát biểu khai mạc, TS. Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng việc lồng ghép nội dung quyền con người vào GDNN thực sự là một nhiệm vụ khó trong khi nguồn lực hạn chế và không có một bộ phận chuyên trách, các cán bộ được giao nhiệm vụ thực hiện Đề án đều là kiêm nhiệm. Do đó, bộ tài liệu được biên soạn và trình Hội đồng thẩm định ngày hôm nay là một sự nỗ lực của Tổ biên soạn và bộ phận triển khai thực hiện Đề án của Tổng cục.

Bộ tài liệu gồm 5 chuyên đề với các nội dung chính: Giới thiệu chung về quyền con người và quyền con người trong GDNN; các chuẩn mực quốc tế về quyền con người - cơ chế bảo đảm; quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quyền con người; giáo dục về quyền con người - cách tiếp cận dựa trên quyền trong giáo dục; lồng ghép nội dung và phương pháp giáo dục quyền con người vào chương trình đào tạo của các cơ sở GDNN.
 
Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình (Thứ 2 từ phải sang) chủ trì cuộc họp
 

Sau khi nghe đại diện Tổ biên soạn báo cáo quá trình triển khai, phương pháp tiếp cận và những nội dung chính của tài liệu, các thành viên Hội đồng thẩm định đã đưa ra các ý kiến nhận xét cụ thể.  Các thành viên đều đánh giá đây là một bộ tài liệu được biên soạn công phu, mang tính chất như một công trình khoa học với nhiều thông tin, kiến thức, cách tiếp cận và cách sử dụng khung logic khá mới mẻ đối với một vấn đề vốn được coi là khó và mang ý nghĩa chính trị. Tuy nhiên, bộ tài liệu cần bổ sung mục tiêu chung của tài liệu và của từng chuyên đề; bổ sung một số nội dung đối với chuyên đề về việc lồng ghép vì đây là chuyên đề quan trọng nhất; bổ sung các quyền của người lao động theo các Công ước của ILO và Bộ luật lao động; đối với những phần chung nên viết ngắn gọn, súc tích và trích dẫn tài liệu tham khảo đầy đủ hơn. Các thành viên hội đồng thẩm định thống nhất đề xuất Tổng cục GDNN ban hành bộ tài liệu sau khi Tổ biên soạn điều chỉnh, bổ sung các nội dung theo ý kiến góp ý.

Thay mặt đơn vị thường trực Ban Điều hành Đề án theo Quyết định số 1309/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, PGS.TS. Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cao những hoạt động do Tổng cục GDNN đã triển khai trong khuôn khổ Đề án và nhấn mạnh trong dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung quyền con người vào hệ thống giáo dục quốc dân đã đề nghị Bộ Tài chính đảm bảo kinh phí thực hiện Đề án cho các Bộ, ngành trong dự toán ngân sách hàng năm để có thể hoàn thành các mục tiêu của Đề án theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Kết thúc cuộc họp, TS. Phạm Vũ Quốc Bình một lần nữa khẳng định, việc đưa nội dung quyền con người vào hệ thống giáo dục quốc dân nói chung và GDNN nói riêng là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đồng thời chính là thực hiện cam kết, trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về đẩy mạnh hoạt động giáo dục quyền con người. Tổ biên soạn cần tiếp thu các ý kiến của Hội đồng thẩm định để hoàn thiện nội dung tài liệu, trình Tổng cục GDNN ban hành và sử dụng để thí điểm tập huấn cho cán bộ, giáo viên các cơ sở GDNN thuộc một số ngành, nghề trước khi đào tạo nhân rộng trong thời gian tới./.

                                                           Văn phòng Tổng cục GDNN.