Cập nhật ngày: 01/10/2021

 Trong khuôn khổ hợp tác song phương, ngày 30/9/2021, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phối hợp với Đại sứ quán Ôtxtrâylia đã khai mạc chuỗi Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số trong GDNN tại Việt Nam. Tham dự Hội thảo có Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình; đại diện Lãnh đạo, chuyên viên các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục GDNN;đại diện lãnh đạo và giáo viên từ hơn 40 cơ sở GDNN.

Chuỗi Hội thảo nằm trong khuôn khổ hợp tác về GDNN giữa Việt Nam và Ôtxtrâylia nhằm mục đích chia sẻ các bài học kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi số từ học tập truyền thống sang học tập trực tuyến/ hoặc hình thức đào tạo kết hợp của Ôtxtrâylia với các cơ sở GDNN và các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam. Chuỗi hội thảo diễn ra trong thời gian từ ngày 30/9 đến ngày 11/11/2021, vào các ngày thứ 5 hàng tuần.

 

Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình chủ trì buổi khai mạc chuỗi Hội thảo

         Phát biểu tại buổi khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình chia sẻ: “Đại dịch Covid-19 trong gần hai năm qua, đã tác động mạnh mẽ đến hệ thống giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Để ứng phó với tác động của đại dịch, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các cơ sở GDNN, các giáo viên, người học.

          Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình nhấn mạnh bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đại dịch Covid đòi hỏi hệ thống GDNN trên thế giới cần phải đổi mới. Việt Nam định hướng phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiện đại hóa, hội nhập hóa, bao trùm, tạo cơ sở học tập, phát triển kỹ năng suốt đời, gắn với an sinh xã hội, trong đó đẩy mạnh chuyển đổi số là giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng phát triến kinh tế xã hội trong từng giai đoạn. Hiện nay, Tổng cục GDNN đang xây dựng Đề án Chuyển đổi số trong GDNN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung vào phát triển hệ sinh thái số với những giải pháp: (i) Xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN; (ii) Chỉnh sửa, cập nhật nội dung chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số trong nền kinh tế và hội nhập quốc tế; (iii) Thay đổi phương pháp dạy và học các cấp trình độ GDNN, tăng cường dạy học trực tuyến/kết hợp; (iv) Phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số đảm bảo sự liên thông, kết nối; (v) Phát triển giáo viên số, học viên số, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho giáo viên, cán bộ quản lý và người học; (vi) Đẩy mạnh quản lý số và quản trị số hệ thống GDNN; (vii) Nâng cao nhận thức chuyển đôi số trong GDNN; (viii) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số. Bên cạnh đó, TS. Phạm Vũ Quốc Bình cũng chỉ ra những hạn chế, thách thức khi chuyển đổi số của các cơ sở GDNN hiện nay, vấn đề nhận thức về chuyển đổi số, quá trình thực hiện chuyển đổi số; kỹ năng xây dựng bài giảng, phương pháp giảng dạy trong đào tạo trực tuyến; kỹ năng số và kỹ năng tự học của học sinh, sinh viên khi học trực tuyến; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tịn còn hạn chế, chưa hệ thống, đồng bộ, sự liên thông kết nối chưa cao; tự chủ phát triển chương trình còn chậm; sự kết nối với doanh nghiệp còn yếu...

Tại buổi Hội thảo, các chuyên gia đến từ TAFE Queensland - Bà Julie Healy và Bà Sam Crowe đã chia sẻ những kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả đào tạo khi chuyển từ hình thức đào tạo truyền thống sang trực tuyến, cụ thể như:

- Lập kế hoạch, chuẩn bị xây dựng cấu trúc bài giảng trực tuyến kết hợp với công tác tuyển sinh với hệ thống quản lý học tập;

- Hệ thống quản lý học tập cần phải được xây dựng trước khi triển khai học tập trực tuyến.Trong Hệ thống quản lý học tập phải có nền tảng hệ thống và ứng dụng, công nghệ hỗ trợ học tập trực tuyến, ví dụ: cơ sở hạ tầng phục vụ hội nghị, hội thảo gọi video; dịch vụ tải file trên cơ sở đám mây; công cụ thu âm trực tuyến, các nội dung được phát triển phải thích ứng được các thiết bị điện thoại thông minh mà học viên sử dụng để học tập…

- Đội ngũ giảng viên, người dạy cần được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho việc giảng dạy trực tuyến. Việc chuyển đổi từ dạy trực tiếp sang trực tuyến, đòi hỏi đội ngũ giáo viên giảng viên phải được đào tạo, tập huấn về công nghệ mới, kỹ năng sư phạm để tổ chức giảng dạy các khóa trực tuyến; chuyển đổi những bài giảng trực tiếp phù hợp với mô hình học tập trực tuyến, kết hợp.

 

 

 

 Các đại biểu tham dự Hội thảo

 

 

 Phát biểu kết thúc buổi Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng: vấn đề chuyển đổi số trong GDNN tại Việt Nam còn chậm và chưa theo kịp xu thế phát triển chung. Trong bối cảnh đó, việc hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và nhà giáo GDNN thông qua các hội thảo, tập huấn trực tuyến quốc tế, trong đó ưu tiên các nội dung về quản lý và đánh giá trong đào tạo trực tuyến; năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế dạy học trực tuyến; năng lực số hóa bài giảng, học liệu…tương tự như chuỗi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm này của Ôtxtrâylia là rất cần thiết và hữu ích trong bối cảnh hiện nay.

Văn phòng Tổng cục GDNN