Cập nhật ngày: 15/09/2021

 Một thực trạng đang diễn ra là phần lớn học sinh xem học nghề là lựa chọn thứ 2 sau con đường vào đại học. Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra, nhiều nhất vẫn là tâm lý chọn theo đám đông, chịu sự ảnh hưởng bởi định kiến của xã hội (thường coi trọng “thầy hơn thợ”)… Tuy nhiên, thực tế đã và đang làm các em phải suy nghĩ lại, vì hiện nay học nghề đang mở ra không ít cơ hội nghề nghiệp.

 

 

Sinh viên nữ tham gia học các ngành khối kỹ thuật vẫn học tập rất tốt

Thành công nhờ chọn đúng

Xu hướng chọn nghề của học sinh vẫn còn bị cuốn theo tâm lý đám đông, chưa thực sự tìm hiểu về năng lực, sở thích của bản thân. Nhiều em học đại học, trong khi năng lực và điều kiện gia đình chưa đáp ứng được. Ngược lại, học nghề có thời gian đào tạo ngắn, chi phí thấp, cơ hội có việc làm lớn, là lựa chọn cuối cùng khi học sinh không thể vào đại học. Điển hình như ở ngành Cơ điện tử (đang được Trường Cao đẳng Nghề An Giang đào tạo) là nền tảng của nhiều ngành, nghề công nghệ cao, là xu hướng phát triển của thế giới, không riêng gì ở Việt Nam.

Tuy nhiên, học sinh chưa biết ngành Cơ điện tử là gì, đào tạo như thế nào… Thay vì dành thời gian tìm hiểu, các em lại chọn ngành quen thuộc, có số lượng sinh viên học nhiều, đồng thời chịu sự tác động rất lớn từ phụ huynh. Tâm lý của phụ huynh muốn tốt cho con em mình là chuyện hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, cha mẹ phải hiểu rõ năng lực của con mình, trao sự tin tưởng, chắp thêm đôi cánh để các em lựa chọn đúng sở thích, đam mê. Chỉ khi theo đuổi đam mê, có mục đích của bản thân, thì cuộc sống của các em sau này mới thật sự ý nghĩa.

Những năm học qua, bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, Trường Cao đẳng Nghề An Giang đã và đang thực hiện việc truyền thông, thay đổi dần định kiến về đào tạo nghề, học nghề đến với học sinh, phụ huynh. Điển hình như, đến trực tiếp trường THPT tổ chức hội thi về Robocon, trải nghiệm thực tế “Một ngày làm công nhân” tại trường… Đây là cách làm truyền thông hiệu quả, chứng minh học nghề trong môi trường chuyên nghiệp, với đầy đủ trang, thiết bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn chất lượng. Quan trọng hơn hết là cơ hội việc làm rộng mở, có thể làm việc trong nhà máy sản xuất hiện đại, hệ thống sản xuất của các nhà máy sử dụng hệ thống cơ điện tử. Riêng những sinh viên có trình độ cao, có thể làm ở vị trí quản lý sản xuất hoặc thiết kế hệ thống cơ điện tử.

Con gái học kỹ thuật, sao lại không thể?

ThS Nguyễn Đức Tài (giảng viên Trường Cao đẳng Nghề An Giang) cho biết, trường triển khai nhiều hoạt động trong thời gian qua nhằm phát huy ý tưởng sáng tạo của học sinh khối trung học, đặc biệt là muốn giúp học sinh nữ tiếp cận ngành Kỹ thuật, thay đổi nhận thức xã hội về giới nữ học kỹ thuật. Theo đó, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tài trợ 2 suất học bổng (trị giá 24 triệu đồng) cho bạn nữ học ngành Cơ điện tử tại trường năm học 2021-2022. “Tại Hội thi Robocon diễn ra trước đó, học sinh nữ tham gia rất nhiệt tình. Ở các cụm thi đều có đội nữ đạt giải nhất. Đây là phương pháp hướng nghiệp thực tế, giúp các em phát hiện ra sở thích, đam mê của mình, lựa chọn ngành nghề phù hợp” - ThS Nguyễn Đức Tài thông tin.

Hiện nay, Trường Cao đẳng Nghề An Giang cùng Tổ chức GIZ triển khai chương trình học bổng trị giá trên 90 triệu đồng dành cho học viên khuyết tật theo học ngành Cơ điện tử tại trường. Theo ThS Nguyễn Đức Tài, ngành Cơ điện tử (trình độ trung cấp và cao đẳng) là lĩnh vực phù hợp với các bạn khuyết tật. Thuộc nhóm ngành công nghệ cao, các bạn có thể làm việc trên máy tính, như: lập trình, thiết kế hệ thống cơ điện tử, mô phỏng. Học bổng nhằm hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế có việc làm ổn định, tham gia tốt thị trường lao động. Bên cạnh đó, giúp thay đổi nhận thức của xã hội về người khuyết tật và giới nữ học kỹ thuật.

“Có thể nói, ngành Cơ điện tử là ngành dễ học nhất trong các khối ngành kỹ thuật. Đã có nhiều bạn nữ theo học, tiếp thu và ứng dụng dễ dàng” - ThS Nguyễn Đức Tài nhấn mạnh. Trường thành lập câu lạc bộ “Sáng tạo kỹ thuật - MEC” cho sinh viên có không gian học tập, nghiên cứu. Câu lạc bộ dành hẳn 1 phòng thí nghiệm mở cho sinh viên tham gia, phát triển ý tưởng đề tài của mình. “Em được học tập và thực hành rất nhiều, với trang thiết bị hiện đại, được thầy cô hướng dẫn tận tình, từ truyền dạy kiến thức cho đến thực hành. Bản thân em cho rằng, ngành Cơ điện tử rất phù hợp với các bạn nữ đam mê khối ngành kỹ thuật” - Thúy Liễu, (sinh viên năm cuối ngành Cơ điện tử, Trường Cao đẳng Nghề An Giang) chia sẻ.

Năm học này, Trường Cao đẳng Nghề An Giang đầu tư trên 1 tỷ đồng để mua trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học tại trường (Phòng IOT và Robot). Theo định hướng phát triển, thời gian tới trường sẽ thành lập Trung tâm Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch.

ÁNH NGUYÊN